Vì sao phụ nữ thôi việc?

Vì sao phụ nữ thôi việc?
Nghiên cứu mới cho thấy thỏa thuận về khối lượng công việc là cuộc đối thoại khó khăn nhất mà phụ nữ công sở phải đối mặt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cứ 5 nhân viên nữ thì có một người bỏ việc
Ảnh minh họa. Nguồn : Shutterstock
Ảnh minh họa. Nguồn : Shutterstock.

Kết quả trên được rút ra từ cuộc khảo sát online với 845 phụ nữ do Joseph Grenny, chuyên gia hàng đầu kiêm tác giả của cuốn sách bán chạy được tái bản lần thứ hai gần đây Crucial Conversations, và Cynthia Good, CEO kiêm biên tập viên của website kinh doanh dành cho phụ nữ đứng đầu Mỹ Litte Pink Book thực hiện. Nhóm khảo sát còn nhận thấy phái đẹp cật lực tranh đấu nhất để duy trì những cuộc thảo luận máu lửa với các đồng nghiệp nữ khác hơn là với nhân viên nam.

Theo Helene Vermaak, nhà tâm lý học của công ty The Human Edge chuyên về huấn luyện và hiệu quả tổ chức, một cuộc bàn luận mang tính quyết định là cuộc đối thoại mở tại chỗ làm việc xoay quanh các đề tài gây tranh cãi, nhạy cảm hoặc đầy táo bạo. Bằng việc học cách trao đổi và được lắng nghe, người ta có thể đưa ra những quyết định sáng suốt, phát hiện các ý tưởng hay nhất rồi sau đó cùng nhau hành động dựa trên quyết định hay ý tưởng này.

Các vấn đề khó khăn nhất mà phụ nữ công sở thường thảo luận gồm:

- Thỏa thuận về các hạn mức khi được yêu cầu làm nhiều hơn là hợp lý hoặc có thể chấp nhận được

- Đưa ra phản hồi về hiệu suất với ai đó mà không khiến họ tổn thương hay phá vỡ mối quan hệ hiện tại

- Yêu cầu tăng lương hoặc một thay đổi trong bản kế hoạch thành tích liên quan đến tăng lương.

- Không nhận được sự hỗ trợ từ những đồng nghiệp nữ khác.

Theo khảo sát, chỉ 13% phái đẹp “rất” hoặc “vô cùng” tự tin vào khả năng nêu ra một cách thẳng thắn và hiệu quả những vấn đề trên, trong khi số còn lại lo ngại mình sẽ bị quan sát nếu mạnh miệng nói thẳng hoặc hoàn toàn không làm việc cho một cơ quan khuyến khích kiểu đối thoại bộc trực. Tình trạng thiếu trao đổi và giải quyết các vấn đề đó là một trở ngại thật sự đối với hiệu quả làm việc. Phần đông phụ nữ lãng phí trung bình từ 1-5 ngày ngẫm nghĩ hoặc phàn nàn cùng người khác về một trong các chủ đề trên trước lúc tiến đến cuộc thảo luận quan trọng.

Điều gì xảy ra khi một cuộc trò chuyện then chốt gặp trục trặc? Gần một nửa thừa nhận một cuộc đối thoại căng thẳng thất bại khiến hiệu suất và sự tận tụy của họ sụt giảm; và cứ 5 phụ nữ thì có một cho biết họ từng nếm trải cảnh bàn bạc tồi tệ đến nỗi xin thôi việc.

Nhà tâm lý Vermaak cho rằng phụ nữ có thể nâng cao cảm giác hài lòng và thành công trong công việc bằng cách làm chủ khả năng dẫn dắt những cuộc thảo luận đầy tính mạo hiểm.

“Hầu hết chúng ta đều thất bại trong việc tạo ra sự liên kết giữa khả năng nêu vấn đề với ảnh hưởng cá nhân của mình”, Vermaak nói. “Và đến nay, cuộc nghiên cứu đã chứng minh những chị em khéo tiếp cận các vấn đề khó tại nơi làm việc thường thấy hài lòng nhiều hơn và đạt hiệu quả cao hơn”.

Chuyên gia Joseph Grenny, người thực hiện cuộc khảo sát trực tuyến nói trên, gợi ý 6 giải pháp từ cuốn Crucial Conversations cho việc tìm cách xử lý vấn đề gay go nhất ở công sở, thương lượng về khối lượng công việc:

Đòi quyền lợi

Đòi hỏi sự công bằng trong các hạn mức liên quan đến công việc sẽ dễ dàng các những mối bận tâm, bạn cần xem xét liệu mình có đang thật sự cống hiến nhiều hơn những gì được nhận lại.

Làm rõ mục đích

Đừng bắt đầu cuộc đối thoại với những lời phàn nàn mà nên khởi động bằng cách thiết lập mục đích chung với sếp. Bạn nên mở lời với ý “Tôi lo ngại về khối lượng công việc mình làm hiện giờ, nhưng tôi muốn nói rõ rằng tôi rất quan tâm đến việc góp sức vào thành công của bộ phận chúng ta. Tôi không muốn đưa ra những thay đổi khiến chúng ta thấy khó chịu hoặc đặt mục tiêu của chúng ta vào thế rủi ro”.

Đặt trọng tâm vào dữ kiện thực tế

Bạn không nên đi đường vòng với những kết luận hoặc tổng kết chung chung có thể đặt người khác vào thế tự vệ. Hãy đưa ra trường hợp cụ thể mà bạn muốn đề cập bằng cách chia sẻ các dữ liệu khách quan, chẳng hạn như “Tôi quan sát thấy những người làm đúng chức trách lại càng bị giao nhiều việc hơn”.

Khẳng định ranh giới

Cần làm rõ bất kì định mức nào liên quan đến chất lượng cũng như tiến độ của khối lượng công việc. Ví dụ, nếu có những nguyên tắc nào dành cho gia đình hoặc thời gian cá nhân mà bạn không muốn thương lượng, hãy trình bày thật rõ ràng và kiên định với chúng.

Đề xuất giải pháp

Bạn đừng xuất hiện với những lời phàn nàn mà nên có mặt với những giải pháp khả thi trước sếp. Nếu bạn chỉ trút rắc rối lên sếp, anh/cô ấy có thể giúp bạn giải quyết vấn đề nhưng khi đó, chính bạn sẽ làm tổn hại mối quan hệ giữa đôi bên.

Khơi gợi không khí đối thoại

Sau cùng, hãy mời sếp hoặc các đồng nghiệp chia sẻ quan điểm của họ. Người ta sẵn sàng lắng nghe những quan điểm thách thức nhất miễn là có thể tin tưởng bạn cũng cởi mở với cách nghĩ của họ.

Theo Women's Health

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG