Ý kiến về bài soạn Nhật ký trong tù trong SGK lớp 11

Ý kiến về bài soạn Nhật ký trong tù trong SGK lớp 11
TPCN - Tôi chỉ xin có mấy ý kiến về bài soạn: Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh trong sách giáo khoa thí điểm lớp 11, Ban khoa học xã hội và nhân văn tập hai bộ 1, tổng chủ biên Trần Đình Sử (Nhà xuất bản Giáo dục, tháng 8/2005).

1. Trang 80: “Ngày 8/2/1941, sau ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc”. Trong thực tế và sách sử ghi lại thì đó là ngày 28/1/1941.

2. Trang 81: “Sau nửa tháng đi bộ, ngày 29/8/1942, vừa tới Túc Vinh, một thị trấn thuộc huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây thì người bị cảnh sát Tưởng Giới Thạch bắt giữ vì bị tình nghi là “Hán gian” (người Hán làm tay sai cho Nhật). Có mấy chỗ sai:

- Bị bắt ở Túc Vinh ngày 27/8/1942, chứ không phải ngày 29/8/1942.

- Túc Vinh là một thôn chứ không phải thị trấn, thuộc huyện Thiên Bảo chứ không phải thuộc huyện Tĩnh Tây.

- Người bị bọn Hương Cảnh bắt giữ (không phải là cảnh sát).

- Từ Hán gian không nên để trong ngoặc kép và càng không nên giải thích là: Người Hán làm tay sai cho Nhật. (Người Hán làm tay sai cho Pháp thì gọi là gì?).

3. Vẫn trang 81: “Chúng giam cầm và đầy đọa Người rất dã man trong 13 tháng, giải qua giải lại gần ba mươi nhà giam của mười ba huyện”. Thực tế Hồ Chí Minh chỉ bị giam trong 18 nhà giam của Tưởng Giới Thạch, như tác giả đã “thống kê” trong bài: Đến cục chính trị đệ tứ chiến khu – Bộ tư lệnh đệ tứ chiến khu đóng ở thành phố Liễu Châu- Đây là điểm dừng chân cuối cùng của Hồ Chí Minh trong hành trình bị giam giữ và giải đi:

Quảng Tây giải khắp mười ba huyện

Mười tám nhà lao đã ở qua;

4. Cũng trang 81:Thì trong mười tháng ở tù”. Thực tế là mười ba tháng như ở trên đã nói (chắc là in thiếu chữ ba).

5. Vẫn trang 81: “c) Những giãi bày về nhiệm vụ sang Trung Quốc”. Chủ yếu những bài thơ “gộp lại” ở phần C không chỉ là giãi bày mà cao hơn là tự minh oan và phản kháng. Nếu chỉ là giãi bày thì đã làm giảm đi rất nhiều cái trí, cái dũng của một người tù vĩ đại, một bậc đại nhân.

6. Trang 83:Trên đường đi đầy từ nhà lao này đến nhà lao khác” – Từ đi đày dùng ở đây và ở cả bài Lai Tân (trang 88) là không chính xác.

Đọc toàn bộ Nhật ký trong tù và tìm hiểu lịch sử giai đoạn ấy thì việc Hồ Chí Minh bị bắt giữ là do bị coi là “Một hiềm nghi phạm quan trọng” phải giao cho cơ quan quân sự cao nhất ở Quảng Tây lúc bấy giờ – văn phòng Quế Lâm thuộc ủy ban quân sự chính quyền Quốc dân Đảng - để thẩm tra, chứ không phải là một tù nhân đã thành án bị đưa đi lưu đày ở những vùng xa xôi, cùng cốc, khắc nghiệt, tách biệt với thế giới bên ngoài. Nên thay từ đi đày bằng từ giải đi cho phù hợp với thực tế lịch sử.

Cao Bằng, ngày 21/10/2006

MỚI - NÓNG