Tương lai nào cho những cán bộ Đoàn ngoài biên chế?

Tương lai nào cho những cán bộ Đoàn ngoài biên chế?
TP - Ngay tại Thủ đô Hà Nội, nhiều người đã có tới gần chục năm làm cán bộ Đoàn chủ chốt tại cơ sở mà vẫn chưa được tuyển vào biên chế. Tại quận Ba Đình, 100% Bí thư Đoàn phường chuyên trách hiện vẫn ở diện chờ...biên chế.
Tương lai nào cho những cán bộ Đoàn ngoài biên chế? ảnh 1
Hoạt động sôi nổi của phong trào hiến máu nhân đạo trong học sinh - sinh viên Hà Nội có nhiều đóng góp của cán bộ Đoàn diện hợp đồng

Nụ cười trên môi vụt tắt, Hoàng Thị Minh Thu - nữ Bí thư Đoàn phường nhiều năm lăn lộn với phong trào tại một địa bàn có tiếng phức tạp về tệ nạn xã hội là phường Phúc Xá quận Ba Đình - như chùng người lại khi tôi hỏi về chuyện biên chế của chị.

Mắt nhòe lệ, vừa gắng lấy lại bình tĩnh, chị vừa gắng kể với tôi về những ngày vất vả, khốn khó vì ở ngoài biên chế. Tham gia Ban chấp hành Đoàn phường Phúc Xá từ năm 1993, đến năm 1997, chị Thu được tín nhiệm bầu làm Phó bí thư Đoàn phường chuyên trách công tác Đoàn (đảm nhận công việc như bí thư Đoàn phường) nhưng không được hưởng lương. Đến tháng 5/1998, chị Thu mới được hưởng mức phụ cấp 240.000 đồng/tháng.

Tháng 5/2000, chị Thu được bầu làm Bí thư Đoàn phường hưởng trợ cấp cũng chỉ 360.000 đồng/tháng. Công việc của Bí thư Đoàn phường nhiều khi chẳng khác gì “đầu sai” của lãnh đạo phường, việc gì ở phường cũng phải tham gia, từ phôtôcopy, đánh máy, đưa giấy mời, múa hát...

“Vất vả nhất là cuối năm 1996, tôi sinh cháu đầu lòng mà không được hưởng chế độ thai sản, đồng lương bộ đội của chồng cũng rất eo hẹp. Trong khi đó, hoạt động phong trào tại cơ sở thì ngày càng nhiều thêm. Ngay khi bụng mang dạ chửa tôi vẫn không quản ngày đêm tham gia các hoạt động thanh niên, vẫn theo học hệ tại chức ĐH Luật Hà Nội”- Chị Thu bầy tỏ.

Cho đến tháng 10/2004, chị Thu mới được ký hợp đồng lao động, nhưng hai chữ “biên chế” dường như vẫn còn quá vời xa với chị!

Không biên chế: Tương lai nào?

Chị Thu là một trong nhiều trường hợp cán bộ Đoàn cơ sở phải chịu nhiều thiệt thòi do không được vào biên chế.

Theo anh Nguyễn Xuân Trọng - Bí thư Quận Đoàn Ba Đình, hiện cơ quan Quận Đoàn có 2/12 cán bộ chuyên trách là bí thư và phó bí thư đã được vào biên chế, còn lại có tới 10 vẫn diện hợp đồng.

Trong đó, có trường hợp đã ký hợp đồng từ năm 2000 đến nay vẫn chưa được vào biên chế. Cả 14/14 bí thư Đoàn phường thuộc quận Ba Đình vẫn diện hợp đồng.

Tại huyện Từ Liêm, tình hình cũng không mấy sáng sủa hơn khi còn đến 2 cán bộ đã làm việc tại cơ quan huyện Đoàn từ 8-9 năm rồi vẫn chưa được tuyển vào biên chế.

Đáng chú ý, theo quy định của Nhà nước thì biên chế cấp Huyện Đoàn được tối đa là 10, nhưng hiện tại cơ quan Huyện Đoàn Từ Liêm chỉ vỏn vẹn có 2 biên chế là Bí thư và Phó bí thư.

Anh Nguyễn Xuân Ứng - Bí thư huyện Đoàn Từ Liêm cho biết, mặc dù những cán bộ diện hợp đồng vẫn được tạo điều kiện phát triển như phát triển Đảng, được khen thưởng khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được giao quyền giải quyết một số công việc... nhưng anh Ứng cũng thừa nhận là nếu chưa phải công chức Nhà nước thì chưa thể đưa vào diện quy hoạch lãnh đạo chủ chốt như Bí thư, Phó Bí thư huyện Đoàn.

Bí thư Quận Đoàn Ba Đình Nguyễn Xuân Trọng bức xúc: Cơ quan nào trả lương thì nên đứng ra ký hợp đồng, tránh việc Bí thư Đoàn phường do Quận ủy ký hợp đồng nhưng lại hưởng lương theo UBND phường.

Theo quy định của Chính phủ, Bí thư Đoàn cấp phường, xã là một trong những chức danh công chức cấp xã phường nhưng thực tế thì 100% Bí thư Đoàn phường của quận Ba Đình vẫn thuộc diện hợp đồng.

“Thương anh em nhưng tôi cũng bó tay vì cấp ủy mới có quyền quyết định tuyển chọn công chức cho Đoàn. Đoàn chỉ biết gửi hồ sơ đề nghị Quận ủy rồi quận lại trình hồ sơ lên Thành ủy xem xét quyết định.

Tôi đề nghị thành phố cần tăng cường biên chế cho tổ chức Đoàn, tổ chức nhiều hơn các kỳ thi tuyển công chức. Tháo gỡ kịp thời vấn đề này mới đáp ứng được yêu cầu phát triển rất nhanh của tổ chức Đoàn”-Anh Nguyễn Xuân Ứng nhấn mạnh.

Mặt khác, anh Đoàn Thu Hà - Trưởng Ban Tổ chức Thành Đoàn cũng lưu ý: Mỗi cán bộ diện hợp đồng và mỗi tổ chức Đoàn cơ sở như Đoàn phường, Huyện Đoàn phải liên tục tự trang bị đủ kiến thức và các điều kiện để sẵn sàng tham gia các kỳ thi tuyển công chức. Đây cũng là cơ sở để tìm “đầu ra” cho cán bộ Đoàn.    

Anh Bùi Văn Cường-Bí thư T.Ư Đoàn: Để xảy ra tình trạng nhiều cán bộ trong cơ quan chuyên trách của Đoàn chậm vào biên chế trách nhiệm đầu tiên thuộc về bản thân người cán bộ đó (như phải đáp ứng yêu cầu về năng lực, trình độ, bằng cấp).

Bên cạnh đó, cấp ủy và tổ chức Đoàn phải kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cán bộ về lương, về thi tuyển công chức và các điều kiện khác. Dù là cán bộ diện hợp đồng nhưng nếu là người giàu tâm huyết với phong trào, đáp ứng được các điều kiện tuyển chọn công chức thì tổ chức Đoàn cần sớm phát hiện, bồi dưỡng và tạo mọi điều kiện phát triển.

Số lượng biên chế dành cho Đoàn cũng cần được cấp ủy quan tâm hơn, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về công tác cán bộ. Về lâu dài phải sớm có cơ chế làm sao huy động tối đa các nguồn lực xã hội phát triển tổ chức Đoàn, không làm bộ máy Nhà nước trở nên nặng nề, cồng kềnh mà vẫn đảm bảo quyền lợi chính đáng cho những cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình...

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.