Giúp thay đổi cuộc sống hàng triệu thanh niên

Giúp thay đổi cuộc sống hàng triệu thanh niên
TP - Làm sao những bộ luật, hệ thống chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu thanh niên thực sự đi vào cuộc sống? Đó là trăn trở không riêng của những cán bộ đoàn.

Chính sách nhiều

Theo Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Hoàng Hiệp, hiện nay hệ thống chính sách, pháp luật của nhà nước đối với TN tương đối hoàn thiện. Trong đó, T.Ư Đoàn tham gia soạn thảo, đề xuất, tư vấn, góp ý từ văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Luật Thanh niên đến văn bản hoạch định chính sách mang tính chiến lược và dài hạn của Nhà nước như Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010, nay là chiến lược giai đoạn 2010 - 2020; Lần đầu tiên Chính phủ có Chương trình hành động của Chính phủ về Công tác thanh niên; Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015...

Tuy nhiên, lãnh đạo T.Ư Đoàn nhìn nhận, hệ thống chính sách nói trên mang tính vĩ mô nên việc thực thi còn gặp nhiều hạn chế; nhiều bộ ngành, địa phương chưa thực hiện đầy đủ những nội dung đã ban hành...

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội, khẳng định yếu tố quan trọng để tổ chức Đoàn thu hút, tập hợp TN là tham gia góp ý dự thảo, quá trình ban hành luật. Bà Mai phân tích, mỗi chính sách được Nhà nước ban hành liên quan và làm thay đổi số phận rất nhiều thanh niên. T.Ư Đoàn cần nhập cuộc mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng và ban hành các chính sách cụ thể.

Chính sách giáo dục khi quyết định phổ cập giáo dục, có nghĩa hàng triệu TN được tham gia vào quá trình nâng cao trình độ dân trí và xây dựng được nền tảng cuộc sống tương lai. Hoặc chính sách bảo hiểm y tế sẽ là lưới đỡ cho hàng triệu TN khi ốm đau bệnh tật; chính sách đưa lao động đi làm việc nước ngoài giúp khoảng 50 vạn TN thay đổi cuộc sống...

Bà Mai cho rằng, với Bộ Luật Lao động (sửa đổi) sắp tới sẽ được trình Quốc hội liên quan đến đông đảo lao động, T.Ư Đoàn có thể tham gia góp ý hoặc tổ chức lấy ý kiến của TN công nhân, nông thôn và lao động trẻ ở nhiều lĩnh vực.

Một trong những chính sách sẽ được quan tâm là bảo hiểm thất nghiệp thực hiện từ năm 2009, đó là lũy đỡ cho lao động khi thất nghiệp có được cơ hội để quay trở lại thị trường lao động; hoặc chính sách đào tạo nguồn nhân lực cần phải xem xét bổ sung, sửa đổi như thế nào... T.Ư Đoàn có thể tham gia góp ý, đề xuất nhiều chính sách và tham gia thực hiện chính sách đó.

Theo bà Mai, Luật TN là bảo bối để Đoàn tham gia xây dựng chính sách phát triển TN cụ thể trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Tổ chức Đoàn cần quan tâm đúng mức vấn đề này.

Thanh niên trực tiếp tham gia

TS Trịnh Xuân Giới, nguyên Phó trưởng Ban Dân vận T.Ư, cho rằng, Đoàn có thẩm quyền phối hợp với Nhà nước chuẩn bị để ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình, dự án kinh tế - xã hội có liên quan thiết thân đến lợi ích lớp trẻ.

Đó là quá trình thực thi tinh thần dân chủ của xã hội, tập hợp được trí tuệ của tuổi trẻ tham gia vào sự nghiệp của đất nước. "Làm như vậy Đoàn luôn thực hiện được vai trò tư vấn và phản biện xã hội đối với chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lớp trẻ", ông Giới nói.

Theo bà Mai, Đoàn tham gia vào quá trình này như thành viên của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp thành bản kiến nghị gửi Quốc hội. "Hầu hết các luật thuộc phạm vi UB của chúng tôi đều liên quan đến TN nhưng rất tiếc đến thời điểm này chưa nhận được kiến nghị nào của tổ chức Đoàn", bà Mai nói.

Sở dĩ có thực trạng trên, anh Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Đoàn chỉ tổ chức lấy ý kiến TN trong quá trình soạn thảo những chính sách do Đoàn trực tiếp đề xuất; đối với những luật do các cơ quan khác soạn thảo, việc tham gia chưa đồng đều.

"Để giải quyết vấn đề này cần xuất phát từ hai phía. Các cơ quan soạn thảo trong quá trình lấy ý kiến dự thảo luật có tác động đến TN, cần có thời gian ít nhất một tháng để Đoàn TN tổ chức diễn đàn nghiên cứu và góp ý. Đối với luật mà đối tượng tác động chính là TN phải để TN tham gia từ khâu soạn thảo", anh Hiệp đề xuất.

Lãnh đạo T.Ư Đoàn cho biết, thời gian tới Đoàn TN cần có bộ phận chuyên sâu về luật (đơn vị tương đương vụ pháp chế của các bộ ngành) để tham gia vào quá trình đề xuất, góp ý các chính sách liên quan đến thanh niên.

Trong Quốc hội có thành phần đại biểu trẻ, dự kiến nhiệm kỳ 13 của Quốc hội có không dưới 15%, với khoảng 75 đại biểu trẻ. Nếu tổ chức Đoàn có cách tiếp cận, đây sẽ là lực lượng quan trọng tác động đến các chính sách trên diễn đàn Quốc hội" - Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG