Sôi động “Hành trình 30/4”

Sôi động “Hành trình 30/4”
Trụ sở UBND quận Tây Hồ (657 Lạc Long Quân)  tối 6/4 sôi động và nhiều lúc muốn vỡ oà bởi sự cổ động nhiệt tình của các cổ động viên cho cả 3 đội chơi...

Gần 500 ĐVTN đến từ 3 đơn vị: Tổng cục Chính trị, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và Quận Đoàn Tây Hồ (Hà Nội) đã cùng chia vui trong bữa “đại tiệc” về kiến thức lịch sử đại thắng mùa Xuân 1975, thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc thi “Hành trình 30/4”.

ý tưởng lớn gặp nhau

Làm thế nào để thanh niên (TN) hiểu hơn và ghi nhớ về lịch sử, về đại thắng mùa Xuân năm 1975 và cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là băn khoăn của 3 thủ lĩnh TN của tổ chức Đoàn ở Tổng cục Chính trị, ĐH KHXH&NV và Quận Đoàn Tây Hồ. Những “ý tưởng lớn” gặp nhau và họ đã cất công chuẩn bị thật công phu cả tháng trời cho cuộc đua tranh thể hiện sự hiểu biết, lòng say mê của TN đơn vị mình. Theo anh Trần Đức Hoà-Bí thư Quận Đoàn Tây Hồ, đơn vị đăng cai, Ban tổ chức đã mời 5 tiến sĩ là các nhà khoa học đang công tác, nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Hà Nội làm cố vấn đồng thời làm Ban giáo khảo cho cuộc thi.

Nỗ lực có một “chiến dịch Hồ Chí Minh” cho riêng mình

Hành trình 30/4 là một cuộc thi sinh động, sáng tạo giữa 3 đội với 4 phần: Chào hỏi bằng các hình thức hát, kịch giới thiệu về đội chơi (không tính điểm); Phần thi thứ nhất “Chiếc hộp may mắn” với 10 câu hỏi cho mỗi đội nhằm tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; Theo dấu chân lịch sử là phần thi được đánh giá sôi động nhất khi các đội giành quyền trả lời về các sự kiện cách mạng Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Mỹ 1954- 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bằng hình thức bấm chuông. Phần thi hùng biện với các chủ đề khá phong phú được thể hiện bởi một cá nhân do các đội chơi lựa chọn.

Đồng thời, các đội chơi và khán giả còn được giao lưu trực tiếp với các nhân chứng lịch sử như Đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Mã Lương-Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Đại tá Phùng Bá Nam- một trong những người bắt Tổng thống Dương Văn Minh và soạn lời đầu hàng cho vị Tổng thống cuối cùng của chính quyền ngụy Sài Gòn trưa ngày 30/4, Đại tá, họa sĩ Lê Duy ứng, người vẽ chân dung Bác Hồ bằng máu từ mắt khi bị thương…

ở 2 vòng thi đầu, các đội bám đuổi nhau từng điểm một, không có sự  chênh lệch kiến thức mà lý do bị ít điểm hơn là vì…chưa nhanh tay bấm chuông. Sự phân chia ngôi thứ chỉ được quyết định bởi phần thi hùng biện, thể hiện tài năng và kiến thức của người đại diện cho đội chơi. Là thí sinh ít tuổi nhất trong cuộc thi, Nguyễn Thái Hạnh Liên- Bí thư chi đoàn 11 Văn (Trường PTTH Chu Văn An- Tây Hồ) thật chững chạc khi thể hiện phần hùng biện tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh với chiến thắng 30/4 trước sự khâm phục của các bậc đàn anh, đàn chị.

Mặc dù mới 17 tuổi, nhưng sự nhìn nhận của Hạnh Liên về vai trò, trách nhiệm của thanh niên với xã hội khá toàn diện và vững vàng. Liên khẳng định lời tâm nguyện từ trái tim cô: “Thanh niên phải lấy trí tuệ làm ý chí vươn lên, nỗ lực phấn đấu để ai cũng có 1 “chiến dịch Hồ Chí Minh” cho riêng mình”, làm một điều gì đó có ý nghĩa trong cuộc đời. Tuy nhiên, bài hùng biện “Bác Hồ với sự nghiệp giải phóng miền Nam” vừa xúc động lại mạnh mẽ của Nguyễn Thanh Mỹ (chi đoàn 47 Lịch sử) có sức thuyết phục hơn và ghi điểm cách biệt đã mang lại chiến thắng chung cuộc cho ĐH KHXH&NV (101 điểm, giải nhất) và 2 đội Quận Đoàn Tây Hồ, Thanh niên Tổng cục Chính trị đồng giải nhì với 99,5 điểm.

MỚI - NÓNG