Hậu xuất ngoại: Thất nghiệp

Hậu xuất ngoại: Thất nghiệp
TP - Lãnh đạo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) mới đây dự đoán khó đạt chỉ tiêu 90.000 người ra nước ngoài làm việc trong năm 2009.

Đây là nỗi lo hằng năm của bộ. Nhưng, ở khâu cuối chu trình xuất khẩu lao động (hết hạn hợp đồng về nước) đang chất chứa nỗi lo tái thất nghiệp - thì chẳng mấy ai quan tâm.

Tại một hội nghị toàn quốc về xuất khẩu lao động và việc làm - một chuyên gia Bộ LĐ-TB&XH tự trào: Chính sách hậu xuất khẩu lao động là thất nghiệp. Có lẽ đúng!

Có thể vẽ hành trình xuất ngoại của lao động Việt Nam như sau: Thất nghiệp - Tìm đến doanh nghiệp - Vay vốn ngân hàng - Ra nước ngoài làm việc -  Hết hạn hợp đồng về nước - Thất nghiệp.

Trên hành trình này, ngay từ trong nước lao động đã rất cơ cực vượt cửa ải doanh nghiệp và ngân hàng. Trước khi đi, lao động phải đóng cho doanh nghiệp khoản phí khổng lồ so với thu nhập của họ. Có thị trường, lao động phải đóng 15.000 USD (phí môi giới, visa, hộ chiếu, khám sức khoẻ, đào tạo… và đặc biệt là đặt cọc).

Khoản tiền ấy, lao động chỉ có cách nhờ vả ngân hàng. Hành lý lên đường của lao động nghèo ngoài khoản nợ khổng lồ là những dặn dò gan ruột của người thân: Chịu khó làm ăn, nếu phá hợp đồng thì chỉ còn cách đi ăn xin.

Khoản nợ sẽ luôn nhắc nhở lao động phương án trả nợ. Điều này đôi khi khiến lao động mất bình tĩnh khi làm việc ở nước ngoài (đây được coi là một phần nguyên nhân đình công, bỏ nhà máy ra ngoài làm, trộm cắp…).

Với hợp đồng ba năm, thông thường lao động mất ít nhất hai năm cày cuốc trả nợ, năm còn lại là kiếm chút cho riêng mình. Nhìn hành trình xuất ngoại thấy doanh nghiệp và ngân hàng thật sự không thiệt. Còn lo lắng, rủi ro lao động gánh hết rồi.

Đó là chưa kể trên chặng đường xuất ngoại ấy, lao động còn bị môi giới (thường gọi là cò) chặn đường rỉa hầu bao. Nếu bị lừa đảo nữa thì phận nghèo khó mà lấy lại sức. Những chuyến ra đi mang giấc mộng đổi đời của người nghèo thấy mà thương!

Thế rồi hết hợp đồng về nước thì sao? Bao năm nay những người làm công tác xuất khẩu lao động chỉ chú trọng làm sao đưa đi thật nhiều (để doanh nghiệp thu phí, quản lý thì báo cáo thành tích giải quyết việc làm bền vững) nhưng lại không quan tâm là từ nước ngoài trở về lao động làm gì.

Hằng năm chúng ta đón một lượng lớn lao động hết hợp đồng về nước. Đó là lao động có nghề, có kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài cần tái sử dụng. Nhưng không ai quan tâm điều đó, họ trở về quê tự mò mẫm rồi lại thất nghiệp (một số nhỏ tự mở cơ sở sản xuất hay do cơ may có việc làm ổn định).

Bộ LĐ - TB&XH đang thiếu chính sách cho vấn đề này. Chừng nào chưa có chính sách hậu xuất khẩu lao động thì chừng ấy con đường xuất ngoại của lao động nghèo còn chông chênh.

Người lao động ra nước ngoài làm việc nếu biết về nước mình được doanh nghiệp, khu công nghiệp… tiếp nhận theo chính sách hậu xuất khẩu lao động thì con đường xuất ngoại của họ sẽ bớt căng thẳng và rủi ro. Điều đó cũng giúp nhà nước sử dụng có hiệu quả chất xám từ xuất khẩu lao động. 

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.