Trụ sở tiếp dân… tại gia!

Trụ sở tiếp dân… tại gia!
TP - Chuyến tàu đêm từ Hà Nội lên đến ga Lào Cai lúc 5 giờ sáng. Đoàn cán bộ của T.Ư Đoàn lên dự một hội nghị được tổ chức ở Sa Pa đứng chờ người ra đón.

Anh Nguyễn Lam, Bí thư T.Ư Đoàn nói với  anh An Đình Doanh (Trưởng ban Thanh niên Nông thôn T.Ư Đoàn): “Anh gọi cho Nga hay Vần đi!” (Chị Hà Thị Nga, Bí thư và anh Giàng Seo Vần, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai – PV). Anh Doanh chắc chắn: “Chỉ cần gọi cho Nga thôi vì cô ấy đang ở nhà Vần rồi!”.

Cũng lạ, cớ sao chị Nga không đi thẳng từ nhà ra ga mà lại tới nhà anh Vần từ sáng sớm thế nhỉ? Tôi mang thắc mắc của mình lên xe khi đã xong màn bắt tay chào hỏi từng người.

Chị Nga bật cười: “Chà, đấy câu chuyện thú vị về ngôi nhà nho nhỏ của anh Vần đấy! Và tôi cũng chỉ là một trong rất nhiều vị khách xuất hiện vào những giờ chẳng ai có thể đoán trước như thế. Nhà anh Vần là...trụ sở tiếp dân mà!”.

Anh Vần là người dân tộc Mông. Chính vì thế, mỗi lần nhắc tới cái họ, tên lót hay tên gọi của anh, đồng bào Mông ở khắp các bản làng đều nhắn với nhau: “Người nhà mình mà!”.

Thế là, hễ có công việc gì “xuống phố” như đưa con đi học trường tỉnh, đưa người nhà đi bệnh viện cấp cứu, khám bệnh, điều trị... bất kể thời gian gấp hay ở lại lâu dài, người Mông trên khắp rẻo cao Lào Cai đều...gõ cửa nhà anh Vần!

Anh Vần bảo: “Mình lo được chỗ ăn, nghỉ khi bà con lần đầu tiên từ trên núi xuống, sau đấy hướng dẫn họ làm các thủ tục, xong việc mới thấy yên tâm”.

Vậy là, những lúc anh đi làm hoặc công tác xa, bố mẹ, vợ con anh cũng trở thành người hướng dẫn, chỉ bảo tận tình cho bà con lần đầu tiên gặp nhau nhưng vốn là... “người nhà mình cả”!

Nhà anh chật hơn vì sắm thêm chăn màn, khăn mũ cùng nhiều đồ vật sinh hoạt khác dành cho khách... nhưng bù lại lúc nào cũng đầy ắp sự ấm áp, tin yêu của những tấm lòng.

Chính vì tiếp khách nhiều nên cái tên “Giàng Seo Vần” của anh nổi tiếng khắp tỉnh! Không chỉ thế, gia đình anh ai cũng phải đọc nhiều thông tin hơn về pháp luật, các chính sách của Đảng, Nhà nước để có thể giải thích những thắc mắc của bà con.

“Người Mông mình chưa hiểu điều gì, có thể đi bộ vài ngày để hỏi han cho thấu. Khi đã yên cái bụng, họ vui vẻ trở về bản tuyên truyền cho nhiều người và chăm chỉ làm ăn” – Anh Vần nói.    

Anh Vần người thấp đậm, ít nói nhưng hợp chuyện thì rủ rỉ cả ngày được. Khi mới quen, hỏi gì anh cũng chỉ cười rồi nhường phần trả lời cho các đồng nghiệp.

Cái tính chất phác, hồn hậu cùng với giọng nói còn “giữ được” ngữ điệu của người Mông nơi anh cán bộ Đoàn vùng cao này khiến ai nấy đều tin yêu. 17 năm gắn bó với Đoàn cũng là khoảng thời gian ngôi nhà nhỏ nằm khiêm tốn trên một con phố rợp bóng cây cách trụ sở Tỉnh Đoàn vài trăm mét của gia đình anh Vần đã trở thành… trụ sở tiếp dân như thế!

Anh Vần bảo, bà con dân tộc mình thật thà nhưng cũng tinh ý lắm, vì thế chỉ có sự thật thà, nhiệt tình mới có thể thuyết phục được họ thôi. Nếu chỉ một lần mình lảng tránh, tin xấu truyền đi rất nhanh và sẽ không còn ai đến tìm gặp mình nữa…  

MỚI - NÓNG