Xử lý sinh viên chậm đóng học phí: Cách nào?

Xử lý sinh viên chậm đóng học phí: Cách nào?
Không đóng học phí không phải vì... không có tiền đóng học phí, nhưng tiền bố mẹ gửi cho, cánh sinh viên nhà ta lỡ tiêu vào khoản  khác. Nhà trường "cụt vốn", đành áp dụng biện pháp mạnh: cấm thi!
Xử lý sinh viên chậm đóng học phí: Cách nào? ảnh 1
Sinh viên đóng học phí trực tiếp tại trường. Ảnh: Thanh Niên

Tuy nhiên, ngoài biện pháp cưỡng chế này, còn có biện pháp nào giải quyết hay hơn?

Mới đây, Trường ĐHDL Hùng Vương có quyết định đình chỉ thi học kỳ đợt 1 đối với những sinh viên (SV) đến thời điểm gần qua học kỳ 2 vẫn chưa nộp học phí. Như vậy, 40% trong tổng số 4.000 SV coi như bị thi lại. Hình thức cấm thi vì SV chậm đóng học phí đã được nhiều trường áp dụng.

Thầy Lê Văn Lý, Hiệu trưởng Trường ĐHDL Hùng Vương tỏ thái độ ái ngại khi phải dùng đến "biện pháp mạnh" này. Thầy cho biết: "Năm 2002, chúng tôi cũng áp dụng hình thức cấm thi, sau đó các em đã nộp học phí rất đầy đủ và đúng hạn. Nhưng về sau, vì thương các em nên chúng tôi cứ gia hạn...

Nhiều em được bố mẹ cho tiền đóng học phí nhưng đã chi tiêu vào việc khác vì nghĩ rằng đến gần ngày thi nộp cũng được. Gần ngày thi thì có khi lại hết tiền, thế là nhà trường lại cho nợ... Lần này chúng tôi quyết định làm đúng nguyên tắc, nếu không, nhà trường sẽ không có tài chính để chi phí lương giáo viên, các khoản điện, nước...".

Con số 910 SV không được thi đợt 1 quả là... có phần kinh khủng. Nhưng những SV này vẫn còn một "lối thoát sáng sủa" là nếu nộp học phí trước ngày 25/12/2005 thì dù thi đợt 2 vẫn không phải đóng lệ phí, lại được tính điểm như thi lần 1.

Tương tự, thầy Nguyễn Việt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế cũng rất thông cảm với những SV đến sát ngày thi lại... mếu máo xin ký vào đơn... nợ.

"Tôi vẫn cứ phải ký hoài ! Nhiều khi nhà trường cũng "dọa" nếu em nào không đóng sẽ bị cấm thi nhưng chưa khi nào thực hiện cả. Tuy nhiên, nếu em nào đến hết giai đoạn 1 không đóng đủ thì không được xét chuyển giai đoạn và thi tốt nghiệp xong vẫn nợ thì không được lấy bằng".

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thì mỗi học kỳ cho SV đóng 2 đợt. Nếu sau cả 2 đợt vẫn chưa đóng thì học kỳ tiếp theo không được đăng ký môn học.

Những biện pháp trên thực ra vẫn còn nhẹ so với khung xử lý kỷ luật theo điều 11 về nghĩa vụ của SV trong quy chế Công tác HS-SV: "SV không đóng học phí đúng quy định và quá thời hạn được trường cho phép hoãn, tùy theo mức độ xử lý từ khiển trách đến xóa tên trong danh sách SV". Vậy mà SV vẫn cứ... không đúng hạn cho.

Bắt đầu từ năm 2003, Trường ĐH Kinh tế đã liên kết với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở chi nhánh ngay trong trường, làm thẻ ATM miễn phí cho SV, áp dụng hình thức đóng học phí qua ngân hàng.

Tại các địa phương, phụ huynh có thể đến các chi nhánh của ngân hàng này trực tiếp nộp học phí vào tài khoản của nhà trường mà không mất thêm một khoản phí nào.

Tại thành phố, SV cũng có nhiều địa điểm nộp học phí, không còn cảnh "bắc loa gọi tên" vì SV đứng đông nghẹt trước phòng tài vụ, có khi chờ lâu quá lại chép miệng "thôi để sau nộp" rồi tiêu mất lúc nào không hay. Nhiều trường hợp bị kẻ gian từ bên ngoài vào móc túi...

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật cũng vừa liên kết với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm thẻ ATM cho SV, khuyến khích SV nộp học phí bằng hình thức chuyển khoản hoặc phụ huynh có thể nộp trực tiếp vào tài khoản của trường.

Hiện nay, có nhiều trường đã liên kết với các ngân hàng để làm thẻ ATM cho SV, đặt chi nhánh ngay trong trường như ĐH Mở - bán công, ĐH Sư phạm...

Tiến tới, các trường ĐH - CĐ nên đồng loạt thực hiện biện pháp thu học phí qua các ngân hàng, vừa tiện lợi, tiết kiệm thời gian hoặc khi đào tạo tín chỉ thì đăng ký tín chỉ nào phải nộp ngay học phí tín chỉ đó, vừa hạn chế được việc SV "đến giờ thi còn làm đơn xin nợ", tránh được thất thoát, không gây áp lực đối với SV.

MỚI - NÓNG