Hãy quan sát cái đầu của mình trước!

Hãy quan sát cái đầu của mình trước!
Bất cứ cảnh gì đang diễn ra, anh phải xử lý đầu của mình trước, chứ không phải xử lý cảnh. Đó là điều kiện tiên quyết anh phải làm.

Trong công việc, anh không xử lý đầu của mình mà lại đi xử lý đầu của người khác thì anh thua. Tức là anh cứng ngắc, dù anh có làm được việc đi chăng nữa, anh cũng luôn luôn sống trong cảnh khổ đau vì cảm thấy mình bị ức hiếp, bị gò bó, bị mất tự do.

Anh cảm thấy mình không còn hạnh phúc, đời không còn đáng yêu, cảm thấy mình làm việc trong cảnh ngục tù cũng chỉ vì một chuyện: anh chỉ tin vào đầu của mình, mà không chịu nhìn thấy đầu của mình. Chỉ cần anh nhấc đầu mình một chút thì toàn bộ cảnh ngục tù biến mất. Chỉ cần một chút vậy thôi là nó xóa sạch hết.

Phải coi thử đầu của mình có vấn đề gì không? Xuất phát điểm chỉ bấy nhiêu chuyện thôi thì cảnh ngục tù mở hết. Đó là điều khó nhất. Cái khó thứ hai, khi anh mở ngay được cửa ngục ban đầu, anh tự tin, được uy tín lớn rồi, tự nhiên trong đầu anh phát sinh ý tưởng thấy mình thành công quá, cửa ngục đó lại sụp xuống liền. Và cửa ngục này mở không ra. Cửa ngục trước có khi mở được, còn cửa ngục lần hai này mở không nổi.

Có những người luôn luôn thấy đầu họ tốt nhất. Nếu một người bình thường nghe anh nói, họ sẽ thấy anh tốt quá. Nhưng đối với tôi, tôi không để ý đến việc nói trúng, trật, mà xem anh nói theo hướng nào.

Anh nói theo hướng luôn luôn thấy đầu anh tốt quá thì đó chính là cái cửa phải mở. Không mở cửa đó thì đầu anh cứng ngắc, anh làm việc trong trạng thái không có niềm vui, cuộc sống không được hạnh phúc. Dù anh có đổi vị trí, đổi chỗ làm khác đi chăng nữa cũng vậy, không có hạnh phúc.

Đầu của mình có căng thẳng không?

Khi làm việc với bất cứ công ty nào, anh phải xem mình đã làm vừa lòng yêu cầu người ta đưa ra tới mức độ nào. Và dù cho mưa dồn gió dập đổ trên đầu mình, mình vẫn thấy được mình đã làm vừa lòng ở mức độ nào và đầu mình ở trong tình trạng nào. Dù mưa dồn gió dập dồn vào đầu mình, mình vẫn tỉnh táo coi thử đầu mình có căng thẳng không. Nếu đầu mình còn căng thẳng thì mình vẫn còn sai.

Có thể người ta sai, anh đúng nên đầu anh căng thẳng. Nhưng vấn đề không phải là đúng sai, mà vấn đề là đầu anh căng thẳng thì năng lực của anh không mở được. Không vì bất cứ lý do sai và đúng, hay bất cứ lý do gì, miễn sao đầu anh đừng căng thẳng thì năng lực của anh sẽ mở toang.

Nếu cứ chạy theo chuyện đúng sai, anh sẽ đứng lại tại chỗ. Vậy, vấn đề cần xử lý là đầu anh đừng căng nữa, chứ không phải xử lý chuyện người này đúng, phải cho người ta biết; hay người này sai, phải nói cho người ta biết.

Khi thấy người ta làm sai, anh thấy đúng và anh có quyền chỉ người đó đang làm sai, nhưng không để đầu mình căng thẳng. Anh chỉ ra nhưng đầu anh, lòng anh vẫn rỗng rang, không thành kiến, không hơn thua.

Anh bảo cho người ta việc này xử lý như vậy chưa phù hợp với hoàn cảnh. Mình không nói sai, đúng vì nói sai, đúng nhiều khi cũng bị kẹt. Sự sai đúng dẫn đến căng thẳng nên mình đừng dùng chữ, đừng dùng khái niệm sai đúng mà dùng khái niệm phù hợp hoặc chưa phù hợp.

Không sa vào ma trận ý tưởng!

Cũng vậy, khi lắng nghe người khác, quí vị để ý đừng lắng nghe nội dung gì và cũng đừng cho rằng nó trật hay trúng. Nội dung không quan trọng. Quí vị tập không nghe nội dung cho dù nó được trình bày rất logic. Nếu nghe nội dung, quí vị sẽ bị nội dung dẫn đi vào ý tưởng khác và bắt đầu đánh giá.

Người thực hành phương pháp Duy Tuệ không sa vào bẫy của nội dung. Chỉ để ý cái đầu của người đang nói kẹt hoặc không kẹt chỗ nào, đơn giản vậy thôi. Chuyện người ta nói, cái lý người ta nói ra để mình biết người ta kẹt chỗ nào.

Để ý đến nội dung là quí vị nguy hiểm ngay. Tức là anh vào ma hồn trận, sa vào bẫy hết. Bẫy của ý tưởng của mình đi với ý tưởng của người kia, hai ý tưởng dẫn vào thành một ma trận. Do đó, phải rút ra, đứng ở ngoài nhận định người này có thấy đầu của họ hay không. Đó là điều cơ bản.

Đừng để ý đến chi tiết người ta nói. Dù người ta có đưa hình, đưa phim, anh cũng nhìn chơi vậy thôi, không để ý tới. Nếu đầu anh để ý tới, anh sẽ đánh giá người này thế này, thế kia. Cuối cùng, anh sa vào bẫy.

Nội dung được biên tập từ Audio “Trao đổi với các Hiền giả Minh Triết) – 25/12/2009, do công ty CPĐT Giáo Dục Minh Triết độc quyền phát hành

Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199)

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG