Điều gì làm nên sự thành công?

Điều gì làm nên sự thành công?
Nền tảng của sự vững chắc chính là mồ hôi và nước mắt anh đã đổ ra khi anh còn tay trắng.

Tôi nói ví dụ, bây giờ anh muốn mở một quán phở. Anh đi học nấu phở và anh rất tự tin là anh sẽ làm được. Anh đi vay 100.000 đô la để anh mở tiệm phở. Tôi không tin anh sẽ thành công.

Nhưng tôi tin một người thành công kia kìa, là người ấy đi ăn phở, thấy phở ngon, lén lén học rồi mở quán phở ở ngoài góc hè của mình, bán cho ba bốn người hàng xóm, rồi năm, bảy người hàng xóm, rồi tám, chín người hàng xóm… Rồi khi bắt đầu khá rồi, mình mở lớn hơn một chút. Khá khá hơn rồi thì mở lớn hơn một chút nữa, rồi trở thành ông chủ của một nhà hàng lớn, rồi trở thành ông chủ của nhiều nhà hàng lớn. Bấy giờ vay thêm tiền đầu tư vào thì tôi mới tin rằng sự vay tiền đó có hiệu quả.

Còn đùng một cái: “Con làm được. Cha cứ tin. Cứ đưa tiền cho con.” thì phải cẩn thận. Muốn lấy tiền cũng được nhưng phải kèm theo điều kiện: Người cha đó phải đứng thường xuyên bên cạnh, “Con làm cái gì cũng phải hỏi cha. Con làm cái gì cũng phải hỏi cha…” Người cha phải đứng thường xuyên, không có giao quyền hạn hết được. Còn nếu anh giao quyền hết thì anh phải có gan. Coi như 200 triệu này là thí cô hồn, để cho đứa con học thêm thôi, mất không có hối tiếc, không có đau khổ. Tôi cũng khuyên người con kia đừng có quá tin rằng mình làm được.

Tôi đã tiếp xúc một số vị ở bên Mỹ, trong đó có một cậu là tiến sĩ khoa học, học ở cái trường mà tôi cũng học. Hồi đó, cậu ra ngoài đời, nghĩ rằng cha mẹ mình nghèo, không học được, còn mình được ăn học, mình thành tiến sĩ khoa học rồi, thì dứt khoát mình phải làm giỏi này, kia, nọ, khác, đủ thứ. Rồi cuối cùng cậu đi vay tiền. Tôi nói không có làm lớn nhé, chỉ làm một cửa hiệu chụp hình thôi. Cậu vay 100.000 đô la để làm cửa hiệu chụp hình hiện đại. Rốt cuộc là phải ly dị vợ vì không trả nổi nợ. Muốn bán cái tiệm lại nhưng không ai mua. Cuối cùng người đó đến gặp tôi, kể chuyện cho tôi nghe, rồi khóc:

“Bây giờ con mới biết rằng, cái việc con tin rằng với bằng tiến sĩ khoa học con sẽ làm giỏi hơn cha mẹ con, hoàn toàn sai lầm! Con lấy làm ngạc nhiên khi ba mẹ con không có bằng cấp gì, đẻ tụi con ra nhưng nuôi tụi con đứa nào cũng khôn lớn và trưởng thành hết. Con mới thấy rằng chuyện tin vào tính toán, vào bằng cấp của mình là hoàn toàn sai lầm!”

Thành ra, cậu nào định mượn 200 triệu thì đừng có quá tin tưởng. Nếu muốn có 200 triệu đó để làm thí nghiệm thì phải hết sức thận trọng. Hai cha con phải bàn với nhau một cách bình đẳng, sòng phẳng. Người con cũng đừng có quá chủ quan mà trách cha mình. Người cha cũng đừng quá thiếu tự tin về con mình. Chuyện cha con gác qua một bên. Bây giờ là chuyện người với người cư xử với nhau trong tình huống một bên có vốn và một bên muốn mượn vốn.

Bình đẳng, sòng phẳng, đúng pháp luật, đúng mối quan hệ xã hội để giữ cái hiệu quả đồng tiền mình đã vay mượn. Không có lấy lý do là ông đẻ tôi ra, ông phải đưa tiền tôi xài. Hay là ông phải tin tưởng tôi vì tôi rất là tài giỏi. Hay là, không lấy lý do tao là cha mày, mày lớn rồi thì mày tự lo, lo không được thì thôi. Không nên cực đoan mà nên ngồi lại bàn với nhau và đi tới giải pháp dung hòa tốt nhất.

Nội dung được trích và biên tập từ Audio “Điều gì không thể thay đổi trong đầu”

Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199)

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.