Làm đau người khác vì những lời vô tâm

Làm đau người khác vì những lời vô tâm
Đến thăm chị Lan đồng nghiệp mới sinh đầy tháng, Tâm, một kỹ sư xây dựng mới ra trường lên như phát hiện được điều thú vị "thằng bé giống mẹ mũi tẹt quá nhỉ!", khiến chị Lan nóng hết cả mặt.

Đứa con đầu lòng được cả nhà mong mỏi mãi, nhất là với chị Lan, nhân viên thiết kế của một công ty tư vấn xây dựng tại Hoàng Mai, Hà Nội, lấy chồng 4 năm mới sinh con.

Thằng bé mới sinh, đường nét vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng cái mũi thì đã lộ ra vẻ giống mẹ, tẹt ở giữa và bành ra ở hai cánh mũi.

Khách đến chơi đều nhận ra điều đó, kể cả chủ nhà, nhưng ai cũng khen thằng bé dễ thương khiến chị Lan rất vui vẻ khoe con. Câu nói bất ngờ của Tâm khiến chị buồn lòng quá đỗi.

Không chỉ có thế, từ đó cho đến lúc về, Tâm tiếp tục hân hoan với những nhận xét kiểu như "nó trông ngắn nhỉ, giống mẹ rồi, sau này lại phải đóng thêm đế giày đây" hay "nó không xinh trai bằng bố phải không?", khiến chị Lan day dứt mãi.

Trường hợp "khen" không phải lối như kiểu Tâm không phải là hiếm. Nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ chưa có gia đình, thường hay vô tâm khi đưa ra các lời nhận xét, đặc biệt là khen chê con của bạn bè, đồng nghiệp khiến người đối diện phật lòng.

Quang Tú, sinh viên năm cuối Bách khoa Hà Nội, đến thăm anh họ tại khu chung cư Yên Hoà. Trong bữa cơm thân mật, Tú luôn miệng kể về con của anh trai mình, không quên so sánh với bé Thu, 3 tuổi, con của ông anh họ: "Cháu gầy quá nhỉ, gầy hơn chị Mai nhiều, lại nhút nhát hơn, thế này thì làm sao có bạn đươc?!" khiến ông anh họ phát cáu phải đổi sang chủ đề khác.

Con cái bao giờ cũng tuyệt vời, nhất là trong mắt các ông bố bà mẹ. Vì thế, những lời nhận xét tiêu cực, dù vô tâm, cũng có thể làm mất đi thiện cảm của các bậc phụ huynh đó.

Ngược lại với vô tâm, quan tâm nhưng quá đà cũng có thể khiến bạn trở thành người đáng ghét trong mắt đồng nghiệp. Quyên, một cô gái xinh xắn đang làm biên tập viên cho một nhà xuất bản tại quận Ba Đình, rất thích can thiệp vào chuyện của người khác.

Trong văn phòng, bất cứ chỗ nào có người tụ tập, bất cứ ai nói gì cô đều dỏng tai lên nghe và nhảy xổ vào góp chuyện. Đồng nghiệp mua áo mới, cô phán: "Trông già quá, chả hợp với chị tí nào, chị phải mua hàng của shop thời trang ấy chứ, hàng chợ thì làm sao mà đẹp được!".

Anh bạn đồng nghiệp gắn bó với chiếc điện thoại samsung cũ, vỏ đã tróc sờn, một kỷ vật của bạn tặng, thì cô bảo: "Điện thoại của anh cổ lỗ sĩ thế, ai mà cũng như anh thì hãng điện thoại chết hết, tiền anh cất làm gì, để lấy vợ hai à?!".

Có khi người nghe đã im lặng, quay lại với bản thảo từ lâu nhưng cô vẫn đứng đó "góp ý" hết chuyện này đến chuyện khác. Biết là cô không có ý xấu, nhưng nhiều người khó chịu với cách nói vỗ mặt như vậy, và lặng lẽ lảng ra xa.

Còn Liên, nhân viên bán hàng của một công ty may mặc tại Cầu Giấy, thì rất thích thú khi kể cho người khác nghe rằng anh A, chị B đã nói không hay về họ như thế nào.

Cô cứ vô tư phán những câu kiểu như "Em thấy chị Hằng bảo là chị hơi tồ đấy", hay "hôm qua cái Loan nói là chị dạo này trông già thế", khiến ai ngồi gần cô được một lúc cũng phải lấy cớ cáo lui. Và không hiểu có phải một phần vì thế mà đi làm 6 năm rồi, cô vẫn một mình lẻ bóng.

Khen, chê cũng là một phần tất yếu của giao tiếp, là phương tiện để người khác hiểu mình, thể hiện mình. Nhưng đôi khi nói nhiều mà không cân nhắc sẽ biến bạn thành kẻ "lắm lời, vô tâm" và trở nên vô duyên trong mắt người khác.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Theo Thuận An
VnExpress

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.