Con bị stress, cha mẹ không biết

Con bị stress, cha mẹ không biết
Hãy để cho trẻ học với khả năng của mình và định hướng mở để các cháu lựa chọn con đường cho mình, trẻ sẽ không mắc các chứng tâm thần đương đại.

> Bé gái 4 tuổi hỏi mẹ 390 câu mỗi ngày

> Con vụng về tại... cha mẹ?

BS Nguyễn Thị Giang, Trưởng khoa Khám Nhi (BV Tâm thần TP.HCM), cho biết vào khoảng tháng 4-5, mùa cao điểm chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh lớp 10, tuyển sinh ĐH-CĐ, số học sinh đến khám tại khoa rất đông. Trung bình mỗi tuần có khoảng 500-600 ca. Cao điểm có ngày BV tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân.

Con bị stress, cha mẹ không biết ảnh 1

Tự đi khám vì nói cha mẹ cũng không tin

“Cô ơi, con cứ thấy bứt rứt, có khi cáu gắt, buồn vui vô cớ… Lên mạng đọc thông tin, con cảm thấy mình có những triệu chứng trầm cảm nhẹ nên con tìm đến đây để khám và điều trị. Cô giúp con với” - một cậu học trò lớp 10 tìm đến BS Nguyễn Thị Giang.

Tiếp nhận ca này, BS Giang hỏi sao con không nói với ba mẹ đưa đến khám, em trả lời: “Con có nói với ba mẹ đó chứ. Con nói con vừa tự đi khám tâm thần. Ba mẹ có nghe nhưng phớt lờ và không tin lời con nói”. Theo BS Giang, với các trường hợp như thế này, bác sĩ sẽ cho thuốc để các em về nhà uống, có tác dụng phụ gì có thể gọi điện thoại trao đổi với bác sĩ luôn.

Trong một năm, chỉ riêng BS Giang đã tiếp nhận gần 10 trường hợp học sinh THPT tự đi khám tâm thần một mình. Điều này cho thấy giữa cha, mẹ và các em không có sự gần gũi, con cái ít dám tâm sự hay nói chuyện riêng tư của mình cho ba mẹ để được chia sẻ. Khi con đi khám về báo lại thì cha mẹ cho rằng con đùa cợt, không tin khiến các em cảm thấy “đơn độc” hơn với bệnh lý của mình.

“Chưa có con số thống kê chính thức nhưng nếu các em không được can thiệp sớm thì những rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu trong một thời gian dài sẽ càng nghiêm trọng hơn, lúc đó việc chữa trị sẽ tốn kém và gặp nhiều khó khăn hơn” -BS Giang cho biết.

Cần quan tâm đến biểu hiện của trẻ

TS giáo dục Thạch Ngọc Yến cho biết: “Chúng tôi đã giúp điều trị tâm lý thành công cho một bệnh nhân là nữ sinh lớp 9, con gái một gia đình giàu có ở quận 10. Năm học lớp 9, ba mẹ đặt chỉ tiêu cho em là phải vào Trường chuyên Lê Hồng Phong.

Ba mẹ em tìm thầy giỏi để em đi học thêm, có người đưa đón. Học được một học kỳ thì em có biểu hiện bất thường, sợ đi học, đến giờ đi học thêm em cứ nấn ná, lần lựa không đi và hay nói nhảm, ru rú trốn trong phòng. Ba mẹ em lo lắng, canh chừng và phát hiện con mình nói chuyện một mình trong phòng nên đưa em đi khám tâm thần, chữa trị.

Qua làm việc với phụ huynh, chúng tôi khuyên họ phải thay đổi nhận thức, để trẻ phát triển tự nhiên, thậm chí chuyển môi trường học tập khác để em cân bằng tâm lý, trở lại trạng thái bình thường”.

Hay như trường hợp một nữ sinh lớp 8 ở Củ Chi, ba mẹ em lúc nào cũng tự hào về con là học sinh giỏi nhiều năm liền và ra tối hậu thư cho em là không được học hành sa sút. Học kỳ 1 bị điểm kém, sợ lời đe dọa của ba mẹ, em đã quyên sinh bằng 20 viên thuốc ngủ, may mà gia đình phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời.

Theo TS Yến, với cuộc sống tất bật như hiện nay, cha mẹ ít con và hay kỳ vọng vào đứa con rồi đặt ra những mục tiêu lớn lao, vô tình làm con cái mình khổ vì áp lực. Cha mẹ thì thiếu kỹ năng không quan tâm đến tâm lý, sở thích của trẻ để định hướng cho trẻ phát triển tự nhiên dễ dẫn đến tâm thần, rối loạn tâm sinh lý.

Theo Quốc Việt
Pháp luật TPHCM

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG