'Bội thực' hội đồng, ban chỉ đạo và… họp

'Bội thực' hội đồng, ban chỉ đạo và… họp
TP - Hiện nay, trong các cơ quan nhà nước đang bị “bội thực” các hội đồng, các ban chỉ đạo...

Tại trường P, ngoài ban giám hiệu và các phòng, ban chuyên môn có tổ chức, biên chế cứng còn có hàng chục hội đồng, ban chỉ đạo khác được lập ra. 

Ngoài những tổ chức được thành lập theo quy chế như hội đồng trường, hội đồng khoa học - đào tạo, hội đồng tuyển sinh, hội đồng thi tốt nghiệp, hội đồng thi kết thúc học phần, hội đồng xét lên lớp, hội đồng xét rèn luyện học sinh, sinh viên, hội đồng thi đua, khen thưởng, hội đồng kỷ luật, hội đồng tuyển dụng, hội đồng xét duyệt biên chế, hội đồng nâng lương, hội đồng thanh lý tài sản, hội đồng kiểm kê... còn có các ban chỉ đạo các cuộc vận động,  ban chỉ đạo sinh hoạt hè, ban chỉ đạo lễ khai giảng, ban chỉ đạo các hội thi...

Nếu kể hết, không dưới ba chục hội đồng, ban chỉ đạo. Tất cả Hội đồng đó đều do hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng đứng đầu, ông hiệu trưởng kiêm đến vài chục cái chủ tịch hội đồng và nhiều khi không nhớ rõ mình làm chủ tịch những hội đồng nào.

Tại sao tư cách hiệu trưởng được Nhà nước giao cho đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm lại không thể điều hành được công việc mà phải đóng thêm vai chủ tịch hội đồng mới điều hành được?

Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, các cơ quan chuyên môn và của hiệu trưởng.

Căn cứ vào đó, hiệu trưởng có quyền quản lý, điều hành các phòng, ban thực hiện  nhiệm vụ nhưng thực tế gần như mọi việc đều phải  thông qua hội đồng.

Theo định nghĩa, Hội đồng chỉ là tổ chức tư vấn cho hiệu trưởng, nhưng chưa qua hội đồng thì hiệu trưởng vẫn chưa quyết định được. Có nhiều vấn đề rõ như ban ngày nhưng hiệu trưởng vẫn không thể quyết định nếu chưa thông qua hội đồng.

Người ta cho là do cơ chế, nhưng cơ chế cũng do con người đặt ra? Có nhiều cuộc họp hội đồng, các thành viên chỉ nghe thư ký báo cáo và gật đầu chứ không thể thêm bớt gì nhưng vẫn phải họp.

Ví dụ Hội đồng xét lên lớp: quy chế quy định học sinh học lực, rèn luyện trung bình trở lên là được lên lớp.

Kết quả học tập, rèn luyện do giáo viên báo cáo, Phòng đào tạo tổng hợp, hiệu trưởng đã ký duyệt, thế nhưng vẫn phải trình ra hội đồng thì hiệu trưởng mới ký quyết định học sinh lên lớp.

Quả là nhiêu khê về hình thức nhưng bản chất sự việc không có gì thay đổi. Nhiều người cho rằng như vậy là dân chủ nhưng dân chủ phải đâu cái gì cũng phải thông qua hội đồng, nếu vậy thì vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của thủ trưởng để đâu, thanh tra, kiểm tra làm gì ?

Việc lập ra quá nhiều hội đồng, ban chỉ đạo  là nguyên nhân cơ bản làm cho bộ máy hoạt động kém hiệu quả, vai trò vị trí, quyền hạn của người đứng đầu không được phát huy, dẫn đến giải quyết công việc chậm trễ, ách tắc, biên chế phình ra, tạo cơ hội cho những người kém năng lực đùn đẩy trách nhiệm.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến ở nước ta hội họp quá nhiều, nhiều đến mức loạn họp, tốn kém tiền của, thời gian.

Là một viên chức quản lý nho nhỏ trong nhà trường, tôi đã thống kê bình quân phải dự họp 4 buổi/tuần ( tuần làm việc có 10 buổi ), mất 40% thời gian lao động.

Một trường học đã từng ấy hội đồng, ban chỉ đạo, thử nhân lên một xã, một huyện, một tỉnh, cả nước sẽ là bao nhiêu hội đồng, bao nhiêu cuộc họp ?

Hãy trao quyền cho những người quản lý và bắt họ làm đúng thẩm quyền. Hãy xoá bỏ các hội đồng vô thưởng, vô phạt sẽ giảm đi các cuộc họp vô bổ. Đó cũng là một nội dung cải cách hành chính nhà nước nên quan tâm.

MỚI - NÓNG