Làm gì khi bế tắc trong cuộc sống và công việc

Làm gì khi bế tắc trong cuộc sống và công việc
TPO -Em 26 tuổi, chưa có gia đình, đi làm được 3 năm. Hiện tại em đang cảm thấy bế tắc trong cuộc sống khi mà công việc đang trở nên bế tắc và bản thân em cũng chưa biết nên định hướng thế nào.

> Mẹo cân bằng cuộc sống và công việc
> Quy tắc Perma cân bằng cuộc sống

 
Làm gì khi bế tắc trong cuộc sống và công việc ảnh 1

Em tốt nghiệp trường Đại học Khoa học Tự nhiên nhưng ra trường em lại chọn và làm việc trong môi trường bệnh viện. Nhìn chung công việc phù hợp và đúng với chuyên ngành của mình, nhưng có điều lạ là nhiều người lại nghĩ em không phải dân chuyên ngành y mà chỉ là trái ngành, cho nên đôi khi em cũng không cảm thấy tự tin trong công việc cho lắm. Mặc dù thế em vẫn làm rất tốt công việc của mình và được đồng nghiệp trong cùng phòng tôn trọng ,nhưng với những người khác trong bệnh viện thì họ lại không nghĩ như vậy. Ngày mới vô làm việc em thực sự rất thích và tâm huyết với công việc nên được trưởng khoa giao cho nhiều việc quan trọng để làm, cho đến bây giờ đã gần 3 năm rồi và công việc đần dần đi vào đúng hướng như em muốn, nhưng khi đạt được điều ấy rồi hiện tại em không còn thấy động lực nữa, và công việc dần trở nên nhàm chán vì nó cứ lặp đi lặp lại và hiện tại tính cống hiến của em không còn như trước vì rất nhiều nguyên nhân:

Trước hết em nghĩ nếu cứ tiếp tục làm ở bệnh viện thì em sẽ không có khả năng thăng tiến trong nghề nghiệp bởi tình chất công việc hiện tại chỉ có thế.

Thứ hai: Hiện tại môi trường làm việc trong khoa tương đối ổn vì có một trưởng khoa tốt bụng và luôn biết cách dung hoà, nhưng những đồng nghiệp xung quanh em thì có lẽ không được như vậy vì họ chỉ biết nghe và coi trọng trưởng khoa thôi, 2 năm nữa khi trưởng khoa về hưu rồi thì không biết ai sẽ là người thay thế, dù cho là ai đi nữa em cũng chỉ sợ những người đó không còn nề nếp như cũ mà chỉ biết làm theo ý mình thôi, em thì còn quá trẻ nên dù họ có coi trọng năng lực của em nhưng chắc chắn họ cũng sẽ không coi trọng lời em nói vì ai cũng chỉ biết đến lợi cho mình

Thứ ba: em làm việc trong cơ quan nhà nước nên thực sự lương bổng cũng không cao lắm, và có lẽ đây là điều làm em suy nghĩ nhiều lắm, vì thật sự em mong muốn một mức lương cao hơn. Ở bệnh viện em do tính chất công việc khác nhau nên lương của các khoa phòng cũng khác nhau và có lẽ khoa em nằm trong số những khoa có mức lương thấp nhất

Thứ bốn: Công việc của em hiện giờ tuy ổn định nhưng thực sự em không còn động lực nhiều như trước vì nhiều lúc em thấy trách nhiệm mình lớn quá nhưng mức lương thì ai cũng giống nhau, hơn nữa công việc cũng không nhiều nên em có rất nhiều thời gian rảnh mà không dùng tới thì thật sự lãng phí.

Hiện tại thì em sắp hoàn thành xong khoá học văn bằng 2 (hệ chính quy) của trường ngân hàng và sắp tới em dự định thay đổi công việc của mình. Đây là điều mà em đã vạch ra từ trước từ lúc vào bệnh viện làm, nhưng rồi em bắt đầu băn khoăn lo sợ khi mà em đã dành 3 năm trời để gắn bó với công việc cũ, giờ thay đổi không biết em có thích nghi và phù hợp với công việc mới? Dù sao thì em cũng sợ nếu bấy giờ không thay đổi có lẽ sẽ chẳng bao giờ em có cơ hội mới nữa vì em nghĩ ai cũng vậy khi đã vào làm nhà nước rồi thì rất dễ bị ì ạch và quyết định thay đổi công việc là điều rất khó khăn.

Em nói những điều trên hơi dài dòng Nhưng tóm lại hơn bao giờ hết em đang cần một lời khuyên và mục đích của em hiện giờ là muốn tìm một công việc mới phù hợp với mình mà mức lương cao hơn . Còn cuộc sống hiện tại thì em đang bế tắc chủ yếu là do công việc đem lại.

Em cũng không biết mình có phù hợp với ngành kinh tế-ngân hàng không nữa, và liệu em có phải đang đứng núi này trông núi nọ. Xin chuyên mục cho em lời khuyên.

Chào bạn.

Trước tiên tôi chia sẻ sâu sắc với những tâm sự, băn khoăn của bạn. Trong công việc, đôi khi chúng ta phải gánh chịu những gánh nặng vô hình. Tuy nhiên, bạn tránh để những gánh nặng này làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn nhé.

Tôi xin vắn tắt lại những vướng mắc của bạn như sau:

Thứ nhất, bạn đang công tác trái ngành với chuyên môn đã học.

Thứ hai, lương bổng chưa phù hợp khiến bạn không cảm thấy thỏa mãn.

Thứ ba, môi trường làm việc và sự thăng tiến không rõ ràng tạo sự nhàm chán trong công việc.

Để giải quyết vấn đề của bạn hiện nay thì điều quan trọng nhất mà bạn cần làm trước tiên đó là xác định cho mình mục tiêu nghề nghiệp. Điều này có nghĩa là bạn phải xác định cho mình con đường sự nghiệp trong khoảng thời gian cụ thể (từ 3 đến 5 năm). Từ đó bạn sẽ dễ dàng gỡ từng băn khoăn của mình.

Chúng ta hãy nói về vướng mắc đầu tiên của bạn.

Theo thư bạn viết thì tuy công việc hiện nay dù không đúng chuyên môn (như những người đồng nghiệp nghĩ) nhưng bạn cũng đã hoàn thành tốt trách nhiệm được giao 3 năm nay. Vậy thì điều gì đã làm bạn cảm thấy không tự tin như vậy? Bạn có năng lực và thực tế đã chứng minh được điều đó. Vậy thì tại sao lại quá quan tâm đến suy nghĩ của những người khác mà tự tạo gánh nặng cho mình? Tôi cho rằng, có thể bạn đã đánh mất đi niềm hăng say và chủ quan với khả năng, tình hình môi trường làm việc hiện tại.

Đặc biệt, bạn cảm thấy “yên tâm” với vị sếp trực tiếp của mình. Cũng chính vì điều này mà bạn cảm thấy hoang mang khi sắp tới, 2 năm nữa vị trưởng khoa ấy cũng sẽ về hưu. Về phần này, tôi nghĩ cách tốt nhất bạn nên chia sẻ những suy nghĩ, lo lắng của bạn với cấp trên trực tiếp để được hướng dẫn, định hướng trong công việc sắp tới của bạn. Bên cạnh đó, bạn hãy tìm lại niềm đam mê, hăng say trong công việc để mỗi ngày đi làm bạn luôn cảm thấy mới mẻ và hứng thú với công việc.

Về phần lương bổng, quả là mức lương của cơ quan nhà nước khác với doanh nghiệp tư nhân rất nhiều. Để cải thiện mức lương, bạn có thể đề nghị với cấp trên về việc bổ sung bằng cấp cũng như thêm những chứng chỉ chuyên ngành bạn đang công tác để được tăng phúc lợi, thang bậc lương. Ngoài ra, trong thư bạn viết cũng có đề cập đến khoảng thời gian rảnh. Theo tôi, bạn có thể sử dụng khoảng thời gian này để làm một công việc ngoài giờ để kiếm theo thu nhập cho mình.

Cuối cùng, về quyết định có chuyển ngành hay không, tôi xin chia sẻ với bạn một vài ý kiến như sau:

Nếu như việc quyết định học văn bằng 2 của bạn có ý nghĩa bổ sung thêm kiến thức để thuận tiện cho việc thăng tiến trong công việc thì bạn cũng đã gần đạt được mục tiêu đó. Khi có văn bằng 2 thì bạn có thể đề nghị cấp lãnh đạo được công tác ở phòng ban, vị trí theo nguyện vọng. Khi đó, chắc chắn mức lương và khả năng thăng tiến của bạn cũng cao hơn. Việc chuyển hẳn sang một môi trường mới trong thời điểm này có thể sẽ là một quyết định khá mạo hiểm, đòi hỏi ở bạn nhiều cố gắng và quyết tâm hơn.

Trong trường hợp bạn đang có nhu cầu tìm công việc mới thì bạn nên cân nhắc những điều nên và không nên khi chuyển việc trong thời điểm này. Nếu bạn cảm thấy lòng say mê và yêu thích đối với công việc hiện tại là không và luôn hướng tới một môi trường mới thì còn chần chờ gì, hãy cố gắng hết sức để tìm cho mình một môi trường theo nguyện vọng. Việc nghi ngờ khả năng của mình có thích nghi được với môi trường kinh tế, ngân hàng chỉ làm giảm đi mức độ thành công vào mục tiêu mới của bạn.

Cuối cùng, tôi chúc bạn thành công với mục tiêu nghề nghiệp!

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: vieclamtienphong@gmail.com.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Vũ Thùy Như Linh
Trưởng nhóm tư vấn tuyển dụng Kiemviec.com

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.