Bí thư Đoàn 'tiếp sức' trẻ khuyết tật

Mỹ Phước (ngòai trái) đang hướng dẫn trẻ khuyết tật trước khi xuống nước
Mỹ Phước (ngòai trái) đang hướng dẫn trẻ khuyết tật trước khi xuống nước
TP - Bí thư Đoàn, vận động viên bơi lội của Trung tâm TDTT Q.5 (TPHCM) Phạm Mỹ Phước (SN 1983) quên cả việc riêng để chăm lo sức khỏe, đời sống tinh thần cho trẻ em khuyết tật.

> Nỗi niềm thủ lĩnh Đoàn quá tuổi

Mỹ Phước (ngòai trái) đang hướng dẫn trẻ khuyết tật trước khi xuống nước
Mỹ Phước (ngòai trái) đang hướng dẫn trẻ khuyết tật trước khi xuống nước.
 

Là vận động viên bơi lội tiềm năng của Q.5, tốt nghiệp cấp 3, Mỹ Phước đầu quân vào Trung tâm TDTT Q.5. Vừa luyện tập, thi đấu, Mỹ Phước vừa ôn thi và năm 2001 thi đậu ĐH Thể dục thể thao. Năm 2005, Mỹ Phước tốt nghiệp ĐH, trở về làm Bí thư Đoàn trung tâm. Mỹ Phước thêm trăn trở về những em nhỏ khuyết tật chưa một lần được chơi đùa trong bể bơi như bạn đồng trang lứa.

Nghĩ là làm, Mỹ Phước đề xuất lên trung tâm cho phép chi đoàn kết nghĩa với Trường khuyết tật Tương Lai, nơi nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em bại não, nhiễm chất độc da cam… “Các em nhỏ khuyết tật sức khỏe vốn rất yếu nên càng cần được vận động thể chất như bạn bè cùng trang lứa, nhưng điều kiện cơ sở vật chất ở trường thường hạn chế. Vì vậy mình đề xuất trung tâm cho phép đỡ đầu, luyện tập thể chất cho các em”, Mỹ Phước kể.

Từ đó, hồ bơi Lam Sơn của trung tâm có thêm những vị khách đặc biệt: không biết bơi, không biết mặc áo phao, sợ nước, nhưng không phải mua vé. Ban đầu, rất khó thuyết phục các em xuống nước. Mỹ Phước cùng các đoàn viên trong chi đoàn tổ chức trò chơi nhỏ, đi xe lửa vòng quanh bể bơi, tặng bánh kẹo và tập các bài thể dục vui nhộn khiến các em rất thích thú.

“Mỗi buổi có từ 60 đến 80 em tham gia tập luyện. Khi đã được ngâm mình dưới nước, các em không còn sợ như trước nữa. Tuy nhiên vì số lượng quá đông, hầu hết chưa bao giờ xuống nước nên trung tâm thường phải huy động toàn bộ lực lượng”, Mỹ Phước cho biết.

Mỹ Phước còn liên hệ với các vận động viên khác để tạo điều kiện cho các em được làm quen và tập luyện cả bóng bàn, cầu lông, bóng đá…. “Trở về trường sau buổi tập, các em tỏ ra rất vui, ăn uống khỏe, không quấy phá như trước”, cô phụ trách trường khuyết tật Tương Lai cho biết.

“Các em khiếm thị, khiếm thính, bại não đều có khó khăn riêng trong việc học bơi. Vì vậy mình phải kiên trì, có hôm tập cả buổi mà cả thầy và trò không bơi được mét nào”, Mỹ Phước tâm sự.

Ngoài việc đỡ đầu kết nghĩa với trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, Mỹ Phước còn vận động tổ chức Ngày hội xuống nước cho người dân, trẻ em trong quận.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG