Tuyển nữ xạ thủ Việt Nam chuẩn bị tham dự AARM 18:

Từ đấu trường Miếu Môn đến cuộc so tài ở Philippines

Từ đấu trường Miếu Môn đến cuộc so tài ở Philippines
TP- Bốn nữ xạ thủ vóc người nhỏ nhắn mà vác bay hai khẩu đại liên to đùng, họ ép thành từng cặp lao lên ụ bắn ngay sau tiếng còi lệnh. Trong nháy mắt, mấy mục tiêu nhỏ xíu bằng bàn tay cách xa vài trăm mét đã bị tiêu diệt.
Từ đấu trường Miếu Môn đến cuộc so tài ở Philippines ảnh 1
Tuyển nữ xạ thủ súng ngắn Việt Nam “mơ” đoạt thứ hạng cao ở AARM 18 Philippines sắp tới

Tiếng vỗ tay cổ động của gần 1.500 người lính đến từ toàn quân tụ về trường bắn Miếu Môn (Mỹ Đức, Hà Nội) rầm rầm vang lên tán thưởng.

Nhưng với 4 cô gái trẻ, thành tích đó dường như còn quá nhỏ nhoi trên chặng đường đến với Hội thi bắn súng quân đội các nước ASEAN ở Philippines (AARM 18) sắp tới.

Cô gái Trần Thị Ngọc (sinh 1984, quê Từ Sơn, Bắc Ninh) bước vào đời lính thật đơn giản. Mê thể thao, thích theo chân anh trai đi bắn chim bằng súng hơi, khoái mấy anh to cao chạy nhanh ở trong trường Đại học TDTT gần nhà, Ngọc gia nhập đội dân quân tự vệ xã, rồi nộp đơn xin đi dự tuyển môn bắn súng.

Ba tháng ôm súng miệt mài cùng bộ đội say lử nắng trên bãi tập, cô chính thức được ghi tên vào danh sách ít ỏi của những xạ thủ nữ quân đội. Và cô nhanh chóng trở thành xạ thủ xuất sắc môn súng K54 bắn nhanh. Ngay từ AARM cuối năm 2004, Ngọc đầu quân đi Bruney so tài.

Mặc dù chỉ đoạt HCĐ tập thể môn súng ngắn, nhưng thành tích này đã khiến xạ thủ toàn quân ngưỡng mộ, còn lãnh đạo Bộ Quốc phòng càng khẳng định việc thành lập tuyển súng ngắn nữ là đúng đắn.

Tuy nhiên, cô gái xinh xắn này chẳng hài lòng. “Tiếp tục thi đấu tại AARM 16, rồi 17 và cả 18 sắp tới, tụi em biết hãy còn bị Thái Lan, Philippines, Myanmar bỏ xa. Thể lực và tâm lý thi đấu của vận động viên ta còn nhiều hạn chế. Giá như có phép màu để em biến thành to cao như những cô gái nước bạn...”- Ngọc tâm sự.

Cũng là một thí sinh tự do khi nộp đơn tới Trung tâm huấn luyện quân sự Miếu Môn, Đinh Thanh Loan (sinh 1987, quê Ninh Bình) tỏ ra “ngơ ngác” khi được bố và anh trai (cũng là bộ đội) kể chuyện bắn súng. Thế rồi cô xuất sắc trúng tuyển và đi du đấu từ Bruney đến Thái Lan và dĩ nhiên không thể thiếu mặt tại Philippines cuối năm nay.

Nhỏ nhẹ, ít nói và... chưa có bạn trai, Loan ngượng ngùng trước mọi câu hỏi của nhà báo. Vậy mà không ai có thể tưởng tượng khi nãy cô xách khẩu đại liên to tướng chạy vèo vèo. “Vậy Loan thích gì?”- Tôi hỏi. “Bắn trúng đích! Em không muốn thua!”, câu trả lời duy nhất của nữ xạ thủ có nước da hơi ngăm, ngón tay nhỏ xinh vỗ vào khẩu K54 bên eo.

Những bài tập để theo kịp trình độ bắn súng quân đội các nước ASEAN ngày càng phức tạp và cực khó. Với môn bắn súng ngắn nữ lại càng khó. Xạ thủ phải di chuyển nhanh, thao tác vũ khí phải vô cùng mau lẹ, bia ẩn hiện chỉ vài giây, số đạn cho phép cũng chỉ vài viên.

Một chút tâm lý thi đấu chệch choạc đã đủ tự loại mình khỏi cuộc chơi. Đại uý Lê Văn Dũng, HLV đội tuyển bắn súng nữ, phải thừa nhận việc “đấu” với mấy cô gái là gánh nặng mà không phải HLV nào cũng muốn thử sức.

Mỗi ngày “quần” từ 7 giờ sáng đến 4 giờ 30 chiều, một thoáng nghỉ trưa chỉ đủ dưỡng chút năng lượng. Tháng nâng cao cho giai đoạn nước rút, thầy trò chỉ được nghỉ 2 ngày. Không phát ốm mới là chuyện lạ. Con gái thì đủ thứ “phiền”, kỷ luật thép nhưng lại phải mềm tâm lý.

Hội thi bắn súng quân dụng nâng cao toàn quân lần thứ 2 diễn ra ở Miếu Môn từ 27/10 - 1/11/2008 sẽ là cơ hội để phát hiện, tuyển chọn nhân lực xuất sắc từ quân đội vào đội tuyển xạ thủ đi du đấu AARM. Hy vọng trong số gần 1.500 xạ thủ đến từ toàn quân lần này, sẽ có nhiều tay súng “đẳng cấp” để sẵn sàng chinh phạt thách thức mới ở những cuộc so tài AARM tương lai.

Nhưng đấu trường AARM đâu có chỗ cho những người lười biếng. Phạm Thị Hà (sinh 1985, quê Quốc Oai, Hà Nội) lên xe hoa mới được vài ngày đã trở lại Miếu Môn luyện tập để quyết đoạt huy chương ở Philippines năm nay.

Ngót nghét dăm lần vác súng đi khắp Đông Nam Á, chưa đoạt đến tấm HCV vinh quang, Hà không chịu được. “Con gái Việt Nam sẽ chứng tỏ đẳng cấp! Điều kiện của trường đấu Miếu Môn đã ngang tầm cỡ khu vực, lẽ nào tụi em thua mãi”- Hà thể hiện quyết tâm.

Những năm gần đây, một trong những thách thức của chúng ta trong giải bắn súng quân đội ASEAN là vấn đề vũ khí. Trong khi nhiều nước bạn đã kịp đổi “hàng” nhập về từ Mỹ, Bỉ, Séc... thì chúng ta hãy còn đì đẹt với khẩu K54 cũ.

Mặc dù Trường bắn Miếu Môn được coi là trung tâm quân sự hiện đại bậc nhất nhì khu vực, nhưng điều đó chưa nói lên gì trong cuộc chạy đua đoạt huy chương.

Mới đây, Bộ Quốc phòng đã cho phép mua về những khẩu súng mới khá hiện đại, nhưng các nước bạn đã lại đi trước một bước khi trang bị loại mới hơn, tính năng ưu việt gấp nhiều lần, đặc biệt nhẹ, ít rung và rất chính xác.  

MỚI - NÓNG