Thị trường sách điện tử: tác giả Việt xích gần hơn với thế giới

Thị trường sách điện tử: tác giả Việt xích gần hơn với thế giới
Trong thời gian gần đây, thị trường sách điện tử Việt Nam nói chung và tầng lớp tác giả Việt nói riêng đang có những động thái tích cực để tiệm cận với xu thế và chuẩn mực của thế giới.

Sự bế tắc bấy lâu mang tên “đầu ra”

Tại Việt Nam, đa số tác giả trẻ khi được hỏi về thu nhập đều cho rằng họ chưa sống được với nghề viết. Họ chỉ coi sáng tác như là một cái nghiệp vận vào thân bởi niềm đam mê khó có thể từ bỏ, còn cuộc sống mưu sinh gia đình con cái đều phải dựa vào những nguồn thu nhập khác. Đó là bởi từ xa xưa, nghề viết ở Việt Nam không được đầu tư và tổ chức một cách hệ thống, bài bản. Phần lớn tác giả hoạt động tự phát và manh mún, theo cảm hứng cá nhân nhiều hơn là theo nhu cầu độc giả; những đơn vị như Hội văn học nghệ thuật chỉ là nơi giao lưu và chia sẻ hơn là nơi tạo ra động lực sáng tác, trung gian xử lý khâu cung cầu của tác phẩm.

Một khi thị trường không hoạt động theo quy luật cung cầu, thì hệ quả là các nhà cung cấp (tác giả) không bán được hàng (tác phẩm) còn khách hàng (người đọc) không được đáp ứng nhu cầu nên chuyển hướng sang những hình thức giải trí học hỏi khác; và trên tổng quan, thị trường ấy trở nên ngưng trệ.

Rất nhiều tác giả muốn thay đổi cục diện đó nhưng nếu nhìn vào con đường sách đi từ tác giả đến với độc giả trước đây thì thấy rõ để thực hiện mong muốn ấy là điều không hề dễ dàng.

Theo Báo cáo thị trường sách điện tử Quý II & III/2018 “Sự dịch chuyển của lĩnh vực xuất bản sách điện tử” do Nền tảng Xuất bản Điện tử Waka mới công bố, trong quy trình truyền thống, sách giấy được xuất bản và truyền thông khai thác trước, ebooks xuất hiện sau đó 1-2 năm chỉ để bán cho tập độc giả ít ỏi còn lại vẫn còn hứng thú với tác phẩm. Số lượng in bán trung bình của mỗi đầu sách khoảng 5.000 bản. Vì thế, cho đến khi bản ebooks ra đời, giai đoạn vàng của truyền thông đã trôi qua nên số lượt đọc trả phí thu về rất hạn chế.

Từ cuối năm 2017, nền tảng xuất bản điện tử Waka (và một số tác giả tự do khác) đã tham gia đảo lộn thời điểm ra mắt hai dạng thức sách giấy và ebooks cho nhau: ebooks xuất bản và khai thác trước, sau đó mới đến sách giấy. Thời gian gián đoạn giữa ebooks và sách giấy cũng được rút ngắn còn ½.

Theo quy trình truyền thống, tỉ lệ tiền bản quyền mà mỗi tác giả nhận được chỉ bằng khoảng 10-15% giá bìa. Tham gia vào quy trình khai thác mới, tỉ lệ tiền bản quyền đàm phán được có thể lên đến 50% hoặc hơn. Nhờ đó, thu nhập từ sách của các tác giả sẽ được nâng lên rất đáng kể.

Với lợi thế về mặt tiếp cận độc giả nhanh và rộng cũng như khả năng tương tác thu nhận phản hồi độc giả của ebooks, quy trình mới (khi bản ebook được xuất bản và khai thác trước) đã tạo nên sự thay đổi đáng kể về hiệu quả khai thác tổng thể của một tác phẩm.

Vì thế, khai thác phiên bản điện tử trước, đo đếm sự thành công rồi mới đến xuất bản sách giấy – đó là một con đường mới mở của lĩnh vực xuất bản sách và đang hứa hẹn mang đến thêm một sự lựa chọn đáng giá nhằm tháo gỡ “bế tắc” cho các tác giả cũng như hệ thống xuất bản, phát hành và bạn đọc.

Manh nha hình thức tự xuất bản – tác giả Việt tự kinh doanh tác phẩm của mình

Trên thế giới, hình thức tự xuất bản (tác giả sáng tác và tự quảng bá, kinh doanh tác phẩm của mình) đang phát triển mạnh mẽ và chiếm lấy miếng bánh thị phần của xuất bản truyền thống. Điều này là kết quả tự nhiên tất yếu khi tự xuất bản mang lại cho tác giả thu nhập tốt hơn nhờ tỷ lệ tiền bản quyền được hưởng lớn hơn. Đồng thời, nó cũng sẽ là bước đệm tốt để tác giả có cơ hội ký hợp đồng với các nhà xuất bản truyền thống với mức tỉ lệ tiền bản quyền cao hơn.

Tuy nhiên, với hiện trạng của thị trường xuất bản sách điện tử Việt Nam hiện nay, hình thức tự xuất bản chưa thể hội tụ đủ điều kiện để phát triển như các nước khác trên thế giới như Mỹ, Anh. Trong giai đoạn đầu, thị trường rất cần sự đầu tư và hỗ trợ của những tổ chức có năng lực và kinh nghiệm. Waka là đơn vị tiên phong thực hiện sứ mệnh này tại Việt Nam nhằm “đỡ đầu” cho thời kỳ manh nha non nớt của hình thức tự xuất bản.

Theo báo cáo thị trường Quý II & III/2018 của Waka, từ cuối năm 2017, nền tảng này đã chính thức thành lập Nhóm 4.0 – chuyên sáng tác văn học mạng. Dự án này của Waka theo đuổi 3 mục tiêu chính: Sáng tác theo nhóm, tạo tiền đề cho những tác phẩm đồ sộ trong tương lai; viết truyện dài kỳ, khai thác nhiều thể loại khác nhau; và đào tạo tác giả trẻ trở thành những tay viết chuyên nghiệp.

Khi các tác giả đã đủ lông đủ cánh, họ có thể “tự đứng trên đôi chân” của mình và sống được với nghề viết. Lúc đó, cùng với những yếu tố khác về mặt quy định pháp luật, hình thức tự xuất bản tại Việt Nam sẽ có cơ hội chính thức vận hành theo mô hình chuẩn như trên thế giới.

Cũng giống như nền kinh tế và xã hội nói chung, lĩnh vực xuất bản sách hay nói cụ thể hơn là tầng lớp tác giả và hệ thống xuất bản của Việt đang ở giai đoạn “đang phát triển” để bắt nhịp với xu thế và những chuẩn mực mới của thế giới. Trong giai đoạn đó, mỗi nỗ lực, sáng kiến và sự dấn thân đều đáng được khuyến khích và trân trọng.

Waka là nền tảng xuất bản điện tử số 1 tại Việt Nam, trực thuộc Vega Corporation. Waka hiện đang hợp tác với hầu hết các nhà xuất bản và phát hành Việt Nam. Tính đến nay, Waka có hơn 3 triệu người đọc, và con số này đang trên đà tăng trưởng với tốc độ 40-50% mỗi năm. Với lợi thế mạnh mẽ này, Waka triển khai mô hình kinh doanh nền tảng để chia sẻ hạ tầng điện tử đã dày công phát triển với nhiều nhà phát hành và xuất bản khác trong cả nước; đồng thời tiên phong nghiên cứu và thực hiện những ý tưởng sáng tạo để đóng góp tích cực cho sự phát triển của lĩnh vực xuất bản điện tử tại Việt Nam. Báo cáo thị trường sách điện tử được Waka thực hiện và công bố định kỳ 6 tháng 1 lần kể từ 2017, cung cấp một cái nhìn toàn cảnh, độc lập và đáng tin cậy về lĩnh vực sách điện tử thế giới và Việt Nam. Để biết thêm thông tin chi tiết về Báo cáo, vui lòng truy cập: https://waka.vn/bao-cao-thi-truong-sach-dien-tu.

MỚI - NÓNG