“Thép đã tôi thế đấy!”

“Thép đã tôi thế đấy!”
“Thép đã tôi thế đấy!” là tác phẩm của nhà văn Nga Nicolai Ostrovsky. Nhân vật chính là Pavel Corsaghin. Phương châm sống của Pavel trở thành kim chỉ nam của nhiều thế hệ thanh niên: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”. Tên tác phẩm đã trở thành khẩu hiệu của lớp Học kỳ quân đội (HKQĐ) của tỉnh.

“Thép đã tôi thế đấy!”

“Thép đã tôi thế đấy!” là tác phẩm của nhà văn Nga Nicolai Ostrovsky. Nhân vật chính là Pavel Corsaghin. Phương châm sống của Pavel trở thành kim chỉ nam của nhiều thế hệ thanh niên: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”. Tên tác phẩm đã trở thành khẩu hiệu của lớp Học kỳ quân đội (HKQĐ) của tỉnh.

Chiến sĩ nhỏ đọc thư cha mẹ gửi
Chiến sĩ nhỏ đọc thư cha mẹ gửi.
 

Bài học từ con lật đật

Con lật đật là một trò chơi thú vị với nhiều người. Dù bị xô ngả, đẩy nghiêng thế nào, nó cũng tự thăng bằng và ngồi thẳng. Các chiến sĩ nhỏ của lớp HKQĐ được dạy để có tinh thần vượt qua mọi thử thách, khó khăn của con lật đật. Dù trong hoàn cảnh nào cũng cố gắng vượt qua, “nước mắt không giải quyết được vấn đề, mà phải hành động”. Và dường như mục tiêu đó đã đạt được.

Trong buổi chiều cuối cùng tại lớp HKQĐ, nhiều em đã viết trên giấy bìa cứng: “HKQĐ đã giúp tôi trưởng thành và có trách nhiệm hơn”. Em Lê Thị Thúy Ngân cho biết: “Lớp HKQĐ là một gia đình biết yêu thương, đùm bọc nhau. Lớp học đã giúp chúng em trưởng thành rất nhiều, biết tự lập”.

Sau 10 ngày xa gia đình tham gia lớp HKQĐ, da các em đã rám lại. Vẻ mặn mòi đã làm các em trông rắn chắc hơn, khỏe mạnh hơn. Nắng, gió thao trường, kỷ luật quân đội, tình cảm tập thể đã giúp các em chiến thắng được bản thân mình.

Em Huỳnh Hoàng Sang, Tiểu đội 9, đã gây ấn tượng mạnh với lớp học bởi thân hình nhỏ bé nhưng mỗi bữa ăn đến 5 chén cơm. Tôi hỏi ăn nhiều như vậy, rồi cơm đi đâu hết hả em? Em chỉ tay vào người và nói: “Dạ, nằm trong người”. Nhưng câu chuyện về em Sang được lớp học nhắc đến nhiều nhất là việc em đã “ăn được thịt kho”. Hồi ở nhà em Sang chỉ biết ăn thịt nướng hoặc chiên. Hôm thứ hai của lớp HKQĐ, anh Nguyễn Quốc Liêm, Chỉ huy trưởng lớp học “buộc” em Sang phải ăn thịt kho. Anh Liêm lấy một miếng thịt lớn hơn đầu đũa để vào muỗng, lấy cơm đậy lên, rồi đưa em Sang ăn. Cầm muỗng cơm mà tay Sang run lẩy bẩy, mặt tái nhợt. Nhắm mắt, đút muỗng cơm vào miệng, em Sang ăn khó nhọc như người đau bao tử. Em Triệu Đức Trọng, tiểu đội 6, không ăn được thịt mỡ, phải nuốt trọng khi bị buộc phải ăn.

Em Sang và em Trọng đã được tuyên dương trước lớp trong đêm học hôm đó. Anh Nguyễn Hoàng Thoại, Chính trị viên lớp học cho biết: “Em Sang, em Trọng ăn được thịt kho, thịt mỡ là việc không lớn. Nhưng ý nghĩa lớn nhất là các em đã chiến thắng được bản thân mình, vượt lên chính mình”.

Trong lớp học này tôi được nghe kể thêm về trường hợp của em Dương Thượng Côn ở Tiểu đội 1. Anh chị quản lý lớp cho biết có thể em Côn mắc bệnh tự kỷ. Sang năm Côn vào lớp 9, song em ít nói, hạn chế giao tiếp với người khác và hầu như không biểu lộ cảm xúc. Anh Dương Việt Thùy, cha em Côn, cho biết: “Ở nhà Côn chỉ nói chuyện với cha, hiếm khi trò chuyện với mẹ”.

Vậy mà giờ đây Côn đã thay đổi nhiều. Gặp người lớn em biết cúi đầu chào. Dù vẫn ít nói, nhưng hay cười hơn. Côn đã biết viết thư gửi cha mẹ, dù 2 lá thư của em chỉ vỏn vẹn 14 chữ. Mở đầu 2 lá thư đều có dòng chữ: “Con: Dương Thượng Côn”. Lá thư Côn viết là thư ngắn nhất của lớp HKQĐ, nhưng tôi thấy trong ánh mắt của anh Thùy vẫn ánh lên niềm vui.

Phát biểu tại lễ tổng kết lớp HKQĐ đầu tiên, chú Nguyễn Văn Út, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đã nói: “Trước khi vào lớp này học, một số cháu không biểu lộ cảm xúc, chia sẻ vui buồn. Nay đã biết yêu thương, chia sẻ”.

Thắng lợi lớn nhất của con người là chiến thắng bản thân mình. Lớp HKQĐ đã giúp nhiều em có được chiến thắng ấy.

Tập ngắm, bắn súng tiểu liên AK
Tập ngắm, bắn súng tiểu liên AK. Ảnh: N.Q
 

Hát cho yêu thương

Mười bài hát về tình cảm gia đình được các “chiến sĩ nhí” trình bày trong đêm văn nghệ “Hát cho yêu thương” vào đêm thứ ba của lớp HKQĐ. Xa nhà đã 3 ngày, tiếng hát của các em mang nhiều tâm trạng. Các em hát bằng tất cả trái tim. Tiếng hát vượt ra khỏi hội trường như muốn vang vọng đến bên cha mẹ của các em. Tiếng hát mang theo thông điệp “Cha mẹ ơi, con yêu cha mẹ nhiều lắm!”.

Tình cảm gia đình đang dâng trào trong tâm hồn của các chiến sĩ thì tất cả đèn điện phụt tắt, 100 em cầm 100 ngọn nến dần bước vào. “Ngồi gần, gần lại nhau hơn nữa. Tắt đèn, yên lặng, lắng lòng mình lại, nghĩ về cha mẹ”, anh Thoại, Chính trị viên lớp học yêu cầu. Vòng tròn của mỗi tiểu đội nhỏ lại. Bài hát “Nhật ký của mẹ” - một tuyệt phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung trỗi lên càng làm không khí lớp học thêm lắng đọng trong ánh nến lung linh.

Cuộc đời con người ta lạ lắm, càng lớn càng xa gia đình. Lúc bé, cha mẹ đưa đến trường mẫu giáo thì ôm chân cha, níu tay mẹ, bé không chịu vào lớp. Lên lớp một, vừa đến cổng trường, gặp bạn cười vui, nhảy tót vào trường mà quên câu chào cha mẹ con đi học. Và đây có thể là lần đầu tiên xa cha mẹ của các em. Vào đây - lớp HKQĐ, các em có bạn bè mới thêm vui. Anh Phạm Thành Hổ, Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam đang nói với các em về một phần cuộc đời của các em đã trải qua.

Có tiếng thút thít khóc đâu đó trong lớp học. Một chiến sĩ nữ lấy khăn giấy chấm vội lên má. Một học viên nam dáng nhỏ thó giấu khuôn mặt đang ngấn lệ vào vai một bạn ngồi bên cạnh. Ánh nến không đủ soi rõ khuôn mặt từng em, nhưng làm ánh lên những giọt lệ.

Anh Hổ tiếp tục kể với lớp một câu chuyện. Có một anh bạn sống vô tư, không hợp với mẹ mình. Nếu có điều kiện, anh bạn này sẽ đi khỏi nhà. Anh ta đi học, rồi đi làm. Thời gian về thăm nhà vơi đi. Khi nghe mẹ nói “Mẹ nhớ con lắm”, anh ta liền mua một con vẹt xanh, dạy nó nói: “Mẹ ơi, con đây này. Con thương mẹ lắm”. Anh bạn để con vẹt ở với mẹ, còn mình đi biền biệt 3 năm mới trở lại.

Cảnh quê, cảnh nhà vẫn như xưa, nhưng không thấy mẹ. Nhìn lên bàn thờ, anh thấy ảnh mẹ mình trên đó. Hàng xóm nói với anh: “Mẹ cậu mất 2 năm rồi. Trước khi mất bà ấy có dặn đừng báo cho cậu biết, vì cậu còn nhiều việc phải làm lắm!”. Con vẹt xanh mà anh mua năm nào kêu theo quán tính: “Về với mẹ đi con!”. Cái câu mà anh bạn dạy nó, nó đã quên, chỉ còn nhớ lời mẹ anh lặp lại mỗi ngày.

Kể đến đây, thì lớp học đã òa khóc. Những đôi vai bé nhỏ run lên, giọng nghèn nghẹn vì cảm xúc. Một cảm xúc rất thật, tự đáy lòng và lần đầu tiên có đối với các em. Chị Trần Thị Hồng Thắm, điều phối viên Tiểu đội 5 cũng gục đầu xuống đầu gối mà nức nở. Tôi kịp lấy tay bịt miệng mình để không nức lên thành tiếng.

Cái dễ có và đang có, chúng ta thường hay lơ là, xem nhẹ. Đến khi mất đi rồi, mới thấy tiếc, có hối cũng đã muộn. Tối đêm đó, thời gian như lắng đọng, tất cả như sống chậm lại để biết tình yêu thương là gì trong trái tim mình. Em Triệu Đức Trọng, Tiểu đội 6 bày tỏ: “Em thấy thương cha mẹ. Ở nhà, lắm lúc em hay cãi với cha mẹ vì chuyện điểm kém. Giờ ngẫm lại mới thấy mình sai!”. “Con mẹ vẫn bé như thiên thần. Thấy con khóc òa, mắt mẹ lệ nhòa”, bài hát “Nhật ký của mẹ” du dương như khắc sâu thêm cảm xúc.

Lời kết

Lớp HKQĐ đầu tiên của tỉnh đã khép lại. Buổi chia tay mấy khi không nước mắt, bịn rịn. Em Nguyễn Thanh Hòa, Tiểu đội 10 cho biết sẽ rất nhớ anh chị điều phối viên, tiểu đội trưởng. Còn bạn Dương Hải Duyên, điều phối viên Tiểu đội 10, chia sẻ: “Các em đã trưởng thành nhiều. Các em đã biết sống tự lập, không cần người lớn giúp đỡ”.

Thời gian sẽ dần xóa những kỹ năng, kỷ luật mà 100 chiến sĩ nhỏ được học trong 10 ngày qua. Nhưng kỷ niệm về lớp học, tôi tin rằng còn in đậm sâu trong tâm hồn của những em tuổi “mực tím, ô mai” này.

Theo Nguyễn Quốc
Báo Bạc Liêu

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG