Xóa độc quyền sách giáo khoa, cách nào?

Xóa độc quyền sách giáo khoa, cách nào?
TP - Xung quanh việc xóa độc quyền sách giáo khoa (SGK), ông Đào Trọng Thi-Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã trao đổi với báo chí, sáng 12/5.
Xóa độc quyền sách giáo khoa, cách nào? ảnh 1
Xóa bỏ độc quyền xuất bản SGK sẽ hạ được giá sách.

Ông Thi nói: “Xóa bỏ độc quyền về in SGK phải có lộ trình, làm sao anh xóa bỏ độc quyền nhưng đồng thời anh cũng phải đưa ra một cơ chế để đảm bảo quản lí chặt chẽ vì SGK là một sản phẩm rất đặc biệt”.

Thưa ông hiện nay có nên xoá bỏ độc quyền SGK?

Nhìn về lâu dài, phá bỏ độc quyền sẽ tạo ra sự cạnh tranh tương đối tốt về giá cả cũng như chất lượng. Nhưng cạnh tranh cũng là con dao hai lưỡi, có thể dẫn đến chuyện quản lí của Nhà nước về chất lượng, nội dung không được đảm bảo.

Phải giải quyết bài toán này một cách không quá đơn giản, một chiều: vừa xóa bỏ độc quyền, đồng thời đảm bảo quản lí của nhà nước đối với sản phẩm đặc biệt: nội dung, chất lượng của chương trình phải được quản lí chặt chẽ.

Giải pháp đó như thế nào, thưa ông?

Tôi nghĩ Nhà nước phải tích cực xây dựng một cơ chế để chuẩn bị, sau đó mới từng bước xóa bỏ độc quyền. Phải xóa từ từ, không phải nhà xuất bản (NXB) nào cũng được vào.

Có thể ta mở rộng một số NXB đủ điều kiện, sau đó tiến đến một bước xa hơn là qui định những điều kiện cho các NXB tham gia xuất bản SGK. Theo tôi phải có lộ trình, nếu không hậu quả sẽ khôn lường.

Những NXB nào có thể đáp ứng được điều kiện đó?

Nói ngay NXB nào thì khó, nên chăng những NXB phù hợp, có tôn chỉ mục đích, nhiệm vụ chính trị phù hợp với việc xuất bản SGK. Như các nhà xuất bản của các trường ĐH, chẳng hạn ĐH Sư phạm - những người tham gia nhiều vào biên soạn sách-đó cũng là những NXB chúng ta kiểm soát được tốt hơn cả về nội dung, chương trình, trình độ, năng lực và một số công việc mang tính quản lí nhà nước khác.

Xóa độc quyền sách giáo khoa, cách nào? ảnh 2 Tôi hoàn toàn ủng hộ nhà nước đứng ra bù lỗ SGK, như với xăng dầu. Kể cả khi tăng giá như NXB Giáo dục đề nghị là có cơ sở, trong tình hình hiện nay, Nhà nước cũng nên xem xét bàn bạc với NXB, Bộ GD&ĐT trợ giá, đừng để người dân và học sinh phải chịu gánh nặng. Học sinh bỏ học rất nhiều rồi, nếu lại tăng giá SGK, chắc chắn học sinh bỏ học nhiều hơnXóa độc quyền sách giáo khoa, cách nào? ảnh 3

Ông Đào Trọng Thi

Nhưng cũng phải xem các điều kiện họ có đủ không, và nếu anh năng lực yếu thì chưa chắc đã tạo ra được khả năng giảm giá.

Mục tiêu của ta là từng bước xoá bỏ độc quyền, nhưng phải đảm bảo quản lí chặt chẽ của Nhà nước và lợi ích của học sinh, phụ huynh là chính. Phải tính toán làm sao ai tham gia cũng đảm bảo hướng tới việc làm cho điều kiện phục vụ tốt hơn, giá cả thấp hơn.

Thưa ông, trong việc tăng giá SGK vừa qua, phải chăng Bộ GD-ĐT đã đồng ý, đến khi dư luận có áp lực thì mới dừng lại?

Theo báo chí thì rõ ràng như vậy. Từ tháng 3, Bộ GD-ĐT đã đồng ý báo cáo Chính phủ và thậm chí đã được ý kiến của Phó Thủ tướng đồng ý, nhưng sau đó có áp lực dư luận và quan trọng hơn, lúc đó có chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là phải tập trung giữ mặt bằng giá cả để khống chế lạm phát khỏi tăng nhanh quá. Trong bối cảnh đó, chủ trương tăng giá SGK không đúng với chủ trương chung.

Vừa qua có hiện tượng sách in năm 2007 nhưng người ta in giá mới chồng lên để bán với giá mới?

Cái đó có một sự lạm dụng. Giá thành anh xuất bản năm nay là những cái anh đang làm, còn những cái in năm trước đã có ăn vào tiền cũ. Học sinh nào thích quyển in năm 2008 là mới nhất thì đắt lên một chút, còn em nào  dùng sách in năm 2007 thì tại sao lại bắt các em gánh giá cao?

Đồng ý là tiết kiệm, nhưng tiết kiệm ấy phải mang lợi cho học sinh, chứ không phải cho nhà sản xuất.

Thưa ông, dường như Bộ GD&ĐT đang đẩy trách nhiệm về cho NXB, trước đã đồng ý rồi nhưng  giờ họ lại bắt giải trình?

Đấy là vì Chính phủ chỉ đạo. Đúng là hồi tháng 3 họ đã báo cáo và Chính phủ, ít nhất là Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý. Theo tình hình này, dư luận đặt ra như vậy, rõ ràng Chính phủ rất thẳng thắn, dũng cảm. Thấy dư luận như vậy, mình kiểm tra lại xem có đúng không, tăng giá có cơ sở khoa học không?

Giải pháp hiện nay đang bàn là đồng ý cho tăng hay trợ giá - trợ giá từ phía Nhà nước là bao nhiêu, từ NXB là bao nhiêu, phải xem xét cụ thể. Đây là lúc người ta (NXB) bỏ cái lãi đó ra để trợ giá, để phục vụ cho xã hội, nếu không Nhà nước sẽ bổ sung vào.  

Ng.Tuấn ghi

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:

Có lộ trình xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa

Bên lề phiên họp sáng 12/5, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã trao đổi với báo chí về tăng giá và tình trạng độc quyền xuất bản sách giáo khoa (SGK) hiện nay.

Thưa Phó Thủ tướng, NXB Giáo dục đã báo cáo Bộ GD-ĐT cơ cấu giá sách tăng lên 10% hay chưa?

Có, bây giờ bộ đang làm văn bản để trong tuần này báo cáo Chính phủ

Nhiều người cho rằng đã đến lúc cần phải xóa bỏ độc quyền về xuất bản SGK của NXB Giáo dục, thưa ông?

Hiện quy trình làm sách là phải có một Hội đồng quốc gia do nội dung sách giáo khoa là chương trình chuẩn. Cho đến nay, chúng ta vẫn làm theo cách từ một chương trình đó mình đặt hàng một tập thể viết một bộ SGK.

Vì vậy, sắp tới chúng ta thống nhất phương châm sau khi bộ sách (đang làm từ lớp 1 đến lớp 12) được sử dụng một vòng rồi thì tiến tới có thể đặt hàng, có thể nhiều người viết sách trên một nội dung chương trình. Nhưng phải có lộ trình.

Thế còn lộ trình xoá bỏ độc quyền in, xuất bản sách giáo khoa?

Phải xác định lại chứ. Một bộ sách, một nội dung có thể có nhiều người viết. Lúc đó Nhà nước phải tuyển chọn bộ sách tốt nhất rồi thì có thể tổ chức in nội dung đó, không phải một cuốn. 

H.Phúc ghi

MỚI - NÓNG