Khám phá nguồn gốc của khổ đau

Khám phá nguồn gốc của khổ đau
Nguồn gốc của khổ đau chính là bởi người ta không thấy được trạng thái trong suốt, bất sinh bất diệt của tâm. Người ta chỉ thấy tâm sinh diệt, tức những ý tưởng, ý nghĩ, cảm xúc thường luân chuyển mãi trong đầu óc và chấp nó chính là bản thân.

Nói cách khác, vì cho rằng những ý nghĩ của mình là đúng, đồng hóa những ý nghĩ ấy là chính mình nên người ta luôn luôn sống trong khổ đau.

Nỗi đau của người tên Chấp

Bà Nguyễn Thị Chấp sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, nhưng lập nghiệp, lấy chồng và sinh con ở nước ngoài. Người con bà đang theo học trong một nền văn hóa, giáo dục mới, không giống với Việt Nam - nơi trước đây bà lớn lên. Bà Chấp thấy rất rõ sự thờ ơ của con đối với cha mẹ, không tỏ thái độ lo học để báo hiếu cho cha mẹ vui lòng.

Con bà lớn lên trong một nền văn hóa, giáo dục ở xứ chỉ chú trọng việc học để phát triển khả năng cá nhân cao nhất và trở thành một con người thành đạt với cuộc sống của riêng họ., giáo dục đó đi sâu vào phát triển chủ nghĩa cá nhân thông qua việc phát triển năng khiếu cá nhân cao nhất. Cho nên, con bà Chấp không hề nghĩ đến việc học để báo hiếu cha mẹ, nghĩa là không quan tâm làm cho cha mẹ hài lòng.

Trong khi đó, bà Chấp luôn ám ảnh bởi chuyện trước đây là học để báo hiếu cha mẹ, làm cho cha mẹ vừa lòng. Bây giờ bà Chấp thấy người con của bà ở xứ mới, xứ lạ quê người này đối nghịch quá nên không hài lòng với thái độ của con.

Con bà có người mẹ nuôi đỡ đầu để giúp đỡ học hành, và cách cư xử của con bà đối với người đỡ đầu lại lịch sự, rất ân cần, rất đẹp. Bà Chấp thấy vậy đâm ra ghen tức. Bà cho rằng, đứa con quả thật bất hiếu vì không có những lời ăn tiếng nói nhỏ nhẹ, không cư xử đầy tình thương với mẹ như cách cư xử với người đỡ đầu kia. Vì thế bà Chấp nghĩ con mình thực sự bất hiếu, thiếu đạo đức.

Bà luôn luôn nghĩ đến hình ảnh đứa con bất hiếu, thiếu đạo đức này và rất đau lòng, hễ nghĩ tới là khóc. Trong quá khứ, bà mong nó chăm học. Bây giờ, nó vẫn học nhưng lại có vẻ sống ích kỷ đối với bà. Và có lẽ tương lai nó không có tình thương nồng nàn với bà nữa.

Coi như bà mất đứa con. Những hình ảnh, ý nghĩ đó cứ hiện mãi trong đầu óc bà Chấp. Và khi hiện lên lại làm bà nghĩ người con thiếu đạo đức và không thương mẹ. Thái độ sống lạnh nhạt của con tạo ra nhiều ý nghĩ cứ lởn vởn trong đầu bà mãi. Những ý nghĩ này tạo ra cảm xúc làm bà cứ khóc mãi…

Vì sao bà Chấp khổ?

Trong câu chuyện này, phần lớn ý tưởng của bà Chấp bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa ở nơi bà sinh ra, từ phong tục tập quán, ý nghĩ, nhìn nhận, đánh giá, xem xét thế nào là hạnh phúc, đạo đức, khổ đau… Tất cả những ý niệm được hình thành trong tâm của bà hoàn toàn thuộc về quá khứ, ở nền văn hoá nơi bà sinh ra và trưởng thành. Còn người con của bà được sinh ra và trưởng thành ở nền văn hoá khác.

Bà Chấp nhìn con bằng toàn bộ thế giới đầu óc bị nhiễm kinh nghiệm trong quá khứ thì đương nhiên thấy hình ảnh người con không phù hợp, chướng tai gai mắt. Ngược lại, người con được sinh ra, lớn lên, học tập trong nền văn hoá, giáo dục khác và nhiễm vào tâm thức nền văn hoá, giáo dục ấy nên tạo ra một thế giới đầu óc khác.

Người con nhìn bà Chấp bằng thế giới đầu óc này nên thấy mẹ đối nghịch với mình. Cuối cùng, hai mẹ con tuy không cố ý nhưng đã tạo thành nhiều sự bực bội, mâu thuẫn nếu không muốn nói là sự thù hằn, luôn luôn gắt gỏng, cãi vã, bất bình và không muốn gặp nhau.

Tác hại của dòng suy nghĩ, cảm xúc

Khi dòng ý nghĩ, ý tưởng chạy qua, nó tạo cho đầu óc những nghĩ suy, tưởng tượng liên miên và tạo ra vô vàn cảm xúc buồn tủi, tức giận, hận thù, tuyệt vọng, đau khổ… Cảm xúc hình thành thì sẽ thể hiện trên thân thể vật lý, mà rõ nhất là bằng những đường nhăn, sắc diện héo hon, sầu muộn trên gương mặt hoặc khiến cơ thể tiết ra những độc tố đưa đến nhiều bệnh hoạn. Ai buồn nhiều thì dễ dẫn đến bệnh hoạn. Ai bị ám ảnh nhiều dễ dẫn đến bệnh thần kinh.

Điều hết sức quan trọng, tai hại hơn rất nhiều là nó làm cho đầu óc chúng ta không thể thanh tịnh, trong suốt được. Nó biến không gian làm việc của đầu óc trở thành hang động tối tăm, thành sương mù hay mây đen dày đặc. Độ sáng, độ tinh khiết của đầu óc không giữ được nữa.

Nếu tâm không còn trong suốt nữa thì những dòng ý nghĩ, ý tưởng và cảm xúc tự động chảy luẩn quẩn mãi trong đầu óc. Sự trong suốt không ý nghĩ trong đầu óc trở thành thế giới nhuộm đầy những ý nghĩ, ý tưởng, cảm xúc một cách mãnh liệt. Khi đó, đầu óc làm việc trong trạng thái bị điều kiện hóa, bị kinh nghiệm hóa, bị nhuộm đen bởi những kinh nghiệm trong quá khứ và bởi những viễn cảnh được tưởng tượng ở tương lai. Do vậy, người ta rất khó đạt được trí tuệ sáng tạo và phải làm việc trong đối đầu, đắp đổi và không bao giờ được an lòng.

Nguồn gốc của nỗi khổ thế nhân

Nguồn gốc của khổ đau chính là bởi người ta không thấy được trạng thái trong suốt, bất sinh bất diệt của tâm. Người ta chỉ thấy tâm sinh diệt, tức những ý tưởng, ý nghĩ, cảm xúc thường luân chuyển mãi trong đầu óc và chấp nó chính là bản thân. Nói cách khác, vì cho rằng những ý nghĩ của mình là đúng, đồng hóa những ý nghĩ ấy là chính mình nên người ta luôn luôn sống trong khổ đau. Họ không hề biết những ý nghĩ ấy hình thành có điều kiện trong quá khứ chứ không phải là chính họ nên mãi trầm luân.

Tôi nhìn thấy rất rõ sự thống khổ và nguồn gốc đau khổ của con người nên rất thương họ, muốn chỉ cho họ thấy được điều này. Nhưng để phá vỡ được lòng chấp sâu dày không hề đơn giản. Nhiều người cứ tin suy nghĩ, ý tưởng, cảm xúc của mình là thật, là đúng nên cứ sống mãi trong sự khổ đau, không có lối ra. Tôi khẳng định chắc chắn, không có bất cứ thánh thần nào cứu nổi nếu con người không chịu nhìn nhận, thấy được trạng thái vô nhiễm, bất sinh bất diệt và trạng thái bị tiêm nhiễm, sinh diệt trong đầu óc.

Nội dung được biên tập từ sách “Khai mở đạo tâm”

Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nội dung phong phú tại website: www.minhtriet.vn hoặc www.duytue.org (điện thoại hỗ trợ: 08.39115501 hoặc 04.37228199)

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG