Lặng thầm những chiến công

Lặng thầm những chiến công
Các anh ít nói về mình, nhưng chúng tôi biết, những chiến sĩ biên phòng Pha Long ngày ấy và hôm nay luôn xứng đáng là "Bộ đội Cụ Hồ", là điểm tựa vững chãi trong lòng nhân dân các dân tộc Pha Long, nhất là trên trận tuyến gìn giữ bình yên biên giới.

Lặng thầm những chiến công

Các anh ít nói về mình, nhưng chúng tôi biết, những chiến sĩ biên phòng Pha Long ngày ấy và hôm nay luôn xứng đáng là "Bộ đội Cụ Hồ", là điểm tựa vững chãi trong lòng nhân dân các dân tộc Pha Long, nhất là trên trận tuyến gìn giữ bình yên biên giới.

Ấm tình quân dân
Ấm tình quân dân.
 

Lần đầu tiên tôi lên thăm Đồn biên phòng Pha Long là vào giữa năm 2011. Khi ấy, Thượng tá, Đồn trưởng Trần Quốc Khải kể: Nhắc đến tên Pha Long những năm 40, 50 của thế kỷ trước, gói gọn trong mấy từ: Thực dân Pháp, phỉ, tay sai phản động và thuốc phiện. Mà cái bám rễ lâu nhất, khó nhổ bỏ tận gốc nhất, gieo rắc bao nỗi kinh hoàng cho đồng bào các dân tộc Lào Cai đến tận bây giờ chính là thuốc phiện, là ma túy. Năm 1959, Đồn biên phòng Pha Long quản lý tuyến biên giới giáp Trung Quốc dài 16,3 km thuộc hai xã Pha Long và Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương. Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, các chiến sĩ biên phòng còn phải đấu tranh chống tội phạm ma túy, tội phạm buôn bán người, giúp nhân dân phát triển sản xuất, có cuộc sống văn minh, tiến bộ hơn. Hơn 30 năm sau chiến tranh, mảnh đất Tả Ngài Chồ, Pha Long đang đổi thay từng ngày, thế nhưng câu chuyện về cuộc chiến đấu của các chiến sĩ biên phòng chống tội phạm ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới lúc nào cũng như vừa mới bắt đầu.

Đến Đồn biên phòng 235 Pha Long lần này, được tiếp xúc với những chiến sĩ Đội trinh sát, Đội phòng - chống ma túy và tội phạm của đồn tôi mới thấy được những nỗi gian lao, nhọc nhằn các anh thường xuyên gặp phải. Tôi lại càng khâm phục hơn bản lĩnh, ý chí kiên cường, sự gan góc, dũng cảm, mưu trí của các anh. Trên tọa độ ấy, trong gian khổ, vất vả, những chiến sĩ quân hàm xanh lại càng sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Thượng úy Phạm Chí Công, Đội phó Đội trinh sát của đồn, dáng người đậm thấp, nước da ngăm đen, cũng là người 15 năm lăn lộn với công tác trinh sát ở các đơn vị: Đồn 131 khu vực Tả Gia Khâu, Đồn 247 khu vực Bản Lầu và riêng Đồn biên phòng 235 khu vực Pha Long hơn 9 năm nay tâm sự về những gian nan của nghề: "Đây là vùng đất khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, địa bàn hầu như không có người nghiện, các đối tượng chỉ tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy, lại nắm rất rõ địa hình, thủ đoạn tinh vi, nên công tác phòng, chống tội phạm gặp phải muôn vàn khó khăn. Nếu ngại khó, ngại khổ, không kiên trì, dũng cảm, mưu trí thì không thể hoàn thành nhiệm vụ".

Với anh, mỗi lần "đánh án" là một kỷ niệm khó quên trong đời. Có chuyên án giữa mùa đông mưa rét thấu xương, anh và đồng đội phải thay nhau mật phục ở rừng gần 3 ngày đêm mới bắt được các đối tượng buôn bán ma túy. Có chuyên án kéo dài tới vài năm, trải qua bao vất vả mới phá được án; rồi nhiều phen phải đối mặt với bọn tội phạm nguy hiểm, sẵn sàng sống chết với các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ, nguy hiểm khó lường…

Cũng có nhiều kỷ niệm dở khóc dở cười khi mới vào nghề mà sau đó anh rút ra kinh nghiệm là phải nắm thật chắc địa bàn, đối tượng, nghiên cứu thật kĩ địa hình, đường đi lối lại để luôn chủ động trong công tác đấu tranh với tội phạm…

Nhìn vào bảng thành tích hôm nay, chiến công của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pha Long trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm thật đáng tự hào. Những năm qua, Đồn biên phòng Pha Long đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn an ninh biên giới; xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 28 tổ tự quản an ninh thôn, bản.

Nhờ đó, nhân dân đã cung cấp cho đơn vị hàng nghìn nguồn tin, giúp đơn vị phối hợp với các lực lượng đấu tranh thắng lợi 34 chuyên án, vụ án; bắt giữ 41 đối tượng; thu giữ 19,5 kg thuốc phiện; 2,45 kg hêrôin, 195 viên ma túy tổng hợp; 5,4 kg thuốc nổ; 14 súng quân dụng; 12 súng tự tạo; 115 viên đạn các loại; giải cứu cho hàng chục phụ nữ, trẻ em bị lừa bán sang bên kia biên giới…

Vào các năm 2002, 2006 và 2007, Đồn biên phòng Pha Long lần lượt được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba về thành tích đấu tranh phòng, chống tội phạm. Từ năm 2000 đến 2010, đơn vị được tặng 11 Bằng khen của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện chính sách hậu phương quân đội, tham gia phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, thành tích đột xuất đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đồn biên phòng Pha Long 12 năm liền đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, luôn dẫn đầu lực lượng biên phòng Lào Cai trong phong trào thi đua quyết thắng và thực hiện việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với bộ đội biên phòng"… Những kết quả đó đã góp phần đưa đơn vị lần thứ hai (năm 2012) được Nhà nước phong tặng đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong những ngày ở lại đơn vị, tôi còn được gặp đại úy, Đồn phó Mai Đức Thịnh. Thật bất ngờ vì người chiến sĩ trẻ, vóc dáng rắn rỏi, ít nói, gương mặt trầm tĩnh ấy là con trai của đồng chí Mai Khánh Thát, nguyên Đồn trưởng Đồn biên phòng Pha Long cách đây gần 40 năm.

Đại úy Thịnh chia sẻ: Pha Long bây giờ đang trên đường phát triển, cuộc sống của nhân dân ấm no hơn, tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, nhưng vẫn còn những đối tượng lóa mắt trước sức cám dỗ của đồng tiền mà lao vào con đường buôn bán, vận chuyển ma túy trái phép.

Có những kẻ lại là chủ mưu buôn bán phụ nữ, trẻ em sang bên kia biên giới gây ra bất hạnh cho bao phận đời. Cuộc đấu tranh chống lại hoạt động tội phạm của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pha Long vẫn diễn ra âm thầm, quyết liệt hằng ngày, hằng giờ.

Cũng theo đại úy Thịnh, trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số như Pha Long, quan trọng nhất là phải thực hiện tốt "ba bám, bốn cùng", tuyên truyền để nhân dân hiểu và chấp hành pháp luật, nâng cao cảnh giác với các loại tội phạm. Ngoài ra, phải xây dựng lòng tin trong nhân dân, vì khi nhân dân tin tưởng, cung cấp nguồn tin chính xác thì mới phá án hiệu quả…

Trở lại câu chuyện với thượng úy Phạm Chí Công, hôm ấy anh dẫn tôi đến thăm gia đình chị V.T.M ở xã Tả Ngài Chồ, người đã được các anh giải cứu khỏi tay bọn buôn người, trở về đoàn tụ cùng gia đình hai năm nay. Bên bếp lửa gia đình ấm cúng, chị M cùng chồng nghẹn ngào nói lời cảm ơn các chiến sĩ biên phòng Pha Long. Bếp lửa trong gian nhà trình tường vẫn cháy rừng rực, còn ngoài trời sương mù đã phủ xuống dày đặc khắp nơi - vùng cao Pha Long trở lại mát mẻ giữa ngày hè…

Theo Hoàng Giáp
Báo Lào Cai

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG