Giá trị của đời sống nông thôn, miền núi, hải đảo

Giá trị của đời sống nông thôn, miền núi, hải đảo
Một trong những mơ ước rất lớn trong cuộc đời còn lại của tôi là làm sao nhìn thấy được những người dân sống ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo thực sự nhận ra giá trị vùng đất mình đang sống, nhận ra giá trị con người của mình.

Tránh những mặc cảm do nhận thức sai lầm về chính mình

Chúng ta phải tập sử dụng ngôn ngữ hết sức rõ ràng qua cách chúng ta dùng từ ngữ để nói chuyện với nhau, nói chuyện về chính mình, nói chuyện về người khác. Sử dụng ngôn ngữ không rõ ràng nghĩa là đầu óc của chúng ta cũng không rõ ràng, mà như vậy thì cuộc sống của chúng ta sẽ rất mơ hồ và dứt khoát đời sống vật chất lẫn tinh thần cũng không tốt đẹp. Quý vị phải hiểu như vậy.

Tất cả những định nghĩa về mình như tôi là giáo sư, tôi là nhà bác học, tôi là kỹ sư, tôi là bác sỹ, tôi là công nhân, tôi là nông dân, tôi là giáo viên hay tôi là một thân phận yếu hèn, là một người nghèo, hay là một người giàu... đều thể hiện cách hiểu biết và cách dùng từ ngữ không chính xác.

“Tôi là một nông dân” là cách dùng từ chưa chính xác. Cách dùng từ chính xác, rõ ràng là “Tôi đang sống ở nông thôn và làm nghề trồng trọt/ chăn nuôi”. “Tôi đang điều hành một công ty tư nhân” chứ không phải “Tôi là một giám đốc”.

Làm sao mà tôi là giám đốc được?

Tôi là ai? Anh là ai?

Tôi không phải giám đốc, không phải công nhân, không phải nông dân, không phải thủ tướng, không phải bộ trưởng, không phải là nhà doanh nghiệp... Tôi đang giữ chức bộ trưởng, chứ không phải tôi là bộ trưởng.

Sự hiểu lầm, nhận thức lầm và ngôn ngữ không rõ ràng dẫn tới suy nghĩ, cảm xúc và hành động không chính xác

Khi anh nói, “Tôi là nông dân”, tự nhiên anh thấy anh là người bất hạnh và thấy rằng người thành phố mới là người tốt, mới là người giàu sang phú quý, mới là mục tiêu mà mình theo đuổi. Không phải vậy! Anh không phải là nông dân, mà anh là một con người đã và đang chấp nhận xây dựng đời sống riêng của mình tại một nơi gọi là miền núi, nông thôn hay hải đảo, vì anh yêu cách sống này, vì anh thích sự tồn tại này.

Hiểu như vậy, những người sống ở nông thôn sẽ tránh được những nhận thức sai lầm, những mặc cảm cho rằng mình không có đời sống tốt đẹp.

Các giá trị lớn của đời sống nông thôn, miền núi, hải đảo

Tôi đánh giá rất cao các giá trị của đời sống nông thôn, miền núi và hải đảo. Dĩ nhiên chúng ta phải học, phải đến trường, phải mở rộng thế giới của mình tới thành phố và tới các nước trên thế giới, nhưng không có nghĩa là đời sống nông thôn, miền núi, hải đảo có giá trị thấp.

Giá trị của đời sống nông thôn rất cao: đời sống môi trường bên ngoài, đời sống tinh thần bên trong, cũng như sức khỏe đều rất tốt; tâm hồn đơn giản, cách sống rất đơn giản, tình cảm giữa người này và người kia, giữa làng này và làng khác rất gắn bó…

Tôi nhớ cách đây bốn năm mươi năm, toàn bộ phía ngoại của tôi ở xã Phổ Khánh thuộc huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi đi chân không trên cát mấy chục năm, bữa ăn toàn khoai lang, khoai mì dính vài hột cơm, ăn cá tươi, thịt heo, chứ không có thịt bò. Vậy mà không có người nào chết già, chết bệnh mà dưới tám mươi tuổi. Bây giờ tôi còn ông cậu sống ở đó, sức khỏe rất tốt.

Ngày xưa người ta làm để mua thịt, mua cá. Ngày hôm nay người ta đổ mồ hôi, sôi nước mắt làm để … nhịn ăn. Ở Mỹ, người ta làm nhiều mà không dám ăn, vì ăn vào là mập, là béo phì, là cholesterol, là đường cao... Bây giờ làm nhiều mà lại cố gắng tránh ăn, hễ ăn cái gì cũng bị hóa chất cả. Cho nên thực phẩm có giá trị bây giờ chính là thực phẩm ở nông thôn. Con cá, con tôm, cái rau ở đồng ruộng, ở nông thôn có giá trị lắm.

Người nông thôn đi bộ nhiều, làm việc nhiều, phơi nắng nhiều nên người khỏe mạnh. Còn người đân ở các thành phố của Mỹ phải mua vitamin D để uống, bởi vì ra nắng ít quá.

Nhớ khoảng thời gian tôi làm kinh tế hiệu quả và do cái sự làm việc có hiệu quả ấy, với một đống tiền ấy mà đầu óc tôi vô cùng căng thẳng. Ngày chưa có tiền, đầu óc của mình không căng thẳng gì cả, thiếu ăn thì đi xin, thiếu nhà ở thì kiếm chỗ ở tạm. Còn khi có tiền rồi, nó căng thẳng vô cùng và lúc ấy tôi mơ ước trở thành một người đi cày ruộng. Tôi lái xe đi qua một cánh đồng, thấy một người đang cày ruộng, tôi dừng xe lại, ngồi ở bờ ruộng nhìn người đàn ông đang cày và mơ ước một cuộc sống như vậy để chấm dứt sự căng thẳng của đầu óc.

Nông thôn là vùng đất sinh ra và nuôi lớn những tâm hồn rất vĩ đại, những con người có ý chí lớn cho dân tộc. Những người đi lên thành phố lập nghiệp, khi thất bại thì chỗ dựa duy nhất của họ chính là nông thôn, chứ không phải chỗ dựa của họ là những người giàu có ở thành thị. Cho nên, giá trị của nông thôn lớn lắm!

Những hiện tượng đáng tiếc!

Có rất nhiều người trẻ suy nghĩ sai lầm rằng, đời sống nông thôn của mình hẩm hiu quá cho nên muốn đi lấy chồng ở nước ngoài bằng bất cứ giá nào, hoặc muốn xa lánh nơi mình sinh ra và lớn lên. Tại sao có những hiện tượng đó? Tại vì sự giáo dục ở nông thôn của chúng ta chưa đủ để làm cho người sống ở vùng nông thôn, hải đảo và miền núi nhận ra được giá trị thực sự đời sống của họ. Họ chưa thấy họ có giá trị gì cả, cho nên họ nhìn thấy giá trị ở một nơi khác. Vì vậy mà họ có khuynh hướng từ bỏ nông thôn, từ bỏ miền núi, hải đảo để đi tìm một cuộc sống khác, mà cuộc sống khác ấy phải trả giá hết sức đau thương.

Mặt khác, họ bị tác động tiêu cực bởi sự giáo dục sai lầm từ những người được gọi là người hướng dẫn tâm linh. Nhiều người mang danh nghĩa hướng dẫn tâm linh đã giáo dục, hướng dẫn con người sống một cách vô học, vô ý thức. Họ nói những điều khiến người nghe mặc cảm với đời sống của mình, mặc cảm với giá trị mình đang có và không thấy giá trị mình đang có mà thấy giá trị của một kiếp sau, thấy giá trị ở một hành tinh khác, thấy giá trị ở một nơi chốn hão huyền. Đó là một sự giáo dục vô minh.

Giúp người sống ở nông thôn, hải đảo và miền núi ổn định tinh thần là một sứ mệnh rất cao cả, rất thiêng liêng trong vấn đề giáo dục

Nếu được giúp đỡ từ cách cư xử, cách tổ chức cuộc sống, tổ chức vườn tược, xây dựng gia đình…, đời sống nông thôn quả thật rất tốt đẹp. Phải ráng giúp họ để tránh đi tình trạng lấy chồng nước ngoài, bỏ nông thôn, hải đảo, miền núi để chen lấn vào thành phố, rồi sinh ra nạn trộm cắp, không có chỗ ở, không có việc làm, và các vấn đề phức tạp khác.

Trước nhất, quí vị giúp cho người thân của mình, an ủi, động viên, mở nhận thức cho người thân của mình ở các vùng đó. Rồi từng bước người thân của mình mới triển khai ra cho những người hàng xóm.

Những vị học môn học Khai mở trí thấy phải cố gắng giúp cho người ta cư xử trong gia đình, trong hàng xóm trên tinh thần thông cảm, rộng lượng, tha thứ, đùm bọc lẫn nhau và tôn trọng những truyền thống văn hóa tốt đẹp của chúng ta.

Truyền thống văn hóa của chúng ta tốt đẹp lắm! Văn hóa thuần túy của Việt Nam là tất cả những sáng tạo về đời sống tinh thần, đời sống tâm linh, đời sống tình cảm của người Việt Nam; là nước mắt của đau khổ, nước mắt của hạnh phúc, nước mắt của tình yêu, thậm chí là từ nước mắt của hận thù, quyện chung lại với nhau và tạo thành giá trị văn hóa Việt Nam.

Hãy làm mọi cách để cho thế giới, các dân tộc khác học hỏi, yêu quý tinh thần của dân tộc chúng ta.

Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199)

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG