Xin thôi làm cán bộ… để chăm sóc trẻ cơ nhỡ, mồ côi

Cô Trúc Linh luôn quan tâm đến vấn đề vệ sinh cho các con
Cô Trúc Linh luôn quan tâm đến vấn đề vệ sinh cho các con
Đó là câu chuyện của cô Nguyễn Thị Trúc Linh, hiện đang là cô giáo, người mẹ chăm sóc nhóm trẻ gia đình tại Trung tâm Công tác xã  tỉnh Vĩnh Long. Ít ai biết rằng trước đó cô Linh  đã là Chủ tịch Hội phụ nữ xã, chị sẵn sàng từ chối công việc “sang” hơn, có nhiều cơ hội thăng tiến để làm người chăm sóc trẻ em cơ nhỡ, mồ côi.

Qua giới thiệu của Lãnh đạo Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Vĩnh Long, tôi được biết cô Nguyễn Thị Trúc Linh (30 tuổi, người nuôi dưỡng trẻ thuộc phòng Quản lý và chăm sóc) là một trong những người tích cực, nhiệt tình căm sóc trẻ em tại trung tâm.

Gặp Linh vào đúng giờ đưa đón trẻ từ trường về, vào buổi chiều mưa miền Tây. Gỡ bỏ chiếc áo mưa khỏi xe máy, mấy đứa trẻ vẫn đồng phục học sinh, từ trên xe chạy ùa xuống. Chị Linh lấy từ xe ra bánh gato, chuối, hoa quả vừa cười: “Hôm nay, em tổ chức sinh nhật cho các cháu sinh vào tháng 10. Nhà báo ở lại dự cùng nhé!”

Lũ trẻ nhìn thấy chị Linh nhao nhao lên chào, mừng rối rít. Trò chuyện với tôi, bé Phạm Tuấn Phương, 6 tuổi, tự hào khoe: “Con ở với cô Linh, cô Lắc… con yêu các cô, các cô cũng yêu con lắm”

Ở đây ngày làm việc không phải 8 tiếng. Mỗi ca trực từ 7 giờ sáng ngày hôm trước đến 7 giờ sáng ngày hôm sau là một ca. Như vậy mỗi ca trực 24 giờ, ngày làm ngày nghỉ xen kẽ.

Ở khu vực trẻ em lớn mà cô Linh phụ trách có 4 cô, 2 cô một ca chăm sóc 20 trẻ với nhiều độ tuổi khác nhau, cháu bé nhất đang học mẫu giáo, cháu lớn nhất đang học lớp 11. Các cháu đến đây với những hoàn cảnh khác nhau, có trẻ gia đình gặp sự cố, hay bố mẹ bỏ nhau, ông bà nội ngoại già yếu không nuôi được… Mỗi đứa trẻ một tính nết.

Công việc hàng ngày của các cô nuôi chăm sóc trẻ với bao thứ việc không tên, khi làm bảo mẫu chăm sóc ăn uống vệ sinh cho cháu bé, khi cơm nước cần mẫn như một người mẹ, rồi sáng đưa các cháu đến trường học, chiều đứng chờ ngoài cổng đón cháu trở về trung tâm, tối lại thức kèm các cháu học kiên trì nhẫn nại như một cô giáo…. Công việc vất vả là thế, nhưng không thấy ai phàn nàn.

Chia sẻ với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Trúc Linh cho biết: “Các cháu vào đây thiệt thòi nhiều, mình bù đắp cho các cháu chút nào tốt chút đó. Trở thành người chăm sóc các cháu cũng là cơ duyên, anh ạ”

Thế rồi, Nguyễn Thị Trúc Linh lý giải cái cơ duyên ấy như sau. Nguyễn Thị Trúc Linh tốt nghiệp trường Trung cấp Chính trị tỉnh Vĩnh Long, về công tác tại xã, đã làm Chủ tịch Hội phụ nữ một xã ở huyện Tam Bình (Vĩnh Long).

Cơ hội thăng tiến là vậy, nhưng đến năm 2011, một lần cùng các chị em đến thăm Trung tâm Công tác Xã hội Vĩnh Long để thăm tặng quà. Linh thấy các em thiệt thòi đáng thương khiến cô suy nghĩ rất nhiều. Linh nhỏ nhẹ chia sẻ: “Hôm đó, em về mà không ngủ được, buổi tối đắp chăn vẫn thấy chạnh lòng thương các em…”

Từ lần thăm ấy, hình ảnh các em cứ thôi thúc cô mãi không thôi. Cô tự hỏi sao mình không chuyển đến đây làm việc để chăm sóc các em nhỉ?

Nói là làm. Cô hỏi ý kiến chồng, chồng cô cũng là công chức huyện Tam Bình. Anh cười hỏi: “Em đã suy nghĩ kỹ chưa? Công việc ở đó hoàn toàn khác với công việc ở xã đấy. Em suy nghĩ kỹ, quyết định thế nào anh cũng ủng hộ”.

Vậy là khi đứa con nhỏ của cô vừa tròn 1 tuổi, Linh quyết định chuyển công tác sang Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long, từ người làm việc hành chính nhẹ nhàng tại xã, cô trở thành cô nuôi, chăm sóc trẻ mồ côi, cơ nhỡ.

Linh nhớ mãi cái đêm đầu tiên ngủ lại Trung tâm, cô không tài nào ngủ được, đi kéo chăn cho từng cháu lại nghĩ đứa con mới một tuổi của mình ngủ với ba sẽ ra sao. Đàn ông liệu có chăm con chu đáo, liệu có để bé lạnh không?

Hôm sau, giao ca xong hơn 7 giờ sáng. Linh lên xe máy chạy thẳng về nhà, đường về nhà dài 20 km mà sao thấy xa thế. Về đến nhà, cô lao vào bồng con trên tay cho bớt nhớ.

Cô Linh kể, và từ đó đến nay, những đêm Linh ngủ lại trung tâm, chồng cô lại thay người mẹ tắm giặt cho con, dậy pha sữa cho con lúc nửa đêm. Những đêm con đái dầm, hai bố con lại lọ mọ cả đêm…

“Vất vả là thế, nhưng anh ấy rất ủng hộ em. Cả mẹ chồng nữa cũng luôn động viên và thường cho các cháu lên Trung tâm giao lưu với các cháu ở đây”- Linh kể với ánh mắt đầy tự hào.

Tôi hỏi, thế giờ còn tâm trạng chạnh lòng nhớ con không. Cô Linh cười ngượng nghịu: “Có chứ anh, mỗi buổi chiều mưa, đứng chờ ngoài cổng trường, nhìn thấy các em ánh mắt vui mừng háo hức khi thấy mình đón về, em lại nhớ con, thấy thương cho cháu vì không được mẹ chăm sóc nhiều, không được mẹ đưa đón đi học nhiều. Nhưng em nghĩ, con em vẫn còn được bố mẹ và gia đình yêu thương chăm sóc. Các cháu ở đây, nếu không được sự yêu thương của các cô, các cháu chắc biết dựa vào đâu”

Tấm lòng của cô chăm sóc trẻ Nguyễn Thị Trúc Linh đã được đền đáp, khi các cháu luôn yêu quý cô. Dưới sự chăm sóc, bảo ban, kèm cặp của các cô, trong đó có cô Linh, 20 cháu ở đây đều ngoan ngoãn lễ phép, thành tích học tập ở mức khá. Điển hình có cháu Nguyễn Vĩnh Phát từ lớp 1 đến lớp 5 đều là học sinh giỏi.

Chị Trương Thị Ngọc Yến, Trưởng phòng Quản lý chăm sóc của Trung tâm nhận xét: “Cô Linh rất yêu trẻ, chăm sóc nhiệt tình. Năm nào cũng là lao động tiên tiến và là một trong 3 lao động điển hình tại trung tâm của chúng tôi”.

Tuyên truyền Đề án phát triển nghề Công tác xã hội - Đề án 32

MỚI - NÓNG