Xử lý nghiên cứu sinh sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của ĐH Đông Đô: Vẫn bế tắc

Xử lý nghiên cứu sinh sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của ĐH Đông Đô: Vẫn bế tắc
TP - Liên quan việc trường ĐH Đông Đô đào tạo “chui” văn bằng 2, nhiều trường ĐH  đang phải rà soát lại việc các nghiên cứu sinh sử dụng văn bằng 2 ngôn ngữ Anh để chủ động xử lý khi các cơ quan chức năng có kết luận cuối cùng. Thậm chí, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cũng phải đưa vấn đề văn bằng 2 ngoại ngữ vào diện “cảnh giác” đối với các ứng viên năm nay.  

Ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cho biết, theo quy định về xét công nhận  đạt chuẩn và bổ nhiệm chức danh Giáo sư, phó giáo sư yêu cầu ứng viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ phải đạt một trong các điều kiện như đã tốt nghiệp ĐH ngành ngôn ngữ nước ngoài và được cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ nước ngoài (kể cả văn bằng 2 ngoại ngữ).  

Ngoài ra, năm nay một điểm mới là Hội đồng Giáo sư cơ sở có một tổ đánh giá ngoại ngữ (dùng cho chuyên môn) và tiếng Anh giao tiếp đối với ứng viên. Trong tổ này, có giảng viên chuyên tiếng Anh sẽ kiểm tra ứng viên.

“Thời điểm hiện tại, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước chỉ lưu ý những trường hợp tốt nghiệp văn bằng 2 ngành ngôn ngữ tiếng Anh nói chung  để kiểm tra tốt hơn. Vì chưa có văn bản nhà nước hủy bỏ kết quả của họ. Do đó, các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và người được giao thẩm định cũng phải lưu ý” - ông Trần Anh Tuấn cho biết.

Ông Tuấn cho hay, lưu ý này được đưa ra khi xảy ra việc lùm xùm đào tạo văn bằng 2 ngành tiếng Anh của ĐH Đông Đô vừa qua. “Thực tế, trình độ tiếng Anh của ứng viên thế nào hội đồng chỉ cần hỏi một hai câu sẽ biết. Nhưng quan trọng là hội đồng minh bạch đến đâu và trách nhiệm của từng thành viên hội đồng”.

Xử lý nghiên cứu sinh sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của ĐH Đông Đô: Vẫn bế tắc ảnh 1 Học viên tập trung trước cổng trung tâm giáo dục thường xuyên Hải Phòng bức xúc về thái độ xử lý của đại diện trường ĐH Đông Đô sau buổi gặp 25/8 

Trong khi đó, GS. Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, vừa qua có 4 ứng viên đăng ký làm nghiên cứu sinh. Sau khi xét duyệt hồ sơ và đánh giá chuyên môn có hai ứng viên đủ điều kiện trúng tuyển. Hai ứng viên còn lại cam kết trong một thời gian nhất định sẽ nộp bằng ĐH ngành ngoại ngữ. Đến giờ hai ứng viên này vẫn chưa nộp được nên đã bị Viện đánh trượt. Theo GS. Phạm Hồng Tung, hai ứng viên kia đăng ký theo học văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh ở ĐH Đông Đô nhưng dù hết khóa học vẫn chưa nhận được bằng.  

Chưa có hướng xử lý

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Vũ Mạnh Dũng, Chánh văn phòng Học viện Khoa học Xã hội cho biết, trong danh sách 27 nghiên cứu sinh đào tạo trình độ tiến sĩ trúng tuyển tại Học viện công bố vào cuối tháng 4/2019 có 6 hoặc 7 nghiên cứu sinh sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh hệ ĐH chính quy của Trường ĐH Đông Đô. Sau khi công bố kết quả xét tuyển nghiên cứu sinh đợt 1, Học viện đã báo cáo gửi Bộ GD&ĐT. Ngay sau khi xảy ra sự việc, Bộ GD&ĐT khẳng định Bộ chưa cấp phép cho trường ĐH Đông Đô đào tạo văn bằng 2, Học viện cũng xin ý kiến của Bộ về những trường hợp thí sinh dùng văn bằng 2 tiếng Anh của trường ĐH Đông Đô để xét tuyển. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy Bộ GD&ĐT phản hồi.

“Hiện, Học viện cũng đang chờ Bộ GD&ĐT công bố chính thức có thu hồi văn bằng 2 tiếng Anh của trường ĐH Đông Đô hay không” - ông Dũng nói. Vì Bộ công bố, Học viện mới căn cứ vào đó để hủy kết quả đầu vào của những nghiên cứu sinh dùng bằng văn bằng 2 tiếng Anh của trường này. Đồng thời, Học viện cũng đã yêu cầu những học viên này viết cam kết. “Bằng tiếng Anh của họ là bằng thật, phôi bằng xịn, bởi vậy Học viện phải công nhận họ đủ điều kiện đầu vào. Nếu chúng tôi từ chối, họ có thể kiện. Chúng tôi chỉ cảnh báo học viên, nếu Bộ không công nhận văn bằng 2 tiếng Anh của Trường ĐH Đông Đô, Học viện sẽ hủy kết quả trúng tuyển đầu vào” - ông Dũng thông tin. 

Theo kết quả điều tra, có hàng trăm người đã được trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh. Với những người làm nghiên cứu sinh, nếu những văn bằng này không được các cơ quan chức năng công nhận, họ sẽ bị hủy kết quả đầu vào, dừng làm tiến sĩ. Vậy những người nếu dùng văn bằng này nâng ngạch hay thi công chức, viên chức thì kết quả của việc nâng ngạch này sẽ được xử lý thế nào?

Cơ quan quản lý không thể thoái thác trách nhiệm

GS. Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng trường ĐH Đông Đô bán bằng đang đe dọa đến danh dự của ngành giáo dục. GS.Tung nhận định, trách nhiệm của cơ quan quản lý trong vụ này là không thể thoái thác vì họ phải đảm bảo những chính sách cũng như hành lang pháp lý, phương diện quản lý mà xã hội đã giao cho.

Một giáo sư nguyên hiệu trưởng của một trường đại học lớn tại Hà Nội cho rằng: “Việc Bộ GD&ĐT trả lời báo chí không cấp phép đào tạo văn bằng 2 nhưng lại cung cấp phôi bằng về bản chất là bán bằng nhưng không kiểm tra, giám sát. Như vậy rõ ràng là tiếp tay cho cái sai. Tiếp đó, Bộ lại không công bố danh sách các trường được cấp phép đào tạo văn bằng 2. Về nguyên tắc, Bộ phải có trách nhiệm giải trình các hoạt động cũng như về vai trò quản lý nhà nước của Bộ về công tác GD&ĐT, để xã hội và các cơ quan có liên quan giám sát hoạt động của Bộ. Việc để cho trường ĐH Đông Đô và có thể một số trường ĐH khác đào tạo theo kiểu mua bán bằng cấp như vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước về GD&ĐT. Chí ít là Bộ đã có dấu hiệu buông lỏng quản lý, dẫn đến việc cơ sở đào tạo sai phạm, làm suy giảm lòng tin của xã hội đối với nền giáo dục ĐH Việt Nam”. 

NGHIÊM HUÊ

MỚI - NÓNG
Đề xuất hơn 42 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai ở Hòa Bình
Đề xuất hơn 42 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai ở Hòa Bình
TPO - Trong tháng 4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra nhiều đợt mưa giông, lốc, mưa đá kèm gió giật mạnh gây thiệt hại hơn 53 tỷ đồng, đặc biệt những nơi xảy ra thiên tai là địa phương nghèo. Do đó, tỉnh Hòa Bình đã đề xuất Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai và các Bộ ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ hơn 42 tỷ đồng.