Giảm đau thương bằng những mô hình trách nhiệm

Giảm đau thương bằng những mô hình trách nhiệm
TP - Chiều 11/8 tại Hà Nội, đã diễn ra diễn đàn “Vai trò của Đoàn thanh niên trong phong trào phòng chống tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em”.
Giảm đau thương bằng những mô hình trách nhiệm ảnh 1
Trẻ em rất cần sự chăm sóc để tránh tai nạn thương tích - Ảnh: Việt Hùng

Chương trình do T.Ư Đoàn phối hợp với Vụ Trẻ em (Bộ LĐ - TB&XH), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức. Diễn đang có sự tham gia của 20 tỉnh, thành Đoàn có thành tích, kinh nghiệm trong phong trào này.

Theo Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Lam, bên cạnh những nguyên nhân do di chứng chiến tranh của bom mìn, chất độc hóa học, phần lớn TNTT trẻ em do sự thiếu hụt về nhận thức, ý thức của gia đình, cộng đồng và bản thân trẻ.

Kết quả nghiên cứu của UNICEF cho thấy nguyên nhân dẫn đến tử vong trẻ em do chết đuối là 59%, giao thông chiếm 15%, ngộ độc thuốc trừ sâu 5%, điện giật 3%, các nguyên nhân khác như cháy, bỏng, chết ngạt là 15%.

Theo số liệu tổng hợp của 6 tỉnh miền Trung gần đây, trên 60% trường hợp tử vong trẻ em là do thương tích, tai nạn gây ra. Tai nạn thương tích đã và đang để lại cho trẻ những hậu quả nặng nề cả về thể chất và tinh thần, gây ra nhiều tổn thất cho xã hội.

Kinh nghiệm từ địa phương

Là tỉnh miền núi nhưng ở Hòa Bình có đến 57% TNTT trẻ em lại do sông nước gây nên. Theo chị Nguyễn Thị Oanh - Bí thư Tỉnh Đoàn Hòa Bình, tỉnh có tới 13 xã sống trong vùng lòng hồ sông Đà nên xảy ra rất nhiều vụ tai nạn lật thuyền, chìm đò thương tâm.

Gần đây là trường hợp 5 em học sinh và cô giáo chủ nhiệm đi thuyền đến thăm một học sinh bị ốm. bỗng gió nổi trên sông, thuyền bị lật trong khi cả 6 cô, trò đều không biết bơi và đều thiệt mạng...

Trước diễn biến phức tạp về TNTT trẻ em, đặc biệt vùng lòng hồ, Tỉnh Đoàn Hòa Bình đã tặng hơn 300 áo phao cho các em học sinh sống trong vùng lòng hồ thường xuyên phải đi học bằng thuyền.

Chị Oanh chia sẻ: “Chúng tôi phối hợp với Sở TDTT tổ chức các lớp học bơi miễn phí cho trẻ em, tổ chức và xây dựng những tụ điểm vui chơi trong dịp hè, xây dựng trường học an toàn giúp các em đi lại được đảm bảo, nhất là trong mùa mưa lũ. Đặc biệt, mở các buổi tập huấn, tư vấn trực tiếp nâng cao nhận thức cho những người làm nghề lái đò, ghe chuyên chở các em đi học...”.

Một cán bộ Tỉnh Đoàn Đồng Tháp cho biết, từ năm 2003 – 2006, số trẻ em dưới 16 tuổi trong tỉnh bị lũ cuốn trôi là 301 em, gấp 10 lần so với số trẻ em bị chết vì sốt xuất huyết.

Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kiến thức và người lớn chưa thực sự coi trọng việc phòng tránh TNTT bởi trên thực tế, trong mùa nước lũ, số trẻ thiệt mạng ít hơn (46%) so với thời điểm ngoài lũ (54%).

Tỉnh Đoàn Đồng Tháp đã huy động và thường xuyên có hơn 400 thanh niên tình nguyện dạy bơi cho trẻ hàng năm.

Tại những nơi chưa mở được lớp học bơi, Tỉnh Đoàn tổ chức vận động các em theo học, đồng thời phát áo phao giúp các em yên tâm đến trường. Đến nay, Tỉnh Đoàn vẫn luôn duy trì tất cả các lớp tập bơi cho trẻ từ 6 đến 11 tuổi ngay tại cộng đồng.

Đặc biệt là tại các xã được xây dựng mô hình “Xã an toàn” do Tỉnh Đoàn phối hợp với Tổ chức cứu trợ trẻ em Thuỵ Điển thực hiện, từ năm 2005 đến nay, không có trẻ em bị chết đuối...

Phong trào gắn liền với hành động

Ngoài kinh nghiệm và cách làm của các tỉnh, thành Đoàn được tiến hành liên tục, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư phát động phong trào, cổ vũ thanh thiếu niên và trẻ em tham gia phòng chống TNTT.

- Theo Bộ Y tế, tính trung bình trên toàn quốc mỗi tuần có gần 1.000 trẻ bị thương nặng do tai nạn thương tích gây ra.

- Số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho thấy hàng năm có 50.000 trẻ dưới 16 tuổi bị tử vong và hơn 250.000 bị thương nặng trong các tai nạn có thể ngăn chặn được. Cứ mỗi trường hợp tử vong lại có 5 em khác bị thương nặng hoặc tàn tật.

- TNTT là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, chiếm tới 75% trong khi đó tử vong do bệnh truyền nhiễm chỉ chiếm 12% và do bệnh mãn tính chiếm 13%.

Đó là triển khai các nội dung gắn với thực hiện các chuyên hiệu của Đội như: Người thầy thuốc giỏi, vai trò của học sinh với an toàn giao thông, phong trào “5 không” bảo vệ đường sắt, tổ chức các liên hoan, hội trại Chiến sĩ nhỏ bảo vệ đường sắt...

Ông Nguyễn Trọng An - Vụ phó Vụ Trẻ em (Bộ LĐ - TB&XH) đánh giá cao sự tham gia tích cực và hiệu quả của các cấp bộ Đoàn trong phòng chống TNTT trẻ em. Ông An nói: “Đoàn TN là một đơn vị nòng cốt đầu tiên phối hợp một cách hiệu quả với Ủy ban DS - GD&TE (cũ) về phòng, chống TNTT cho trẻ em. Chúng tôi mong các bạn trẻ tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, năng động bằng những cách làm hiệu quả nhằm giảm bớt những tổn thương về tính mạng, sức khoẻ, tinh thần... do TNTT gây ra cho trẻ em”.

Được biết, theo kế hoạch hành động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phòng chống TNTT trẻ em giai đoạn 2007 – 2010, sẽ có 100% cán bộ, ĐVTN ở thành thị và 80% ĐVTN ở nông thôn, miền núi biết cách phòng chống TNTT, biết cách sơ cứu khi gặp TNTT đối với trẻ em.

MỚI - NÓNG
Khởi tố vụ án tại Công ty LIFAN Việt Nam
Khởi tố vụ án tại Công ty LIFAN Việt Nam
TPO - Phòng An ninh Kinh tế (Công an tỉnh Hưng Yên) vừa ra quyết định khởi tố vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, xảy ra tại Công ty TNHH Liên doanh chế tạo xe máy LIFAN - Việt Nam, có địa chỉ tại thôn Chấn Đông, xã Hoàn Long (Yên Mỹ, Hưng Yên).
Thiên tai năm nay xảy ra phức tạp hơn mọi năm
Thiên tai năm nay xảy ra phức tạp hơn mọi năm
TPO - Năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc mưa đá xảy ra hơn mức bình thường vào nửa đầu năm. Còn nửa cuối năm, mưa, bão, lũ, ngập lụt cũng xuất hiện nhiều hơn và tác động nhanh hơn đến nước ta.