Ở nơi nào cần

Ở nơi nào cần
Tôi không muốn đánh giá thấp những gì tôi CÓ THỂ làm. Ở nơi đâu cần, ở đó có cơ hội. Hành động của tôi có thể không thay đổi được cả một cuộc đời, nhưng nó vẫn có thể tạo ra một khác biệt gì đó. Và tôi sẽ tin rằng điều gì đó mà tôi có thể làm, dù nhỏ đến đâu, cũng vẫn tốt hơn là việc tôi chẳng làm gì cả...

Thực ra, những người vô gia cư và thất nghiệp là hình ảnh không hiếm ở nhiều thành phố lớn, và hầu hết mọi người đều cho xe đi qua mà không giúp đỡ gì cả. Rõ ràng, họ đã được dạy rằng cho người khác tiền là nuôi dưỡng lối sống ỷ lại, hoặc số tiền mặt mà một người có được dễ dàng như thế rồi sẽ được dùng để mua rượu hoặc thuốc phiện thay vì thức ăn. Cũng như tôi, hầu hết mọi người hẳn đã được dạy rằng nếu muốn cho tiền, tốt nhất là mang tới quỹ từ thiện địa phương hoặc một hội tình nguyện nào đó, bởi những tổ chức này thường có những chương trình hợp lý để giúp những người khó khăn.

Và mặc dù điều đó là đúng, nhưng đôi khi tôi vẫn nhớ đến một câu chuyện cười về hai sinh viên gặp một người vô gia cư trên đường. Một trong hai sinh viên lấy mấy đôla trong túi ra và đưa cho con người kém may mắn kia. Sinh viên thứ hai bình luận: "Sao cậu lại làm thế? Rồi thế nào ông ta cũng dùng tiền đó để mua rượu bia hoặc thuốc lá cho mà xem". Cậu sinh viên thứ nhất nhún vai: "Ừ, nhưng mà… cứ làm như chúng ta thì không à?".

Vào cái ngày nhiều gió khi tôi đỗ xe ở giao lộ đó, tôi cảm thấy trong lòng rất mâu thuẫn về người phụ nữ trẻ. Tôi đoán có lẽ cô ấy đang ở nhờ trong một trại tạm nào đó dành cho phụ nữ, và tôi tự hỏi liệu có phải con cô ấy đang ở đó không, vì tôi không thấy có đứa trẻ nào ở gần cô ấy. Tôi có nên đưa tiền cho cô ấy không? Rõ ràng là cô ấy đang rất khó khăn. Và cho dù cô ấy có thực sự có con không cũng chẳng quan trọng nữa. Từ lâu lắm rồi, tôi đã từ bỏ việc phán đoán động cơ và phân tích các câu chuyện đời của người khác. Trời đang lạnh. Cô ấy đang lạnh. Và cô ấy cảm thấy mình cần phải ở đó.

Tôi nên làm gì đây? Tôi có thể giúp bằng cách nào đây? Cách nào là tốt nhất?
Trong khi tôi đang đánh vật với những câu hỏi đó, thì cửa sổ chiếc xe ô tô phía trước tôi bỗng được kéo xuống, và một bàn tay thò ra ngoài, cầm một ít tiền và một đôi găng tay. Người lái xe đó đã tháo găng tay của chính mình và đưa cho người phụ nữ đang lạnh. Tôi thấy miệng cô ấy mấp máy chữ "cảm ơn" và có một nụ cười làm khuôn mặt gầy gò sáng hơn một chút.

Và tôi chợt nhận ra rằng, trong khi tôi tự tranh cãi với bản thân mình, thì có người khác đã giúp. Trong khi tôi do dự, thì có người khác đã hành động. Trong khi tôi cố quyết định xem cách nào là cách TỐT NHẤT để giúp, thì có người khác đã làm điều mà họ có thể. Nói cách khác, trong khi tôi không làm gì cả, thì có người khác đã làm ĐIỀU GÌ ĐÓ.

Ngày hôm ấy, tôi đã tự hứa với bản thân mình rằng tôi sẽ luôn cố làm ĐIỀU GÌ ĐÓ. Và tôi không chỉ nói về việc cho tiền đâu. Tôi thậm chí còn không chỉ nói đến những người vô gia cư. Nơi nào cần, là nơi đó có cơ hội. Nên tôi hứa rằng, bất kỳ khi nào và bất kỳ ở đâu mà tôi thấy có ai đó cần, thì tôi sẽ cố làm ĐIỀU GÌ ĐÓ.

Nhà sư phạm Leo Buscaglia nói: "Thường thì chúng ta hay đánh giá thấp sức mạnh của một cái chạm tay, một nụ cười, một lời nói tử tế, một đôi tai biết lắng nghe, một lời khen chân thành, hoặc một hành động quan tâm nhỏ bé nhất. Trong khi tất cả những điều đó đều có khả năng thay đổi cả một cuộc đời". Ngay cả việc nói, nghe và chú ý - có vẻ chẳng là gì nhiều, nhưng vẫn là một điều gì đó. Và hành động tử tế nhỏ bé nhất vẫn mang sức mạnh lớn ở bên trong.

Tôi không muốn đánh giá thấp những gì tôi CÓ THỂ làm. Ở nơi đâu cần, ở đó có cơ hội. Hành động của tôi có thể không thay đổi được cả một cuộc đời, nhưng nó vẫn có thể tạo ra một khác biệt gì đó. Và tôi sẽ tin rằng điều gì đó mà tôi có thể làm, dù nhỏ đến đâu, cũng vẫn tốt hơn là việc tôi chẳng làm gì cả.

Theo Sinh viên Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG