Hà Nội:

Làm gì trước thực trạng hơn 98% DN ngoài quốc doanh không có tổ chức Đoàn-Hội?

Làm gì trước thực trạng hơn 98% DN ngoài quốc doanh không có tổ chức Đoàn-Hội?
TP - Tính đến tháng 9/2007, riêng tại Hà Nội đã có trên 40.000 doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, tổ chức Đoàn-Hội thì mới chỉ thành lập được trong 653 DN.
Làm gì trước thực trạng hơn 98% DN ngoài quốc doanh không có tổ chức Đoàn-Hội? ảnh 1
ĐVTN huyện Đông Anh giao lưu với công nhân trẻ KCN Thăng Long Ảnh: Minh Tuấn

Con số này chiếm chưa đến 2% trong tổng số DN ngoài quốc doanh tại Hà Nội.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo “về công tác hỗ trợ, thu hút tập hợp thanh niên trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh” tiếp tục cho thấy đời sống vật chất và tinh thần của đa số người lao động trẻ trong các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và DN ngoài quốc doanh đang rất thiếu thốn và chậm được cải thiện.

Tại các KCN Nội Bài, Thăng Long, Sài Đồng... công nhân liên tục phải làm tăng ca, thêm giờ nhưng thu nhập thấp, thường phải ăn ngủ tạm bợ trong những căn nhà cấp 4 tồi tàn, ô nhiễm, rất thiếu các điều kiện vui chơi giải trí, thường xuyên bị trộm cắp và nhiều tệ nạn xã hội rình rập.

Anh Nguyễn Danh Huy- Giám đốc Cty Giáo dục toàn cầu đưa ra con số: Trung bình mỗi DN ngoài quốc doanh có 35 lao động, và vì là DN trẻ nên tỷ lệ thanh niên chiếm đến 82%.

Khảo sát tại 11 DN có quy mô lao động từ 100-300 người trên địa bàn quận Cầu Giấy Hà Nội cho thấy: 94% lao động trẻ có nhu cầu tham gia các hoạt động xã hội, giao lưu kết bạn, học tập nâng cao kiến thức...

Vậy đâu là giải pháp mới trong việc tăng cường khả năng thu hút, hỗ trợ thanh niên trong DN ngoài quốc doanh? Tại Hội thảo, anh Nguyễn Văn Phong- Bí thư Thành Đoàn Hà Nội đề nghị từng cán bộ Đoàn cần nhận thức rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị mình trong việc hỗ trợ lao động trẻ.

“Cần phải hết sức tránh đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Mỗi cán bộ Đoàn-Hội phải tự hỏi là mình đã làm hết trách nhiệm với thanh niên chưa? Vì sao tại địa bàn dân cư nơi có nhiều lao động thuê nhà vẫn chưa tổ chức được hoạt động để tập hợp họ?”- Anh Phong nhấn mạnh.

“Không thể tiếp cận với doanh nghiệp theo kiểu xin tiền tài trợ mãi được! Đoàn-Hội phải thuyết phục họ bằng hoạt động bổ ích và hấp dẫn với đông đảo người lao động trẻ”-Giám đốc 29 tuổi của một DN trẻ nói.

Rất nhiều các ý kiến khác đều bày tỏ bức xúc trước phương thức tập hợp và hỗ trợ lao động trẻ trong các KCN và KCX của Đoàn-Hội còn rất hạn chế. Tuy nhiên, một vấn đề lớn đặt ra là cách nào để vận động và thuyết phục lãnh đạo DN ủng hộ hoạt động của Đoàn-Hội và hơn thế nữa là phải cảm thấy vinh dự khi được tham gia hoạt động Đoàn?

Đại diện quận Đoàn Hoàng Mai, Hoàn Kiếm đều cùng kiến nghị: Cần sớm nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ Đoàn, nhất là bồi dưỡng kiến thức về kinh tế, lao động, hiểu biết xã hội cho cán bộ Đoàn thì mới có thể tổ chức được những hoạt động hấp dẫn và đủ sức thuyết phục DN được.

Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Văn Phong cho rằng, để sớm tạo ra hiệu quả thực tiễn, mỗi cán bộ Đoàn cơ sở phải xắn tay vào việc, đi xuống tận cơ sở, tận doanh nghiệp để tìm hiểu tình hình, gặp gỡ từng công nhân trẻ và cán bộ quản lý trong doanh nghiệp để hiểu tâm tư nguyện vọng của họ.

“Dứt khoát không thể chấp nhận những cán bộ Đoàn xa rời cơ sở, chỉ quen nắm tình hình qua điện thoại”-Anh Phong bức xúc.

Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, đang nghiên cứu và đề nghị UBND thành phố có những hỗ trợ cụ thể cho lao động trẻ trong các KCN; tiếp tục hỗ trợ Đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động lớn cho công nhân trẻ. 

MỚI - NÓNG