Bệnh lo nghĩ

Bệnh lo nghĩ
Thông thường ai cũng nói: “Nếu không tính toán cho tương lai, mình đâu phải là con người.”. Hay “Đã làm người thì phải tính toán cho tương lai.” Ai cũng nghĩ như vậy và ai cũng tin việc đó là đúng!

Hãy thận trọng với suy nghĩ về tương lai và suy nghĩ rằng mình tính toán trúng, mình cần phải tính toán cho mình.

Bệnh lo nghĩ ảnh 1

Chắc quí vị biết hơn tôi, đã tính cho tương lai nhiều rồi nhưng không biết trúng bao nhiều phần trăm. Chuyện hôm nay chúng ta làm một điều gì đó thật tốt để hy vọng ngày mai sẽ có điều tốt đến với mình khác với chuyện ngồi tính cho tương lai, đấu tranh cho tương lai, dành giật để được cái gì đó cho tương lai, tranh thủ lợi ích gì đó cho tương lai.

Trong công việc

Là nhân viên, quí vị hãy xem công ty mình đang làm là công ty của mình, đừng quan niệm gì khác hơn nữa. Khi quan niệm như vậy, xem đây là công ty của mình và làm việc hết mình, không bàn tới chuyện tương lai, chẳng những quí vị làm việc tốt, vui, khỏe mà sẽ có điều màu nhiệm là nhiều thuận lợi sẽ đến với mình và tương lai tuy mình không nghĩ đến nhưng nó sẽ đẹp. Còn nếu mình quá nghĩ đến tương lai của mình thì mình chẳng được gì cả.

Không ai biết mình được cái gì trong tương lai mà nghĩ đến tương lai. Càng nghĩ đến tương lai nhiều, càng cảm thấy nhức đầu, bế tắc, khó chịu. Nhưng mình không dám buông nó vì cho rằng như vậy mới là người cẩn thận, biết lo xa!

Trong gia đình

Có nhiều vị mệt mỏi vì suy nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại, cũng như tương lai của gia đình mình. Tôi thấy có nhiều cách để quí vị lo cho gia đình lắm. Có những lúc quí vị lo cho gia đình bằng cách là không lo cho gia đình. Còn lo cho gia đình bằng cách tập trung suy nghĩ, suy tính cho gia đình hay âm thầm lo nghĩ cho gia đình thì nhiều khi rắc rối. Nó làm cho người mình như nhỏ bé trở lại.

Quí vị phải tự do, phải rộng mở cái đầu. Những người thân trong gia đình buộc phải thay đổi và họ phải tự thay đổi, chứ quí vị không thể thay đổi họ được. Quí vị dùng tiền, dùng tình cũng thay đổi không được. Chỉ có một lực duy nhất để giúp người khác thay đổi là lực thay đổi của chính mình. Phải dùng lực thay đổi của chính mình! Lực ấy bao quát hết tất cả, tác động đến xung quanh và giúp cho người khác tự thay đổi. Quí vị không đem ý tưởng thay đổi người khác trong đầu của mình để tạo ra sự thay đổi cho người ta được. Quí vị cứ gieo hạt giống xuống dưới đất, hạt nào mọc được thì mọc còn hạt nào không mọc được thì thôi. Nếu quí vị không kiên quyết tạo ra sự thay đổi trong chính mình, đừng bao giờ nghĩ tới một khả năng nào có thể giúp đỡ được chính gia đình mình.

Quí vị đã có nhiều tiền hoặc đã có chút ít tiền, dùng tiền để thay đổi nhưng có thay đổi được ai không? Chắc chắn không, chỉ làm cho sự thay đổi phức tạp hơn. Người ta dựa dẫm vào đó để làm khó hơn, và cuối cùng mình dính vào bẫy của người ta hơn. Bởi vì trong đầu óc con người có con ma rắc rối, nếu không khéo con ma rắc rối này sẽ lớn hơn, sẽ mọc ra hàng trăm cái tay, cái đầu và nó làm khó anh mãi. Quí vị cố gắng tạo sự thay đổi lớn lao nhất cho bản thân mình trước đã.

Nhiều người tin rằng, có sự hiện diện của mình thì gia đình sẽ tốt hơn. Điều đó chưa chắc đã đúng. Có một câu chuyện thế này:

Một ông nọ đó có bốn đứa con, trong đó có một người con ngỗ nghịch, làm biếng, ghen tuông, ích kỷ với các anh em khác. Vợ mất sớm nên một mình ông nuôi mấy đứa con với một tiệm thuốc bắc. Ông thấy rất buồn vì người con này, chỉ biết ỷ lại và gây rắc rối cho mấy đứa em và cả ông. Mà người con này lại là con trai trưởng.

Là người có nhiều tiền, ông cũng làm đủ trò, mời đủ thứ người khôn ngoan về nhà những mong người con trai này sẽ thay đổi, nhưng đều không thành công. Có một hôm, ông tự nhủ phải bỏ nhà đi xứ khác sống. Ông bỏ xứ đi nhưng cứ nghe ngóng mãi, biết rằng ba đứa con nhỏ rất tốt còn con trai trưởng lúc nào cũng xấu hết. Nó không làm gì, chỉ tìm cách hưởng những thứ mà các em cho.

Sau ba năm sống ở nước ngoài, thấy người con vẫn không thay đổi, ông bèn nghĩ ra một kế là nhờ một người gửi tài liệu về chứng minh rằng ông đã chết do một cơn bệnh tại bệnh viện và đã nhờ người thiêu xác. Khi thông tin về đến nhà, ba người con kia khóc rống, còn người con trưởng ngồi suy nghĩ chứ chưa khóc, vì trong đầu nó luôn luôn nghĩ đến cách nào để thỏa mãn đầu óc của mình. Đến ngày thứ năm, thứ sáu mấy đứa em thương nhớ bố quá khóc mãi, rồi bỏ việc. Bỗng nhiên người con trai trưởng thay đổi, biết động viên mấy đứa em, “Bây giờ ba mất rồi, các em đừng buồn. Anh em mình gắng sức lo cho nhau.”

Tự nhiên lúc bấy giờ người con đó mới thể hiện trách nhiệm của người anh trưởng đối với các em mà lâu nay anh ta không để ý tới. Anh động viên, an ủi các em, thể hiện mình là anh cả có trách nhiệm thay cha lo lắng cho các em. Và bắt đầu anh thay đổi hết, thay đổi rất tốt. Mấy đứa em rất mừng vì người anh đã thay đổi rất tốt, biết lo làm ăn, biết lo cho các em, lo cho gia đình, biết thờ cha mẹ, mấy đứa em cũng thấy an ủi được một chút.

Người cha ở xứ người cứ theo dõi suốt. Khi thấy người con trưởng tốt lên nhiều rồi, vững rồi, cuối cùng ông trở về. Cả bốn anh em mừng rỡ. Và ông nói rõ lí do vì sao ông làm như vậy. Thấy các con đoàn kết thương yêu nhau, người con trưởng đã biết làm ăn nên ông rất vui. Rồi người con trưởng xin lỗi bố, xin lỗi các em.

Câu chuyện đó thú vị ở chỗ không hẳn cha mẹ phải luôn ở bên cạnh con, dạy dỗ, lo cho con thì con mới nên người. Phải có gan làm ngược. Nhiều khi mình cho con và cả bản thân mình một khoảng trống, đi ngược lại, tình thế sẽ tốt hơn. Có nhiều trường hợp cha mẹ bảo bọc con cái đến nỗi người con cứ dựa và bám vào cha mẹ cả đời. Trong những trường hợp như vậy, chính cha mẹ là người tạo cơ hội cho con cái hư.

Hãy cho con cháu cái đầu mở thay vì định tương lai cho chúng

Muốn định hình cho tương lai là chuyện vô lí. Chúng ta không thể định hình cho tương lai được, không thể biết trước tương lai được. Chúng ta có quyền làm tất cả những chuyện tốt đẹp nhất ở bây giờ mà không cần nghĩ tới tương lai. Tương lai là kết quả tất nhiên thôi, chứ không có gì phải bàn, không có gì phải học, không có gì phải lí luận cả.

Mình không thể nói, ba mẹ lo cho con như vậy, tương lai của con nhất định phải thế này, phải thế kia. Phải coi chừng khi định tương lai cho con cái. Đời của anh, đầu của anh tới cỡ đó thôi. Còn đời của con anh, đầu của nó rộng lớn hơn vì đầu của nhân loại vào thời của nó rộng lớn hơn, nhiều chuyện đẹp của thế giới xuất hiện mà anh đâu biết trước được. Anh định tương lai cho nó bây giờ, nó không biết, nó theo anh rồi nó đánh mất bao nhiêu cơ hội tốt đẹp khác, vì nó không đủ sức để tiếp nhận những điều hay, những điều bao la bát ngát. Cho nên, không được đặt niềm tin vào tương lai theo ý tưởng của mình hay theo định kiến riêng của mình được.

Cha mẹ tôi làm sao biết được ngày hôm nay tôi sống thế này? Cũng như làm sao chúng ta biết được ngày mai con cháu của mình như thế nào mà chúng ta lại vẽ ra cho nó một tương lai? Nhưng dù bây giờ, dù ngày xưa hay dù ngày mai, cái đầu vẫn là trung tâm quyết định hết. Chúng ta chỉ giúp đỡ cho con cháu của mình những phương pháp để đầu của nó ở tình trạng tốt nhất. Bất cứ hoàn cảnh tương lai như thế nào, với cái đầu thật tốt, nó có khả năng vô tận để tiếp nhận tương lai đó.

Cho nên, chúng ta chỉ chuẩn bị cho con của mình cái đầu thôi, đừng chuẩn bị cho nó ý tưởng. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho con cái đầu, đôi khi chúng ta cần dùng ý tưởng. Ý tưởng không phải là mục tiêu nó hướng tới, nhưng ý tưởng là phương tiện để giúp cho nó mở cái đầu. Ý tưởng tích cực lúc nào cũng giúp cho đầu mở. Khi đầu của nó mở rồi, tương lai ý tưởng không có giá trị. Nhiều khi nó làm chuyện khác.

Không biết có vị nào thấm thía với suy nghĩ của mình chưa? Nếu quí vị chưa thấm thía với suy nghĩ của mình thì khó tạo ra sự thay đổi lớn. Quí vị phải thấy được, thấm nhuần như thể suy nghĩ chính là kẻ thù giết chết đời mình và nó đang là kẻ thù rình rập làm khổ sở mình từng ngày, từng giờ. Nó không cho mình sống. Có vị nào thấm được điều đó chưa? Mình suy tư, tính toán mãi cho cá nhân mình, không thể chấp nhận sự mất mát, mà phải được - được tiền, được quyền, được này kia, phải được theo ý mình. Có người nào thấy được điều đó làm cho mình mệt mỏi chưa? Có thấy đó là nguyên nhân gây khổ đau về mặt cảm xúc, tinh thần cho mình không?

Nội dung được biên tập từ Audio “Suy nghĩ và tính toán đánh mất hạnh phúc” – 19/04/2011

Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199)

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG