Xử lý những tội ác ghê rợn, sao rơi vào ngõ cụt?

Xử lý những tội ác ghê rợn, sao rơi vào ngõ cụt?
TPO - Theo Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, trong số trên 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục mỗi năm, có gần 60% các cháu 12-15 tuổi, 13% mới chỉ dưới 6 tuổi. Nhưng thực tế việc xử lý các vụ án xâm hại trẻ em lại rất ít ỏi và đầy khó khăn.

Xử lý xâm hại tình dục trẻ em rơi vào ngõ cụt

Trong một thời gian ngắn, hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xuất hiện ở nhiều địa phương nhưng chưa được xử lý gây nên bức xúc lớn trong dư luận xã hội.

Tội dâm ô trẻ em đang được xử lý rất chậm bởi hiện nay còn vướng nhiều “nút thắt”. Trên thực tế, tội dâm ô trẻ em, khi đã có nhân chứng, thực nghiệm hiện trường, nhận diện đối tượng thì hoàn toàn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, các vụ việc xâm hại tình dục không chờ đợi vào sự tố cáo của nạn nhân hay gia đình nạn nhân mà chỉ cần có người phát hiện ra là có thể điều tra được.

Tuy nhiên, trong các vụ dâm ô hiện nay, các cơ quan điều tra luôn đòi hỏi dấu vết vật chất để lại trên thân thể bị hại thì mới tiến hành khởi tố bị can. Đối với các vụ dâm ô mà kẻ gây án chỉ tiếp xúc với bộ phận sinh dục của nạn nhân thì làm khó để lại dấu vết.

Đó cũng là lý do khiến những nạn nhân của dâm ô trẻ em không thể kêu cứu và không được giải quyết bằng pháp luật, trong khi đó loại tội phạm này chậm bị xử lý.

73% thủ phạm bạo lực tình dục là người quen của nạn nhân, trong đó 10% là cha đẻ hoặc cha dượng.


Theo luật sư Lê Văn Luân, Đoàn luật sư TP Hà Nội, rất nhiều vụ án xâm hại tình dục ở trẻ em đến giờ vẫn chưa được phanh phui, giải quyết. Ở các nước khác trên thế giới, họ phân hóa hành vi rất rõ ràng. Chỉ cần có sự dụ dỗ, gạ gẫm xem phim sex, hoặc động chạm vào các bộ phận nhạy cảm của người khác mà không được phép đã cấu thành tội. 

Thế nhưng ở Việt Nam, chúng ta lại chưa làm được điều này. Trong nhiều vụ án, các cơ quan chức năng yêu cầu phải có chứng cứ vật chất trên thân thể nạn nhân bị xâm hại: “Đây là một điều khá vô lý, bởi đối với các vụ dâm ô mà kẻ gây án chỉ tiếp xúc với bộ phận sinh dục của nạn nhân thì làm sao để lại dấu vết? Hoặc nếu gia đình nạn nhân phát hiện muộn cũng khó thu thập chứng cứ” - luật sư Luân nêu vấn đề.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, trăn trở khi có 40% vụ việc hội phải trả hồ sơ, không thể xử lý vì thiếu chứng cứ, nhất là chứng cứ pháp y.

Lí do, nhiều vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em do sự thiếu hiểu biết, mất bình tĩnh của cha mẹ, người thân hoặc của chính cháu bé khiến cho dấu vết bằng chứng không còn, dẫn tới việc không thể lôi thủ phạm ra ánh sáng.

Lai Châu: 15 năm mới tuyên phạt được 1 đối tượng dâm ô

Bà Nguyễn Thị Lụa - Chánh án TAND tỉnh Lai Châu cho biết, suốt 15 năm qua, ngành tố tụng của tỉnh này mới xét xử và tuyên phạt được 1 đối tượng dâm ô trẻ em.

Hệ thống pháp luật còn lỏng lẻo?

Đồng tình với quan điểm này, Bác sỹ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho rằng, hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay vẫn còn đang khá lỏng lẻo. Việt Nam vừa mới thông qua Luật Trẻ em và sẽ chính thức có hiệu lực từ 1.6.2017. Tuy nhiên, khái niệm về “xâm hại tình dục” trong Luật này vẫn còn chưa đầy đủ.

“Theo luật, xâm hại là hành vi giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ. Liên quan tới đó có thêm các mức độ hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu. Theo tôi, chúng ta nên sử dụng khái niệm của quốc tế là, tất cả các hình thức kể cả nhìn soi mói, âu yếm quá mức hay sờ mó thì đều gọi là xâm hại tình dục. Như vậy mới có khả năng phòng ngừa, ngăn chặn từ xa được”, ông An cho hay.

Trong khi đó, bà Vân Anh - giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên cho hay, một trẻ em Việt Nam hiện có 15 cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ, nhưng khi một đứa trẻ bị cưỡng hiếp không biết gọi ai. "Các cơ quan tổ chức hãy thôi đau xót chung chung mà hãy hành động" - bà Vân Anh nhấn mạnh.

Bà Vân Anh cũng chỉ ra rằng trong nhiều vụ, những thủ phạm đã thương lượng dân sự kết hợp với đền tiền cho các nạn nhân và tránh bị xử lý hình sự, vụ việc bị ém nhẹm.

Theo phân tích của nữ giám đốc CSAGA, nhiều gia đình chấp nhận thương lượng, đền bù kiểu này “e ngại” nói ra câu chuyện con của họ bị xâm hại vì “lo cho tương lai” và “thanh danh” của con gái. Định kiến “phải như thế nào đấy mới bị xâm hại tình dục” cũng là áp lực làm họ dè dặt trong việc lên tiếng.

Đại tá, TS. Đỗ Cảnh Thìn, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân)

Án xâm hại tình dục trẻ em hiếm khi có nhân chứng, chỉ bị hại và người bị tố cáo. Thứ hai, nạn nhân là trẻ em nên cơ quan điều tra sẽ gặp khó khăn khi lấy lời khai. Ông Thìn khuyên, khi cho rằng con bị xâm hại, cha mẹ nên trình báo ngay với công an và đưa đi giám định. Nếu phát hiện dấu vết nghi vấn hãy đừng tắm rửa mà giữ nguyên, kể cả quần áo để nhà chức trách thu thập chứng cứ. Phụ huynh nên bình tĩnh tới ngay hiện trường để chụp hình giữ lại chứng cứ là bất cứ cái gì có thể lưu được. Cha mẹ đừng hốt hoảng hay hỏi kiểu “mớm cung” bởi trẻ khi hoảng loạn sẽ thường khai theo hướng gợi ý của người lớn. Điều cần nhất là cha mẹ bình tĩnh lắng nghe trẻ tự kể lại câu chuyện, cố gắng trấn an con. Bởi lúc này, bé chính là nhân chứng quan trọng nhất.

Tôi phạm ấu dâm ngày một gia tăng?

 

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, số vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện đã tăng gần gấp đôi từ 867 vụ vào năm 2010 lên gần 1500 vụ vào năm 2014.

Cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại. Đó là con số tính trung bình từ số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH. Số liệu này còn cho thấy trong năm năm, từ 2011 đến 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Theo thống kê của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, thủ phạm của bạo lực tình dục gồm cả những người được cho là đáng tin cậy như người cao niên, người có uy tín, giáo viên, những người nổi tiếng hay cả những người trong hệ thống thực thi pháp luật.


MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.