Xử phạt vi phạm trong giáo dục: Quan niệm nộp tiền cho xong?

Các khoản thu trong nhà trường đã là gánh nặng đối với phụ huynh học sinh.
Các khoản thu trong nhà trường đã là gánh nặng đối với phụ huynh học sinh.
Dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Bởi những vi phạm trong môi trường giáo dục rất có thể sẽ được điều chỉnh bằng chế tài phạt tiền. Nhiều băn khoăn đang đặt ra, xử phạt bằng tiền trong môi trường “trồng người” liệu có hợp lý hay không? Liệu có khiến người vi phạm nhờn luật, như việc “vượt rào” để được dạy thêm hay không?

Có người quen từ tỉnh ngoài về Hà Nội công tác đã kể câu chuyện rằng họ sẵn sàng nộp phạt vi phạm giao thông, phần vì cũng không rành đường xá Thủ đô, phần vì phóng nhanh để kịp giờ đến dự hội nghị. Tuy có hơi xót tiền, nhưng thà được việc vẫn hơn. 

Thực ra quan niệm nộp tiền “để được việc”, “nộp phạt cho xong” đang tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người. Thành thử những quy định xử lý vi phạm hành chính ban hành, với mục tiêu ban đầu là điều chỉnh hành vi của người vi phạm, nhằm làm cho ý thức chấp hành luật pháp của mỗi người tốt đẹp hơn, thì trên thực tế đã chưa được như mong muốn, hoặc phản tác dụng. Đây cũng có lẽ là nguyên nhân sâu xa của nạn “mãi lộ”.

Trở lại với những dự thảo quy định phạt bằng tiền trong môi trường giáo dục, mức phạt cao nhất lên tới 30 triệu đồng với việc xâm phạm thân thể người học, người dạy, khiến ngay cả phụ huynh cũng nhận thấy thật khó hiệu quả.

Vấn nạn bạo lực học đường thời gian qua cần phải lên án và bị xử lý nghiêm, nhưng nếu chỉ phạt tiền, thậm chí rất nhiều tiền mà kỳ vọng không còn bạo lực học đường, thì vừa không có cơ sở, vừa không ổn. Không nói đâu xa, năm học mới vừa qua đi tròn 1 tháng, lại xảy ra chuyện giáo viên đánh học sinh.

Tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp- TP Hồ Chí Minh), một giáo viên chủ nhiệm lớp 5 đã có hành động bạo lực như tát vào mặt, đá vào mông học sinh. Phòng GDĐT địa phương  đã xác minh sự việc, đồng thời đình chỉ công tác của thầy giáo. 

Hay như đối với tình trạng dạy thêm học thêm, dự thảo nghị định trên cũng đưa ra mức xử phạt cao nhất lên tới 10 triệu đồng cho hành vi ép học sinh học thêm. Nghe số tiền phạt có vẻ nhiều, nhưng nó sẽ không thấm vào đâu so với số tiền dạy thêm tại nhà mà nhiều giáo viên bậc tiểu học tại Hà Nội thu được hàng tháng. Trên thực tế, ở cấp tiểu học tại Hà Nội, tỉ lệ phụ huynh cho con đi học tại nhà cô không hề nhỏ.

Việc dạy thêm làm cho giáo viên đứng lớp không chú tâm giảng dạy, không dạy hết mình trên lớp. Giáo viên vì lợi nhuận, thu nhập của bản thân sẵn sàng dùng mọi biện pháp, từ gợi ý đến ép buộc học sinh học thêm, với cùng những hứa hẹn về điểm số. Nhiều phụ huynh trong đó có cả phụ huynh là giáo viên, vì muốn con yên thân và không bị cô giáo ác cảm, không muốn con khác biệt bạn bè trong lớp…nên đã chấp nhận cho con đi học thêm cho xong chuyện, cho yên thân.

Tức là họ sẵn sàng chi tiền học thêm mà không cần biết con có thực sự tiến bộ- cùng chỉ nhằm mục đích “mua” lấy sự ưu ái, yêu thương từ người lớn cho con trẻ. Còn các giáo viên cố tình lách luật để dạy thêm ở nhà thì cho rằng, nếu phạt mà họ vẫn được dạy thêm, thì thà đóng tiền phạt chả hơn là không dạy thêm, không có thu nhập hay sao?! 

Việc xử lý vi phạm dạy thêm - học thêm cũng đã được Sở GDĐT Hà Nội quy định trong các văn bản, được nhắc nhắc nhở nhiều lần trước thềm năm học mới. Nhưng thật khó thay đổi. Vòng luẩn quẩn ấy khiến cho việc xử phạt dạy thêm- học thêm bao năm qua như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Chưa biết đến khi nào việc học thêm mới trở về đúng nghĩa tự nguyện, nghĩa là người dạy tự nguyện dạy, dạy phụ đạo cho những học sinh yếu kém trong lớp; còn người học tình nguyện học thêm để có đủ kiến thức bằng bạn bằng bè. Song chừng nào còn tồn tại thực trạng dạy thêm học thêm chỉ vì học sinh quá sợ giáo viên chủ nhiệm, điều ấy sẽ khiến dư luận không mấy thiện cảm với môi trường giáo dục, với những người thày chưa thực sự công tâm, chuẩn mực. 

Một câu hỏi cũng đang được đặt ra, nếu xử phạt bằng tiền, thì tiền ấy sẽ dùng  để làm gì? Trong khi môi trường giáo dục là nơi truyền đạt kiến thức, nơi giáo viên dạy học sinh về ý thức, nhân cách, về lễ nghĩa làm người. Mục tiêu cao nhất cũng để sau khi rời ghế nhà trường, mỗi học sinh sẽ trở thành những công dân tốt, có nhiều đóng góp cho xã hội. Mà theo lẽ thông thường, mưa dầm thấm lâu, nhận thức và ý thức là một quá trình hoàn thiện chứ không thể đo, đếm bằng tiền. Nếu đánh đồng ý thức của con người bằng mức tiền phạt, thì đo đếm biết thế nào cho xuể.    

Theo Theo Đại Đoàn Kết
MỚI - NÓNG