Cô gái khôi phục làng nghề thổ cẩm Mai Châu

Cô gái khôi phục làng nghề thổ cẩm Mai Châu
TP - Năm 2000, Hà Thị Hòa trở thành 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của cả nước với thành tích khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong vùng.

Năm 1991, chị Hòa xây dựng gia đình với thầy giáo Ngần Việt. Vợ chồng ở tạm trong khu tập thể nhỏ của Đài phát thanh truyền hình huyện Mai Châu (Hòa Bình) nơi chị Hòa công tác.

Cuộc sống khó khăn, lương của cả hai vợ chồng chị thời đó cộng lại được hơn 150 ngàn đồng/tháng, không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình và nuôi đứa con gái nhỏ.

Chị đành đi bán thêm sợi vào những ngày chợ phiên của huyện và tại các bản vùng sâu, vùng xa để cải thiện đời sống kinh tế cho gia đình.

Đến 1995 khi được huyện cử đi dự triển lãm tại Vân Hồ (Hà Nội), chị mang theo một số sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người dân tộc Thái ở huyện Mai Châu nhưng chủ yếu là để giới thiệu và quảng bá văn hóa.

Thế nhưng, những sản phẩm được dệt bằng tay ấy lại thu hút được nhiều khách hàng đến xem và ưa thích. Có nhiều người ngỏ ý muốn thông qua chị để lấy sản phẩm bán cho khách du lịch. Nhưng khi đó chị Hòa chỉ cười và tâm sự: “Ở quê em mọi người chỉ dệt phục vụ cho nhu cầu của mình thôi, không bán đâu ạ…!”.

Không chỉ thành công trong công việc kinh doanh mà trong chuyên môn chị Hòa luôn hoàn thành một cách xuất sắc. Chị là người dẫn chương trình quen thuộc của mọi người trong các chương trình truyền hình của địa phương.

Là cây viết sắc sảo, giọng đọc truyền cảm trong các chương trình phát thanh. Trong năm 2007, chị chính thức được kết nạp vào Hội Nhà báo của tỉnh Hòa Bình và giành giải nhất trong liên hoan phim hàng năm của tỉnh với thành tích “ Giọng đọc hay nhất”.

Tuy nói vậy nhưng khi về đến nhà, mấy đêm liền chị trằn trọc, thao thức suy nghĩ về những lời đề nghị mà chị nhận được từ các bạn hàng tại Hà Nội.

Chị nghĩ, nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống bất cứ cô gái Thái nào cũng biết làm. Ngay bản thân chị, năm 15 tuổi đã được dạy cách kéo tơ tằm và dệt.

Đến khi lên trung học thì tự biết cài hoa văn, chỉ cần sự tỉ mỉ và  một chút tính kiên trì là có thể làm được. Mang tâm sự giãi bày với chồng, chị được anh động viên và ngay tối hôm đó chị lục tìm lại địa chỉ và gọi điện cho một số bạn hàng tại Hà Nội.

Những ngày đầu thật khó khăn, chị vận động, giải thích mãi mới được khoảng 20 người cao tuổi có tay nghề vững ở làng đồng ý dệt thử. Từ trước đến giờ họ chỉ dệt vào những ngày lễ, tết hoặc con gái lớn về nhà chồng phải có quà cho gia đình nhà trai. Họ không nghĩ những sản phẩm đó lại có thể bán được.

Ngày đi làm, đêm chị cùng chồng  nhập sợi và kiểm tra từng sản phẩm mà mọi người mang tới. Mấy tháng ròng vợ chồng thường xuyên phải thức trắng để phân loại hàng, chọn hàng và chuyển hàng.

Tuy vất vả nhưng chị Hòa rất vui khi sản phẩm của mình được khách hàng ưa chuộng đặc biệt là khách nước ngoài. Thu nhập cao, bà con trong xóm và các xóm lân cận cũng tìm đến chị xin được tham gia làm cùng.

Năm 1996, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Giảng Võ - Hà Nội chị lại được mời tham dự. Cũng giống như lần trước, chị mang theo thổ cẩm đến trưng bày và chị nhanh chóng tìm thêm được các bạn hàng ở TP HCM, Đà Nẵng và Đăk Lăk.

Thị trường được mở rộng nhưng để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng chị lại mày mò thiết kế mẫu mã hoa văn sao cho phù hợp với sở thích của nhiều người.

Cụ thể như: Khăn “ Tống” được khách nước ngoài rất ưa chuộng vì nó thể hiện được bản sắc rất riêng của người Thái ở Mai Châu, khăn “ Phan lai” và  khăn “ rồng” thì được khách nội địa ưa dùng trong việc may quần áo, túi xách…

Cũng từ đó người dân bắt đầu ý thức được công việc dệt thổ cẩm của mình, nhiều gia đình trở nên khá giả hơn khi quay lại với nghề dệt truyền thống này.

Trung bình 1 người có thể dệt được 3 khăn một ngày nếu chăm chỉ thì họ có thể kiếm được 500-600.000 đồng/tháng. Tại thời điểm đó thì đây là số tiền lớn mà người làm nông nghiệp quanh năm cũng không thể kiếm được.

Đến đầu năm 2000, từ 20 khung dệt, chị Hòa đã mở rộng lên được 300 khung tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động không chỉ cho người trong cùng xóm mà cả các xóm lân cận.

Hiện, chị cũng đang cố gắng kết hợp với một số khách hàng đưa sản phẩm thổ cẩm của người Thái ở Mai Châu xuất khẩu. Mặc dù, số lượng còn khiêm tốn song chị thấy người nước ngoài rất thích sản phẩm dệt bằng tay này vì nếu dùng vào mùa đông thì ấm, còn mùa hè chất vải rất mát.

Từ đây, mọi người ở Mai Châu đã có niềm tin vững chắc vào việc khôi phục làng nghề dệt truyền thống và một tương lai tươi sáng cho làng nghề.

Tìm tương lai tươi sáng cho làng nghề

Sau nhiều năm nỗ lực, vợ chồng chị Hòa đã tạo dựng được ngôi nhà riêng khá khang trang và những đứa con ngoan ngoãn, học giỏi.

Là phụ nữ trẻ thành đạt, chị rất sung sức cho những kế hoạch của mình. Chị muốn tiếp tục khôi phục lại nguồn nguyên liệu cổ cho nghề dệt thổ cẩm.

Chị cho biết, nếu khôi phục được thì sản phẩm sẽ rất tốt và bền hơn so với nguyên liệu công nghiệp hiện nay. Cơ hội để xuất khẩu sẽ rất lớn, thị trường nước ngoài mà chị đang nhắm tới là Nhật và Pháp, khi niềm tin đã được xây dựng vững chắc cho khách hàng.

Dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng ngần, Hòa mang vẻ đẹp đặc trưng của con gái Thái vùng Tây Bắc. Trông chị trẻ hơn rất nhiều so với tuổi, chị nói: “Công việc khiến tôi trẻ ra. Tôi sẽ dùng sức trẻ để khôi phục và tiếp thêm sức mạnh cho những giá trị truyền thống, không chỉ là nghề dệt thổ cẩm…”.

Ấn tượng về chị đó là sự đam mê, khiêm tốn và không ngừng  học hỏi. Mong ước khôi phục lại toàn bộ nghề dệt truyền thống của chị vẫn đang  được chị  miệt mài và hăng say làm. Mọi người đều đặt kỳ vọng về một tương lai tươi sáng của làng nghề dệt thổ cẩm lên đôi vai của chị.

Lê Thu Phương
Lớp Báo chí K49 ĐHKHXH và NV – Hà Nội

MỚI - NÓNG