Cần có chính sách phát triển thanh niên và nguồn nhân lực trẻ

Cần có chính sách phát triển thanh niên và nguồn nhân lực trẻ
TP - Hôm qua, 29/10, Đại biểu QH Võ Văn Thưởng - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đã có ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội. Tiền phong trích đăng ý kiến này.
Cần có chính sách phát triển thanh niên và nguồn nhân lực trẻ ảnh 1
Anh Võ Văn Thưởng, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn, đại biểu tỉnh Vĩnh Long phát biểu ý kiến. Ảnh: Hồng Vĩnh

Các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nêu trong kế hoạch năm 2008 của Chính phủ, chủ yếu là những giải pháp có tính dài hơi và cần thời gian dài mới có thể phát huy hiệu quả. Bởi vậy, cần thiết phải có những giải pháp có tính cấp bách. Tôi đề nghị 4 vấn đề như sau:

Thứ nhất, cần có chính sách khuyến khích để thu hút và sử dụng được người tài tham gia vào công việc của lĩnh vực công. Bên cạnh việc đào tạo lại đội ngũ cán bộ công chức của chúng ta, cần sử dụng hiệu quả đội ngũ được đào tạo có chất lượng ở nước ngoài.

Vừa qua, nhiều tỉnh, thành đã có chế độ khuyến khích thu hút, nhưng cơ chế sử dụng và phát huy hiện nay chưa rõ. Sau khi chúng ta đặt ra mức độ khuyến khích bằng tiền, bằng vật chất, bằng chế độ nhà ở, thì có một tỷ lệ nhất định cán bộ trí thức trẻ về tham gia công tác. Nhưng quan trọng nhất là cơ chế giao việc và phát huy những người này như thế nào, hiện nay đây là vấn đề khó. Nếu chúng ta làm tốt được vấn đề này, chúng ta sẽ huy động được người tài tham gia vào lĩnh vực công.

Thứ hai, cần quyết liệt để sớm gắn kết được cơ sở đào tạo đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là đào tạo nghề, đào tạo chuyên nghiệp đối với các doanh nghiệp. Nếu gắn kết được vấn đề này chúng ta sẽ giảm được chi phí cho đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo. Hiện nay chỉ có chúng ta là có nhiều trường dạy nghề, nhiều cơ sở đào tạo, phải tốn kém rất nhiều cho việc đầu tư cơ sở trang thiết bị dạy.

Ở một số nước khi đào tạo vấn đề này chủ yếu người ta đưa vào doanh nghiệp để đào tạo, như vậy vừa giảm được chi phí, đồng thời tăng tính thực tiễn cho đào tạo, học trên máy móc và ra trường sẽ làm việc trên máy móc đó thì nó sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Thứ ba, cần có chính sách ở phạm vi quốc gia để khuyến khích sinh viên, học sinh ra nước ngoài học tập và lao động nhiều hơn, trong một chừng mực nào đó cần suy nghĩ một hướng lâu dài hơn, với đất nước chúng ta dân số đông, việc làm trong nước mặc dù có cố gắng, nhưng trong chừng mực nào đó cũng không giải quyết hết được. Nếu có một chính sách để khuyến khích thanh niên đi ra ngoài học tập, lao động thậm chí làm việc dài hơi ở nước ngoài cũng là vấn đề cần suy nghĩ cho tương lai.

Thứ tư, tôi đề nghị cần có chính sách hợp lý cho nhân lực của hệ thống chính trị ở cơ sở, vấn đề là cán bộ công chức ở phường, xã mà nhiều đại biểu nêu tôi cũng rất đồng tình, nhưng tôi suy nghĩ rằng trình độ cán bộ, công chức ở cơ sở hiện nay có trình độ đại học hoặc qua đào tạo ở bậc đại học là rất thấp khoảng dưới 10%.

Tôi đề nghị cần có chính sách để bố trí sinh viên tốt nghiệp đại học về các xã theo phương thức 1+ 5, tức là phấn đấu như thế nào để mỗi một xã tối thiểu có 5 người có trình độ đại học, đặc biệt có một ông kỹ sư nông nghiệp, một ông về luật, một ông về quản lý đất đai, một ông về bác sỹ và một ông có thể liên quan đến kinh tế. 

Hiện nay chỉ số bác sĩ của chúng ta đạt trên 73% bác sĩ ở các xã, nhưng trong các lĩnh vực khác về quản lý đất đai nông nghiệp hiện nay rất thiếu, tôi cho rằng phải đặt việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức ở các xã như là một chỉ tiêu phấn đấu hàng năm thì chúng ta mới có thể tiến tới việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở các xã…

Trích  ý kiến của Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng (ĐBQH tỉnh Vĩnh Long)

MỚI - NÓNG