Cần việc làm, khởi nghiệp Hãy tìm đến chúng tôi

Cần việc làm, khởi nghiệp Hãy tìm đến chúng tôi
TP - Đó là tâm sự, lời hứa của nhiều ông chủ trẻ trong số 82 thợ trẻ giỏi có nhiều sáng kiến, sáng tạo đem lại nhiều lợi ích cho xã hội vừa được T.Ư Đoàn vinh danh tại lễ tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ 4 năm 2013 tối 5/5 tại Hải Phòng.

> Đường sáng đến bến thiện
> Đường về nẻo thiện thênh thang

Cầm micro bằng... chân

Đông đảo các bạn trẻ đến từ các trường nghề, THPT đất Cảng có mặt tại hội trường Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) từ rất sớm. Các bạn trẻ bất ngờ và cảm phục khi trực tiếp nghe tâm sự, cảnh đời của anh Lê Hồng Sơn, Giám đốc doanh nghiệp Mạnh Dũng ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).

Anh Sơn cầm micro bằng chân để giao lưu vì hai tay khuyết tật khiến không ít người cảm động. Cả hội trường lặng người sau đó vỗ tay khi nghe anh kể về những năm tháng khó khăn vượt lên sự nghiệt ngã của số phận, quyết tâm học nghề mộc gia dụng bằng chân.

Toàn bộ sinh hoạt hằng ngày cũng như trực tiếp lao động, anh Sơn đều dùng đôi chân. Có những lần để hoàn thành sản phẩm, chân anh đau nhừ, sưng tấy. Anh Sơn ngẫm kỹ triết lý, phải có nghề và sống bằng nghề, bởi lao động luôn có mồ hôi, công sức của mình. Mồ hôi thì không có giọt cuối cùng.

“Là người khuyết tật, tôi cố gắng vượt qua khó khăn để tự thân lập nghiệp bằng nghề có ích. Cơ sở sản xuất đồ gỗ gia dụng của tôi chuyên dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, người nghèo và trẻ mồ côi. Đến nay, cơ sở của tôi đã dạy nghề mộc miễn phí cho gần 200 người...”, anh Sơn nói.

 “Mỗi người thợ trẻ tiêu biểu hôm nay là tấm gương tỏa sáng, nhân rộng những giá trị lao động cao đẹp ra cộng đồng, góp phần xây dựng lớp thợ trẻ yêu nghề, gắn bó với nghề, lao động sáng tạo, kiên trì vì sự phát triển của đất nước...”  

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng

Anh Trần Văn Diệu, 34 tuổi ở huyện Gio Linh (Quảng Trị) bị khuyết tật tay nên khá vất vả trong cuộc sống hằng ngày. Với ý chí, nghị lực, anh Diệu vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt học nghề và sau đó thành lập doanh nghiệp sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ.

Không những tạo cho mình một nghề vững chắc, anh Diệu còn dạy nghề và tạo việc làm cho gần 30 người khuyết tật, người nghèo với thu nhập ổn định.

Anh Diệu còn là chi hội trưởng Chi hội Người Khuyết tật huyện Gio Linh và là đại biểu dự Hội nghị các cá nhân làm kinh tế điển hình toàn quốc. Năm 2003 tham gia giải thể thao khuyết tật toàn quốc, anh Diệu đoạt 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc.

Tiếp tục tham gia Đại hội thể thao khuyết tật Đông Nam Á, anh Diệu đoạt 1 huy chương bạc, 2 huy chương đồng... Đến nay, anh Diệu sở hữu 60 huy chương thể thao các loại.

Bên cạnh các tấm gương vượt qua hoàn cảnh khuyết tật trở thành người thợ trẻ giỏi, nhiều người thợ trẻ khác đang lao động trên nhiều lĩnh vực ở mọi miền tổ quốc có rất nhiều sáng kiến, sáng tạo hữu ích đem lại nhiều lợi ích cho xã hội.

Trong 5 năm vừa qua, thượng úy Nguyễn Đức Thanh, 34 tuổi công tác tại nhà máy Z176 (Bộ Quốc phòng) có đến 8 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng vào thành công 3 máy cắt quai tự động, 1 máy cắt vải không dệt làm lợi hơn 650 triệu đồng.

Anh Thanh còn tự nghiên cứu chế tạo thành công máy cắt thân túi Dimpa làm lợi hơn 200 triệu đồng...

Với nhiều sáng tạo, giải pháp kiến trúc, trung uý Ngô Bá Tuấn Anh, 30 tuổi công tác tại Viện Thiết kế, Trung tâm Tư vấn Xây dựng 3 (Bộ Quốc Phòng) đã đoạt giải nhất thi tuyển phương án kiến trúc trụ sở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (chi nhánh Nghệ An), giải nhất thi tuyển phương án kiến trúc trụ sở Tổng cục Thuế, giải nhì cho phương án kiến trúc khu điều hành nhà máy X52 (Quân chủng Hải quân).

Anh Tuấn Anh còn chủ trì thiết kế nhiều công trình như bệnh viện Đa khoa Nghệ An, trụ sở UBND tỉnh Nghệ An...

“Cần có nghề, hãy tìm đến chúng tôi”

Anh Lê Hồng Sơn (giữa) tại lễ vinh danh, trao giải. Ảnh: Phạm Duẩn
Anh Lê Hồng Sơn (giữa) tại lễ vinh danh, trao giải.
Ảnh: Phạm Duẩn.
 

Đó là chia sẻ, lời hứa quyết tâm của những ông chủ nhận giải thưởng người thợ trẻ giỏi năm nay. Dù bị khuyết tật cả hai tay nhưng với nghị lực phi thường anh Lê Hồng Sơn, 34 tuổi không chỉ bằng lòng với cơ sở sản xuất đồ gỗ ở quê nhà tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), anh còn ấp ủ nhiều dự định, kế hoạch vươn ra các tỉnh ngoài, mở thêm nhiều cơ sở sản xuất. Mới đây, anh Sơn khai trương cơ sở ở Vinh (Nghệ An) nhằm dạy nghề và tạo thêm nhiều việc làm cho người khuyết tật, người nghèo và trẻ mồ côi.

Anh Dương Việt Bách, 33 tuổi, chủ doanh nghiệp đúc đồng mỹ nghệ cổ truyền Bảo Long (Hưng Yên) sau khi tốt nghiệp trường CĐ nghề và đã đi làm một số nơi. Sau đó, anh Bách quyết định trở về quê mở xưởng lập nghiệp với nghề đúc đồng cổ truyền của quê hương và tạo được nhiều việc làm cho người dân địa phương.

“Hãy tự tin, quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn sẽ thành công. Bạn nào cần giúp đỡ, tư vấn về lập nghiệp, việc làm, hãy gọi điện cho tôi”, anh Bách nói và cung cấp số điện thoại của mình.

Mỗi người có điểm xuất phát khác nhau, với nhiều ông chủ trẻ thành đạt, cánh cổng trường đại học không phải là con đường duy nhất học nghề để lập nghiệp, mà điều quan trọng là hãy chọn cho mình nghề yêu thích.

Anh Bùi Thọ Tiến, 22 tuổi (Hà Nội) từng đỗ đại học nhưng anh Tiến đã không chọn trường ĐH mà rẽ ngang, theo đuổi nghề nấu ăn anh đặc biệt yêu thích. Theo đuổi ước mơ, tình yêu với nghề, anh Tiến đạt được nhiều thành công như mới đây đoạt huy chương vàng tay nghề ASEAN lần thứ 9 tại Indonesia.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, 30 tuổi, nhân viên kỹ thuật của Cty CP Kỹ nghệ Đô Thành (TPHCM) đam mê nghề điện công nghiệp. Với nhiều sáng tạo, anh Tiến đã đoạt giải nhất hội thi bàn tay vàng nghề điện công nghiệp cấp thành phố.

 “Hãy tự tin, cố gắng phấn đấu dù có nhiều khó khăn. Khi vượt qua chính mình, các bạn không chỉ làm lợi cho bản thân, gia đình mà mang lại việc làm, niềm tin cho nhiều người khác”  

Anh Lê Hồng SƠn -
GĐ DN Mạnh Dũng

Năm 2012, anh Mạnh được Thành Đoàn TPHCM tuyên dương “Thanh niên công nhân tiêu biểu” của phành phố và trao giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi. Anh Trương Quốc Vương, 22 tuổi (ĐH Công nghiệp TPHCM) đã đoạt huy chương vàng tay nghề ASEAN lần thứ 9 tại Indonesia về thiết kế trang web. Đam mê nghề xây dựng, anh Lưu Đình Hải, 21 tuổi (CĐ Nghề Cơ điện Xây dựng Việt Xô Tam Điệp) cũng đã đoạt huy chương vàng tay nghề ASEAN lần thứ 9 về nghề xây gạch...

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng nói: “Mỗi bạn có xuất phát điểm khác nhau nhưng tất cả đều luôn tích cực học tập, nâng cao tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ, nắm bắt khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, năng động, sáng tạo, xung kích đảm nhận những việc mới, việc khó trên mỗi công trường, mỗi nhà máy, giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi quốc tế đem lại vinh quang cho Tổ quốc”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG