Nhìn lại việc Đoàn “cởi trói” cho thanh niên

Phong trào tình nguyện giúp rèn luyện đoàn viên thanh niên Ảnh: T.L
Phong trào tình nguyện giúp rèn luyện đoàn viên thanh niên Ảnh: T.L
TP - Năm 1988, tại Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ 2 (Khóa V) tổ chức tại Vũng Tàu đã biểu quyết thông qua việc bỏ quy định bắt buộc phải là đoàn viên mới được thi đại học, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn khóa V Hà Quang Dự trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong.

> Nhiều hoạt động thiết thực hè tình nguyện 2012

Ông chia sẻ: Đi học, lao động, có chỗ ở là những quyền cơ bản của con người, đặc biệt là với tuổi trẻ. Học tập là một trong những quyền quan trọng, tạo điều kiện để tuổi trẻ vươn lên, lập nghiệp.

Những năm tháng còn chiến tranh, trong công cuộc tái thiết đất nước, T.Ư Đoàn ban hành quy định đó nhằm góp phần động viên học sinh phấn đấu vào Đoàn, cùng Đoàn tham gia những phong trào lớn của đất nước...

Lập luận của Ban Thường vụ T.Ư Đoàn rất đơn giản, Đoàn Thanh niên là tổ chức của TN, đã đến lúc phải cởi mở hơn, trả lại các quyền cơ bản cho TN. Vào Đoàn phải hoàn toàn dựa trên tinh thần tình nguyện.

Thời điểm đó, dư luận về vấn đề này thế nào và T.Ư Đoàn có thăm dò ý kiến xã hội không, thưa ông?

Trước đó, ý kiến các vùng miền nêu vấn đề: Không nên áp dụng tiêu chuẩn chính trị vào việc thi đại học. Vì thế, trước Hội nghị Ban Thường vụ, Ban Bí thư T.Ư Đoàn tổ chức 2 hội nghị gặp gỡ và lắng nghe ý kiến của phụ huynh học sinh tại Hà Nội và TPHCM xoay quanh vấn đề động viên con họ vào Đoàn và tham gia sinh hoạt Đoàn.

Qua đó nắm tâm tư, nguyện vọng của các gia đình về công tác Đoàn gián tiếp liên quan quy định nói trên. Tại cả 2 buổi lấy ý kiến, hầu hết các phụ huynh đều đề xuất bỏ quy định đó.

Dư luận cho rằng việc bỏ quy định trên đáng lẽ phải thực hiện sớm hơn nhưng tại sao đến năm 1988, T.Ư Đoàn mới đề xuất?

Quy định đó do T.Ư Đoàn thời kỳ trước đặt ra vì yêu cầu của lịch sử. Tuy nhiên, vấn đề không phải đến năm 1988, mà từ những nhiệm kỳ trước, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Đặng Quốc Bảo (Khoá III. IV); Vũ Mão (khoá IV) đã đề cập vấn đề này nhưng chưa đưa ra bàn vì thời điểm đó chưa chín muồi, sẽ vấp phải trở ngại từ nhiều phía. Lãnh đạo T.Ư Đoàn tiền nhiệm và tôi đã trao đổi với nhau nhiều lần nhưng xác định chưa thể thực hiện được.

Năm 1988, tôi nhận thấy là thời điểm chín muồi, sức ép của dư luận tạo điều kiện tốt để Đoàn thực hiện việc cởi trói cho TN.

T.Ư Đoàn làm đúng

Rõ ràng việc bỏ quy định sẽ ảnh hưởng số lượng đoàn viên. Việc chủ trì hội nghị bỏ quy định quan trọng ấy có khó khăn không, thưa ông?

Hội nghị Ban Thường vụ thảo luận, nhất trí cao với 100% số phiếu tán thành bỏ quy định nói trên.

Ngày đó, tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo một số cơ quan của Đảng, Chính phủ. Các đại biểu đều nhất trí. Dư luận nói chung ủng hộ.

Nhưng sau có đồng chí trong Ban Bí thư T.Ư Đoàn đi công tác, bị cấp ủy, tổ chức Đoàn một số địa phương phản ứng. Một vài cá nhân, cơ quan của Đảng thời đó cũng có ý kiến.

Tôi được biết, thời gian đó Văn phòng T.Ư Đảng có đưa nội dung Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần 2, khoá V vào trong báo cáo tình hình tổng thể gửi Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng Nguyễn Văn Linh.

Tổng Bí thư viết bên cạnh nội dung liên quan đến Đoàn: T.Ư Đoàn làm đúng. Trong năm 1988, Bộ GD&ĐT chấp thuận đề xuất của T.Ư Đoàn.

Cám ơn ông.

Nhìn lại việc Đoàn “cởi trói” cho thanh niên ảnh 1
 

“Cùng thời gian đó, T.Ư Đoàn phát động thêm nhiều phong trào như: Lao động sản xuất kinh doanh giỏi, thanh niên làm giàu, cuộc thi Bí thư chi đoàn giỏi... góp phần đổi mới tích cực các hoạt động.

Lúc đó, với những tiêu chí khắt khe, nhiều TN tốt không được kết nạp Đoàn, lỡ mất cơ hội được theo học. Việc “cởi trói”, tháo gỡ vướng mắc này tạo niềm tin, gắn bó của Đoàn với TN hơn. Đoàn không thể tập hợp TN bằng cách bắt buộc, gượng ép”.

Phương Hiếu
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG