Xét công nhận GS/PGS năm 2020: Siết tiêu chuẩn cả hội đồng và ứng viên

Nâng cao tiêu chuẩn xét duyệt để có những ứng viên giáo sư, phó giáo sư thực sự chất lượng
Nâng cao tiêu chuẩn xét duyệt để có những ứng viên giáo sư, phó giáo sư thực sự chất lượng
TP - Năm thứ hai thực hiện xét công nhận tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS/PGS) có những điểm mới. Việc kiện toàn hội đồng GS ngành/liên ngành diễn ra hằng năm và thành viên có thể thay đổi tùy thuộc số lượng, cơ cấu chuyên ngành của ứng viên theo từng năm. 

14 thành viên Hội đồng GS ngành/liên ngành ra khỏi danh sách

Vừa qua, Hội đồng GS Nhà nước rà soát tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng GS ngành/liên ngành theo Quyết định và Thông tư về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng GS Nhà nước, các Hội đồng GS ngành/liên ngành (gọi chung là Hội đồng GS ngành) và Hội đồng GS cơ sở. Cụ thể, Thông tư sửa đổi quy định, các Hội đồng GS ngành, Hội đồng GS Nhà nước và Hội đồng GS cơ sở yêu cầu công khai thành tích đào tạo và nghiên cứu.

Trong đó, danh mục sách chuyên khảo, giáo trình trong 5 năm liền kề với thời điểm được bổ nhiệm thành viên Hội đồng gần đây nhất như: tên tác giả, tên sách, nhà xuất bản, năm xuất bản, mã số ISBN, chỉ số trích dẫn. Các thành viên Hội đồng phải công khai tổng số bài báo khoa học đã công bố trên tạp chí trong nước, quốc tế. Danh mục bài báo khoa học công bố trong 5 năm liền kề với thời điểm được bổ nhiệm thành viên Hội đồng gần đây nhất như tên tác giả, tên sách, nhà xuất bản, năm xuất bản, mã số ISBN, chỉ số trích dẫn.

Ngoài ra, cần công khai về nhiệm vụ khoa học và công nghệ, công trình khoa học khác hay hướng dẫn nghiên cứu sinh đã có quyết định cấp bằng tiến sĩ, các thông tin về chỉ số định danh ORCID, hồ sơ Google Scholar, H-index, số lượt trích dẫn (nếu có)...

Với các tiêu chuẩn theo quy định trên, Hội đồng GS Nhà nước đã rà soát tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng GS ngành. Sau khi rà soát, có 14/278 thành viên Hội đồng GS ngành ra khỏi danh sách. Theo số liệu mà Tiền Phong có được, các Hội đồng GS ngành năm nay có thành viên ra khỏi danh sách gồm: Điện, điện tử, tự động; Giáo dục học; Hóa học; Khoa học an ninh; Kinh tế; Luật; Luyện kim; Ngôn ngữ; Nông nghiệp, Lâm nghiệp; Lịch sử, Khảo cổ, Dân tộc học; Thủy lợi; Toán; Kiến trúc.

Trong đó, có Chủ tịch Hội đồng GS ngành Luyện kim, GS.TS Nguyễn Minh Giảng, được thay thế bằng GS.TS Nguyễn Hồng Hải. Điều này đồng nghĩa với việc, danh sách ủy viên Hội đồng GS Nhà nước cũng có sự thay đổi. Vì các ủy viên Hội đồng GS Nhà nước là 28 Chủ tịch Hội đồng GS ngành. Đặc biệt năm nay, GS.TS Furuta Motoo, trường ĐH Việt Nhật (ĐH Quốc gia Hà Nội), thay cho GS Ngô Văn Lệ ở Hội đồng GS ngành Lịch sử, Khảo cổ, Dân tộc học.

Theo PGS.TS Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng GS Nhà nước, các thành viên Hội đồng GS ngành phải đáp ứng được hai điều kiện: công bố khoa học và uy tín trong ngành. Cho đến thời điểm hiện tại, sơ yếu lý lịch khoa học của các thành viên Hội đồng GS ngành đã được công khai trên website của Hội đồng GS Nhà nước.

Làm rõ vấn đề bài báo khoa học

Liên quan tiêu chuẩn bài báo đăng trên tạp chí quốc tế uy tín, Hội đồng GS Nhà nước yêu cầu các hội đồng ngành quan tâm 2 vấn đề: ứng viên công bố nhiều bài báo khoa học trên cùng một tạp chí trong thời gian ngắn và ứng viên công bố bài báo trên các tạp chí được khuyến cáo về chất lượng.

Hội đồng GS Nhà nước yêu cầu các hội đồng ngành phỏng vấn ứng viên để làm rõ lý do đăng bài với danh nghĩa cơ quan khác với cơ quan mình đang công tác; kiểm tra chất lượng của bài báo có phù hợp với chuyên ngành đăng ký của ứng viên hay không, loại bỏ các bài có nội dung trùng lặp. Hội đồng ngành phải kiểm tra sự phù hợp của các minh chứng, không tính các minh chứng sai quy định; loại bỏ các công trình trùng lặp từ 30% trở lên và có chuyên môn không phù hợp với chuyên ngành của từng ứng viên.

Xem xét các tác giả chính, các thông tin xuất bản (ngày nhận, phản hồi, chấp nhận và xuất bản), số tạp chí. Việc xác định tác giả chính của bài báo khoa học phải theo quy định của từng tạp chí cụ thể (tác giả đứng đầu, tác giả liên hệ…); không chấp nhận xác nhận từ nhóm tác giả.

Phỏng vấn ứng viên trong phiên họp báo cáo khoa học tổng quan để làm rõ lý do ứng viên đăng bài số lượng lớn trong thời gian ngắn, như: ứng viên tham gia các nhóm nghiên cứu; xuất hiện yếu tố nước ngoài (địa bàn nghiên cứu, dữ liệu, số liệu nước ngoài, tác giả nước ngoài…). Kiểm tra một số thông tin như: thời gian phản biện (ngày nhận, phản hồi, chấp nhận và xuất bản); một nhà xuất bản phát hành đồng thời nhiều tạp chí.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 416 ứng viên được Hội đồng GS cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS năm 2020. Theo số liệu thống kê, năm nay, cả nước có 603 ứng viên đăng ký xét tiêu chuẩn chức danh GS/PGS. Tuy nhiên, 187 ứng viên rút đăng ký và bị loại từ Hội đồng GS cơ sở. Trong đó có 133 ứng viên không nộp hồ sơ và 54 ứng viên bị loại từ Hội đồng GS cơ sở. 

MỚI - NÓNG