Phải chăng “im lặng là vàng”?

Phải chăng “im lặng là vàng”?
TP - Do đặc thù công việc nên tôi thường được tín nhiệm làm thư ký của khá nhiều cuộc họp Đoàn. Có một thực tế là trong những cuộc họp, các biên bản hội nghị luôn được tôi cố gắng… viết dài ra vì dường như hội nghị nào cũng giống nhau ở một điểm: Mọi người rất ít phát biểu ý kiến.

Riêng ý kiến phát biểu để xây dựng nghị quyết lại càng hiếm hơn khi nội dung cuộc họp đề cập đến việc đóng góp phê bình cho đồng chí đồng đội, đóng góp để xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức, đoàn thể mình…

Không ít người dự họp có chung tâm lý ngại “va chạm” hoặc “im lặng là vàng”… Có người tham dự đầy đủ các cuộc họp từ đầu đến cuối nhiệm kỳ nhưng chỉ chờ một, hai người có ý kiến, chờ chủ tọa kết luận xong là… biểu quyết theo.

Làm như vậy vì cá nhân những đoàn viên ấy quan niệm việc “thu mình” trong “vỏ bọc im lặng” sẽ có chỉ số “an toàn” cao hơn, và như thế cũng chẳng sợ mếch lòng ai (!).

Điều đáng bàn là thái độ ấy vẫn được “phát huy” ngay cả trong những cuộc họp đề cập tới vấn đề nhân sự, khen thưởng… những cuộc họp rất cần sự đóng góp của trí tuệ tập thể bởi đó không phải (và không thể) là việc riêng của Ban chấp hành hay của những người làm công tác nhân sự.

Chỉ đến khi cuộc họp kết thúc, có những quyết định hoặc ý kiến đụng chạm đến quyền lợi của cá nhân thì bản thân những “người trầm lặng” ấy mới có ý kiến… ngoài lề, xem ra khi ấy tiếng nói của họ còn có phần “sôi nổi”, “hào hứng” hơn trong cuộc họp… Tiếc rằng, đấy chỉ còn là những lời than thở, những câu thắc mắc không còn tính đấu tranh.

Với hội chứng biểu quyết theo… chủ toạ, “nhất trí” theo… người vừa phát biểu, không ít đoàn viên thanh niên đã đánh mất quyền phát huy dân chủ và tự biến mình trở thành những người không có chính kiến trong các cuộc họp, các buổi sinh hoạt, hơn thế nữa họ cũng làm mất tinh thần phê bình và tự phê bình - một thứ vũ khí sắc bén làm tăng sức mạnh của tổ chức Đoàn.

MỚI - NÓNG