'Bốn cùng' và song ngữ Việt - Mông

'Bốn cùng' và song ngữ Việt - Mông
TP - “Chúng tôi cần học tiếng đồng bào Mông nhiều lắm, nhà báo à!” -  tâm sự của thầy giáo Bùi Văn Xứng, người dân tộc Mường, hiệu trưởng trường THCS xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Anh tâm sự như vậy khi gặp PV Tiền Phong tại buổi khai giảng lớp học tiếng Mông do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sơn La phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức tại Đồn Biên phòng 449.

Ngày 30/3/2009, lớp học tiếng Mông khai giảng tại Đồn biên phòng 449. Lớp có 28 học viên là giáo viên của trường THCS Nậm Lạnh, cán bộ cơ quan khối dân chính đảng huyện Sốp Cộp và cán bộ chiến sĩ Đồn 449. Dự kiến, lớp học kết thúc đầu tháng 6/2009.  

Tháng 10/2008, những chuyến khảo sát đầu tiên cho lớp học bốn cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) được lính biên phòng ngày đêm thực hiện. Các anh đi bộ nhiều ngày đường vào các bản xa nhất tìm hiểu phong tục, tập quán người Mông ở huyện miền núi Sốp Cộp, từ đó soạn giáo trình mà các anh nói vui là song ngữ Việt – Mông.

Về giáo trình tiếng Mông, thượng úy Hà Văn Tuyên, người Thái – cán bộ vận động quần chúng của Đồn 449, cho biết: “Tôi và thiếu úy Lý A Tú, dân tộc Mông – chiến sĩ trinh sát Đồn 449 tham gia cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sơn La dịch từ tiếng Việt sang tiếng Mông ở huyện Sốp Cộp, cuối tháng 3/2009 hoàn thành”. Thiếu úy Tú và thượng úy Tuyên cũng là hai thầy giáo trực tiếp dạy tiếng Mông cho gần 30 người tham gia khoá học tại Đồn 449.

“Vợ chồng tôi cùng đăng ký học lớp tiếng Mông của các anh bộ đội biên phòng đấy!” -  chị Sa Thị Tâm, dân tộc Thái - Phó Bí thư Huyện Đoàn Sốp Cộp nói. Chị nhớ lần xuống bản Huổi Lè ở xã Mường Lạn vận động bà con tham gia sản xuất vụ đông xuân, đầu tháng 2/2009. Bản này chủ yếu người Khơ Mú sinh sống. Giáp Huổi Lè là bản Pu Hào của người Mông. Trong khi người Khơ Mú rào ruộng thì đồng bào Mông có phong tục thả rông trâu bò, súc vật nên ruộng người Khơ Mú thường bị vật nuôi phá hỏng. Phải nhờ những phiên dịch viên đặc biệt là cán bộ xã và trưởng bản, chị Tâm cùng đoàn công tác mới vận động thành công. Thế rồi đồng bào hai bản vui vẻ bắt tay nhau, bà con ở Pu Hào giúp bên này rào lại ruộng.

Vừ A Sọ (SN 1995) học khá nhưng nhà rất nghèo. Lên lớp 7, Sọ nghỉ học, lên nương trồng ngô, trồng sắn giúp cha mẹ nuôi năm đứa em (đứa bé nhất mới bốn tháng tuổi). Thầy Đào Văn Chung (trường THCS Nậm Lạnh) cùng đồng nghiệp vượt 30 cây số đến nhà Sọ ở bản Hua Lạnh, xã Nậm Lạnh. Những bất đồng ngôn ngữ trong khi thuyết phục cha mẹ Sọ chỉ được giải quyết khi thầy Chung nhờ tới sự giúp đỡ của một đồng nghiệp dạy tiểu học thông thạo tiếng Mông đang cắm bản. Hai ngày sau, Sọ trở lại trường, tiếp tục thực hiện mơ ước lớn nhất của em.

Thượng tá Trần Ngọc Thanh – Trưởng Ban Thanh niên BĐBP: Chương trình hành động của Đại hội Đoàn thanh niên BĐBP  lần thứ XI (giai đoạn 2007 – 2012) đã đề ra chỉ tiêu mỗi chi đoàn đồn, đại đội và hải đội biên phòng thường xuyên mở ít nhất một lớp học tiếng dân tộc, tiếng nước láng giềng. Lớp học tiếng dân tộc Mông tại Đồn 449 được Cục chính trị BĐBP giao cho BĐBP Sơn La xây dựng thành mô hình điểm, sau đó rút kinh nghiệm nhân rộng trong toàn lực lượng.
MỚI - NÓNG