Xem xét cấp sinh hoạt phí cho LHS bằng tiền bản tệ

Xem xét cấp sinh hoạt phí cho LHS bằng tiền bản tệ
TPO - Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Văn Nhung, Bộ GD&ĐT đang xem xét việc trả sinh hoạt phí cho lưu học sinh (LHS) thuộc đề án 322 bằng đồng tiền các nước theo học, cũng như quy việc trả sinh hoạt phí về một mối.
Xem xét cấp sinh hoạt phí cho LHS bằng tiền bản tệ ảnh 1
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Văn Nhung. Ảnh: XM.

>> Nên thay đổi cách quản lý tài chính với đề án 322
>>
Vì sao LHS Việt Nam hay bị chậm sinh hoạt phí?

Vừa qua, báo Tiền phong nhận được nhiều thông tin của LHS thuộc đề án 322 (đề án đào tạo cán bộ bằng Ngân sách Nhà nước), phản ánh về những bất cập của vấn đề cấp phát sinh hoạt phí.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên báo Tiền phong đã có cuộc phỏng vấn với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Văn Nhung - Người trực tiếp phụ trách lĩnh vực nêu trên.

Thưa Thứ trưởng, Thứ  trưởng đánh giá thế nào về mức sinh hoạt phí của LHS thuộc đề án 322 hiện nay? Liệu với mức này, LHS có đủ điều kiện để sinh sống, học tập, nghiên cứu ở nước ngoài?

Gần đây, một số LHS, nhất là LHS tại Úc phản ánh về mức sinh hoạt phí của LHS thấp. Có thể phân loại các ý kiến phản ánh thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất phản ánh mức sinh hoạt phí không đủ cho sinh hoạt, học tập.

Nhóm thứ hai cho rằng, mức sinh hoạt phí cấp cho LHS thuộc đề án 322 là tạm đủ, đảm bảo yêu cầu tối thiểu để sinh viên học tập.

Bộ GD&ĐT cho rằng ở một số nước, mức sinh hoạt phí được điều chỉnh từ năm 2004 chỉ đủ đảm bảo điều kiện tối thiểu, LHS phải tiết kiệm và tính toán rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Điều đó phần nào ảnh hưởng đến việc học tập của LHS.

Vậy Bộ GD&ĐT có tăng mức sinh hoạt phí cho LHS theo Đề án 322 không, thưa Thứ trưởng? Nếu có tăng, xin Thứ trưởng cho biết mức đó là bao nhiêu và thời gian nào sẽ áp dụng?

Thông tư 88/2001/TTLT/BTC-BGD&ĐT-BNG năm 2001 về hướng dẫn quản lý và cấp phát nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước dành cho Đề án “Đào tạo cán bộ Khoa học - Kỹ thuật tại các cơ sở đào tạo nước ngoài”, điểm 1.2 phần II, Quy định cụ thể, có nêu:

“Trong trường hợp giá sinh hoạt tại nước có LHS đang theo học có sự tăng nhanh, ảnh hưởng tới đời sống của người Việt Nam đang công tác và học tập tại đó thì việc xem xét điều chỉnh sinh hoạt phí cho LHS được thực hiện đồng thời với việc xem xét điều chỉnh sinh hoạt phí cho cán bộ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài”.

Theo tinh thần đó, Bộ GD&ĐT phải phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao, yêu cầu đại sứ quán ở một số nước phản ánh về sự tăng giá sinh hoạt và kiến nghị về mức tăng sinh hoạt phí một cách hợp lý, đảm bảo cho LHS học tập tốt trong điều kiện tiết kiệm. Mặt khác, Bộ GD&ĐT phải tính toán số tiền cần phải xin cấp bổ sung để đủ chi cho việc điều chỉnh mức sinh hoạt phí.

Một số LHS thắc mắc tại sao Ban đề án 322 không gửi sinh hoạt phí bằng đồng tiền các nước sở tại mà lại bằng đồng đô la Mỹ. Nếu gửi bằng tiền của các nước thì LHS sẽ ổn định hơn về mức sinh hoạt phí, không bị phụ thuộc vào sự lên xuống, bấp bênh của đồng đô la Mỹ. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Về nguyên tắc, có thể chi sinh hoạt phí cho LHS bằng tiền của các nước. Việc này, Đề án 322 phải trao đổi thống nhất với các cơ quan quản lý ngoại tệ để thể hiện trên văn bản hướng dẫn và thực hiện đúng quy định.

Bộ chúng tôi cũng rất muốn và sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan để xem xét và sớm có thể phát sinh hoạt phí cho LHS theo Đề án 322 bằng tiền bản tệ.

Hiện nay, có đến 3 đơn vị là Bộ GD&ĐT, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính tham gia quá trình quản lý và cấp phát sinh hoạt phí cho LHS. Theo Thứ trưởng, Bộ GD&ĐT có nên đề xuất thành lập Cục quản lý LHS trực thuộc Bộ, nhằm mục đích nhất thể hoá đầu mối quản lý LHS không?

Cơ sở cho việc quản lý và cấp phát tài chính cho các đề án đào tạo tại nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước là Thông tư liên bộ hướng dẫn về quản lý và cấp phát tài chính.

Bộ Tài chính chủ trì, cùng với Bộ Ngoại giao và Bộ GD&ĐT xây dựng Thông tư liên Bộ. Khi cần sửa đổi, điều chỉnh Thông tư liên bộ, ba Bộ nêu trên cùng thực hiện.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang chủ trì sửa đổi, bổ sung Thông tư số 88 nêu trên (đã được ban hành từ năm 2001). Khi có văn bản pháp quy là Thông tư liên bộ mới,  Bộ GD&ĐT quản lý và cấp phát sinh hoạt phí, không phải ba Bộ cùng thực hiện các công việc này.

Việc đề xuất thành lập Cục quản lý LHS trực thuộc Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu, nhưng nếu có Cục đó thì đây là sự thống nhất đầu mối trong phạm vi Bộ GD&ĐT.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Xuân Mai
Thực hiện

MỚI - NÓNG