Xoay xở tìm nơi gửi con giữa 'thời’ corona

Lo lắng vì không có nơi gửi con, nhiều cặp vợ chồng phải thay phiên nhau nghỉ làm ảnh: Nguyễn Dũng
Lo lắng vì không có nơi gửi con, nhiều cặp vợ chồng phải thay phiên nhau nghỉ làm ảnh: Nguyễn Dũng
TP - TPHCM vừa cho phép , kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn đến hết ngày 16/2, nhằm phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCoV) gây ra trong trường học. Thông tin này càng khiến phụ huynh có con nhỏ thêm… lo lắng.

Gần cả tuần nay, gia đình nhỏ của chị Thanh Hoa (ngụ chung cư Carina, Q.Bình Tân) gần như đảo lộn. Lý do là cô gái học lớp 1 của chị được trường cho nghỉ học do lo ngại dịch nCoV. “Vừa nghỉ Tết xong, cơ quan rất nhiều việc phải bắt tay làm ngay nhưng do con nghỉ học, 2 vợ chồng phải luân phiên xin nghỉ việc để ở nhà chăm con. Nghỉ một tuần thì chúng tôi có thể luân phiên xin nghỉ, giờ trường cho nghỉ thêm một tuần nữa thì không biết xoay sở thế nào” - chị Hoa lo lắng.

Vợ chồng anh Đào Huy Lân (35 tuổi, ngụ Q.2) đều làm ở công ty nước ngoài, giờ giấc rất nghiêm ngặt, muốn xin nghỉ phép phải báo trước một tuần. Thế nên khi nhận được thông báo 2 con được nghỉ học, vợ chồng anh mệt mỏi tìm kiếm nơi trông trẻ tạm thời. Anh Lân bộc bạch: “ Đi hỏi nhiều nơi nhưng  không nơi nào dám nhận giữ trẻ; những điểm tư thục cũng từ chối vì nếu bị phát hiện sẽ bị phạt nặng. Bất khả kháng, tôi đành mua vé máy bay đưa 2 con về với ông bà ở Nam Định nhờ trông hộ. Dù khá tốn kém nhưng các con có người trông giữ cũng yên tâm hơn là để ở nhà một mình”.

Lúc mới biết tin TPHCM cho toàn bộ học sinh được nghỉ học 1 tuần để tránh nCoV, đa số phụ huynh đều cảm thấy bớt lo lắng và yên tâm hơn cho sức khỏe của con em mình. Thế nhưng, việc nghỉ học kéo dài thêm một tuần nữa khiến nhiều gia đình bắt đầu khủng hoảng thật sự. Công việc cơ quan trễ nãi; nhờ hàng xóm chỉ được vài ngày, không thể cả nửa tháng; trẻ em ở nhà chỉ biết chơi game đến hết ngày… 

Gói gọn cuộc sống những ngày khi con nghỉ học trước dịch nCoV trong 3 từ “banh nóc nhà”, chị Lan Anh (28 tuổi, nhân viên một công ty truyền thông ở Q.1) ngao ngán: “Tôi có 2 đứa con trai sinh đôi năm nay 7 tuổi, rất hiếu động và tinh nghịch. Do chồng đi công tác xa, tôi xin làm việc tại nhà để có thể trông con. Cuộc sống gần như xáo trộn khi mình vừa phải nấu ăn, vừa chăn đám trẻ, vừa phải làm việc qua mail. Nhà cửa lộn xộn, con cái uýnh nhau inh ỏi, không gặp được đối tác để trao đổi công việc khiến sếp quát tháo, tôi thực sự stress nặng. Giờ thêm một tuần nghỉ học nữa, không biết tôi xoay xở thế nào?”.

Đối với công nhân, dù con nghỉ học nhưng cha mẹ vẫn phải đi làm, tăng ca liên tục. Chị Thu (công nhân giày khu chế xuất Linh Trung, Q.Thủ Đức) cho biết, do có 3 đứa con đều còn nhỏ nên chị làm đơn nghỉ phép, ở nhà chăm con và các con của đồng nghiệp chung xóm trọ. “Giữ nhiều trẻ khiến tôi cũng lo lắng, nếu chỉ cần một đứa nhiễm bệnh sẽ lây cho các bạn, nhưng làm vậy thì không còn cách nào khác. Thời điểm ngắn thì gia đình có thể chịu được, nhưng dịch bệnh kéo dài thì không biết cuộc sống sẽ ra sao?” - chị Thu tâm tư.

MỚI - NÓNG