Muối vẫn còn mặn

Muối vẫn còn mặn
TP- Đọc báo Tiền phong Xuân Mậu Tý, bài Muối của tuổi thanh xuân, anh Bùi Minh Quốc viết về tiểu đoàn 14 – Đơn vị hậu cần của Khu bộ Khu V trong thời kháng chiến, làm nhiệm vụ tiếp nhận, thu mua, vận chuyển và cung cấp lương thực, thực phẩm, văn phòng phẩm  và các nhu yếu phẩm khác cho toàn bộ bộ máy lãnh đạo của các cơ quan Khu V.

Tôi xin được nói thêm: Tiểu đoàn 14 có 5C quân số lúc đông nhất gần 500 người, có 105 liệt sĩ, hơn 120 thương binh, phần lớn anh em có quê ở đủ 5 tỉnh Trung Bộ từ Quảng Nam, Đà Nẵng đến Khánh Hòa và có hơn 150 đồng chí quê ở các tỉnh phía Bắc chi viện vào Nam.

Anh Bùi Minh Quốc đã nhiều lần đến và tiếp xúc với anh em 14. Trong bài viết là lần tiếp xúc 1970 với các cô gái C1 và C3 tại rừng nứa cạnh suối nước Nghêu thuộc xã Trà Nam, huyện Trà My hiện nay. Lúc đó tôi là Phó Bí thư Đoàn TN của Tiểu đoàn 14 phụ trách Văn - Thể.

Nhân dịp Xuân Mậu Tý 2008, chúng tôi họp mặt một số anh em ở Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam, đọc cho nhau nghe bài báo của anh Quốc. Đây là lần đầu tiên sau hòa bình chúng tôi được đọc lại tên anh, tưởng chừng như “sông dài cá lội biệt tăm…”

Thật bồi hồi xúc động, những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến ở chiến trường Khu V (1969 – 1972), “Đôi mắt…” “Người đi dép một chân” “Mẹ vẫn đào hầm”… và bây giờ gần 40 năm chờ đợi, anh lại về với chúng tôi. Như thế là Muối vẫn còn mặn, gừng vẫn còn thơm.

Chúng tôi rất mừng, vẫn dòng văn sâu sắc chân tình, dù cho có “Xa nhau ai xẻ nửa vầng trăng, ai qua cầu cởi áo” vẫn “Sâu nặng ân tình là điệu lý thương nhau”.

Đi qua chiến tranh chúng ta phải chịu biết bao nhiêu nỗi đau, “Cả bao nỗi éo le cay đắng” nhưng mắt anh vẫn còn “Nhìn rất thẳng” đó là điều chúng tôi mừng lắm – chúng tôi hiểu thiệt thòi vì cấp hành chính Khu không còn nên việc xét đề nghị tuyên dương công trạng cấp quốc gia cho đơn vị 14 không thực hiện được sau 1975 - Bây giờ đọc “Muối của tuổi thanh xuân” đó là nguồn an ủi chúng tôi những ngày còn lại.

Bây giờ, nói về quá khứ xa xôi trong thời kinh tế hội nhập tưởng chừng như lạc lõng, lớp trẻ có khi không hình dung hết.

Nhưng làm sao để hiểu và không được quên quá khứ đồng thời chuyển quá khứ vào tương lai theo liều lượng, điều độ cần thiết là một việc rất cần.

Hoàng Minh Trương
(Khối 5 An Sơn TP Tam Kỳ, QN)

MỚI - NÓNG