100 gương thanh niên tiêu biểu nhận giải thưởng Lương Định Của 2008 _ Kì I

100 gương thanh niên tiêu biểu nhận giải thưởng Lương Định Của 2008 _ Kì I
TPO - 2008 là năm thứ ba trao Giải thưởng Lương Định Của do TW Đoàn tổ chức, Tổng Cty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - Công ty cổ phần tài trợ. TPO xin giới thiệu 100 gương mặt tiêu biểu năm nay.

Đây là phần thưởng cao quý của Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành trao tặng hàng năm cho những thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ và xây dựng nông thôn mới.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tháng 10 năm 2008, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Lương Định Của đã tiến hành họp và quyết định lựa chọn 100 thanh niên nông thôn tiêu biểu từ 119 hồ sơ đề nghị xét tặng của 63 tỉnh, thành Đoàn, Ban tổ chức Giải thưởng báo cáo tổng hợp về 100 thanh niên nông thôn tiêu biểu được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2008, cụ thể như sau:

1. Đồng Văn Sinh (SN 1974, dân tộc Thái, Sơ Cấp Y Tá ở Lai Châu): Quý II năm 2006, anh tập hợp một số hộ gia đình thành lập Hợp tác xã tiểu thủ Công Nghiệp Trường Sinh.

Mô hình HTX với 500m2 nhà xưởng, 1 máy bật bông trị giá 800 triệu đã nhanh chóng đi vào sản xuất, tạo việc làm cho 10 đoàn viên thu nhập từ 1-1.5 triệu đồng/tháng, giúp cho cho hơn 50 hộ gia đình nhận việc về nhà làm với thu nhập hơn 500.000đ/ tháng.

HTX của anh còn sản xuất và thu mua 4000 tấn vải khổ hẹp, sản xuất trên 500 chiếc chăn đệm/năm. Dịch vụ bật và cán bông đạt trên 80 tấn. Doanh thu 1.2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 200 triệu đồng/năm.

2. Lầu Chống Lử (SN 1973, dân tộc Hmông, trình độ 5/12, Điện Biên): Năm 1998, anh nhận trồng 2ha cafe, được NHCSXH cho vay thêm vốn, anh đầu tư cho 1000m2 ao cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Từ mức lãi ban đầu gần 40 triệu, đến nay thu nhập của anh đã lên 137 triệu đồng/năm. giải quyết việc làm cho 6 lao động thường xuyên và gần 60 lao động theo mùa vụ.

3. Lò Văn Phú (SN 1974, dân tộc Thái, đảng viên, Điện Biên): Năm 2005, anh vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn 120 do Trung ương Đoàn quản lý cộng với 30 triệu vốn tự có, anh đã đầu tư xây 40m2 chuống trại để nuôi lợn, và mua máy phay đất, máy tuốt lúa, bên cạnh đó anh còn mua phông bạt, bàn ghế, bát đĩa cho thuê phục phụ đám hiếu, hỷ, hội nghị… Mỗi năm anh thu về cho gia đình khoảng 50 triệu, giải quyết việc làm cho 4 lao động thường xuyên.

4. Phạm Hân Hạnh (SN 1974, dân tộc Thái, kĩ sư chăn nuôi, Sơn La): Bản thân là một kỹ sư làm việc ở trạm khuyến nông huyện, ngoài nhiệm vụ tư vấn kỹ thuật về chăn nuôi, anh còn xây dựng mô hình nuôi lợn, ban đầu với vốn tự có và vay mượn là 40 triệu, anh cải tạo chuồng nuôi, mua 5 lợn nái, 1 lợn đực.

Thấy việc nuôi lợn giống có hiệu quả kinh tế cao, anh đã tiếp tục phát triển mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện nay anh đã có 15 lợn nái, 4 lợn đực giống, mỗi tháng anh bán khoảng 50 - 100 con lợn thịt. Doanh thu hàng năm khoảng 4,5 tỷ đồng, lợi nhuận 200 triệu đồng.

5. Tạ Thị Thuý Quỳnh (SN 1985, trình độ đại học, tỉnh Hòa Bình): Chị đã xây dựng thành công mô hình trồng cây cam canh với diện tích 2.5 ha, tạo việc làm cho từ 5-7 lao động thường xuyên với mức lương từ 1,3-1,5 triệu đồng/tháng và 30 lao động khác vào thời vụ. Doanh thu khoảng từ 200 - 250 triệu/năm, lợi nhuận 100 triệu đồng/năm.

6. Lê Văn Vy (SN 1981, kĩ sư nông nghiệp, tỉnh Lào Cai): Từ ưu đãi của khí hậu thuận lợi cho việc trồng hoa lan, bản thân lại có thời gian nghiên cứu về nhiều loại lan nên năm 2005, kết hợp với một số giảng viên của trường Đại học Nông nghiệp 1 anh đã trồng thí điểm thành công một số giống lan trên Sapa.

Nhận thấy tính khả thi lớn, anh đã mạnh dạn cùng một số bạn bè đầu tư hơn 1 vạn chậu địa lan dạng cấy mô và 500 chậu lan bản địa. Số vốn đầu tư ban đầu là 500 triệu, diện tích nhà ni lông là 3800m2. Anh dự tính năm 2008 này bán khoảng 25 – 30% số cây và thu khoảng 350 triệu đồng. 

Thời gian này, anh đang tiếp tục mở rộng và đưa tổng diện tích trồng lên 8000m2. Đây là mô hình mang tính sáng tạo, mới, hiệu quả kinh tế cao tại Sapa. Mong muốn của anh là sẽ xây dựng một thương hiệu về lan Sapa nổi tiếng, sánh ngang tầm với lan Đà Lạt.

7. Sùng Tồng Plua (SN 1976, dân tộc Hmông, tỉnh Yên Bái): Thực hiện chính sách của Nhà nước, năm 1994 anh cùng 59 hộ khác chuyển sống ở trên núi xuống lập thôn mới. Từ ngày đầu vô cùng khó khăn, anh cố gắng xây dựng mô hình VACR.

Hiện nay anh có 5.000 m2 ao nuôi ếch, cá; khai hoang được 2000 m2 ruộng; 500m2 nuôi chuồng trại để 30 con lợn, 20 con dê; 5ha rừng trồng keo, quế, bồ đề. Ngoài ra anh còn mua thêm máy sát thóc, nuôi thêm gia cầm. Hằng năm, gia đình anh thu được 80 triệu.

Cùng với khả năng vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, anh còn là người tham gia tích cực vào các hoạt động Đoàn, hội và các hoạt động xã hội khác.

8. Hoàng Đình Hảo (SN 1978, dân tộc Tày, trình độ ĐH, Yên Bái): Là một Bí thư Đoàn không chỉ giỏi tổ chức các hoạt động phong trào của Đoàn mà anh còn là người quyết đoán, dám nghĩ dám làm trong tổ chức lao động, sản xuất để phát triển kinh tế.

Cách đây 3 năm anh đã mua máy cày, bừa giúp bà con cải tạo ruộng đất, đồng thời tăng thu nhập cho bản thân, tạo thêm được việc làm cho 4 lao động. Tháng 3/2007, anh tiếp tục cùng anh em tổ chức khai thác khoáng sản cung cấp vật liệu xây dựng cho địa bàn toàn huyện.

Với cách làm đó, hàng năm anh thu lợi nhận trên 200 triệu đồng; tạo thêm việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng.

9. Nông Văn Phụ (SN 1982, dân tộc Tày, trình độ 12/12, tỉnh Tuyên Quang): Năm 2000, với chỉ 20 triệu đồng vay từ ngân hàng, anh bắt đầu trồng 500 cây cam trên diện tích đất là 1,5ha. Năm 2004 anh đã thu bước đầu được 50 triệu. Đến năm 2007 anh đã thu được 700 triệu, trừ các khoản chi phi đi anh còn 400 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên.

Ngoài ra với 5 con nhím và ao ba ba của anh cũng cho thu mỗi năm 50 triệu đồng. Sau khi trồng cam phát triển, anh đã động viên và hướng dẫn nhiều hộ gia làm theo mô hình của anh; là đầu mối cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…Tổng thu của gia đình anh sau khi đã trừ các khoản chi là 500 triệu/năm.

10. Hoàng Đức Mạnh (SN 1982, dân tộc Tày, Bắc Kạn): Anh có 1000m2 ruộng lúa, thêm vào đó là anh nấu rượu kết hợp với chăn nuôi gà, lợn, doanh thu hàng năm của gia đình anh đạt 225 triệu, thu nhập hàng năm là 70 triệu đồng.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG