Đào tạo điều dưỡng, hộ lý xuất ngoại: 

Lần đầu tiên chuyên nghiệp?

Lần đầu tiên chuyên nghiệp?
TP - Lần đầu tiên, điều dưỡng viên và hộ lý được đào tạo bài bản tại Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến (thuộc Bệnh viện Lão khoa T.Ư), cung cấp cho các bệnh viện, trung tâm điều dưỡng, gia đình và xuất ngoại. Lớp học đầu tiên được khai giảng ngày 11-1.
Lần đầu tiên chuyên nghiệp? ảnh 1
Lớp đào tạo điều dưỡng, hộ lý lão khoa - Ảnh: P.S

PGS - TS Phạm Thắng - Giám đốc BV Lão khoa T.Ư cho biết, người chăm sóc (hộ lý, giúp việc gia đình) làm những việc tắm rửa, vệ sinh, mặc quần áo, đo huyết áp, thay băng thông thường cho bệnh nhân, người già… được đào tạo tại Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến  khoảng 1 tháng để làm việc trong nước và 3 tháng để ra nước ngoài làm việc.

“Trên cơ sở kiến thức chung về điều dưỡng, hộ lý, mỗi thị trường lao động phải nghiên cứu kỹ để điều chỉnh nội dung, thời lượng giảng dạy theo thỏa thuận. Hoàn thành chương trình, học viên được cấp chứng chỉ, có giá trị toàn quốc” - Ông Thắng cho biết.

Theo lãnh đạo trung tâm, lâu nay lao động xuất ngoại lĩnh vực y tế (chủ yếu là giúp việc gia đình và tại các viện dưỡng lão) trình độ hạn chế nên gây ra rất nhiều phiền phức.

Bước đột phá ở đây đối với lao động, ngoài học kiến thức, có hệ thống cơ sở vật chất, dụng cụ, mô hình, phương tiện hiện đại để thực hành. Học viên được thực tập trên người bệnh thật tại bệnh viện…

Lãnh đạo trung tâm này khẳng định: “Nếu làm tốt, chúng ta sẽ đưa lao động chiếm lĩnh các thị trường như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…”.

Ông Nghiêm Quốc Hưng, Giám đốc Cty Hoàng Long, đơn vị liên kết đào tạo với trung tâm, cho rằng: Những khó khăn của nền kinh tế vừa qua cũng là bài học cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động hiểu rõ là lao động có nghề ổn định, về sau có thể kiếm sống, chứ không dừng lại ở những kỹ năng kiểu ăn xổi. Tay nghề vững, chứng chỉ đầy đủ, người lao động có thể tự tin làm ở những cơ sở mình đến.

Nhu cầu lớn

Theo các chuyên gia lão khoa, Việt Nam có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới (hiện tuổi 60 trở lên chiếm khoảng 10%).  Trong khi đó, hệ thống bệnh viện lão khoa ở nước ta ngoài Bệnh viện  Lão khoa T.Ư, có 3 bệnh viện dành cho cán bộ là Việt Xô (Hà Nội), Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM).

Đối với các bệnh viện đa khoa khu vực, tỉnh, Bộ Y tế chỉ đạo thành lập mỗi bệnh viện một Khoa lão, nhưng hiện có 50% trong số đó thực hiện. Ngoài ra còn có các trung tâm điều dưỡng, trại dưỡng lão tư nhân. Tuy nhiên, nhân sự tại những nơi này thiếu bằng cấp, còn tự phát, chưa có yếu tố y tế.

Ông Thắng cho biết, sắp tới sẽ tiêu chuẩn hóa các trung tâm điều dưỡng. Nhân lực lĩnh vực lão khoa đã qua đào tạo hiện rất thiếu.

Cả nước chưa có trường nào đào tạo về điều dưỡng và hộ lý lão khoa. Ngay trường ĐH Y Hà Nội cũng chưa có mã số bộ môn Lão khoa, mà chỉ có phân môn Lão khoa nằm trong bộ môn nội. Các bệnh viện đang sử dụng điều dưỡng chung.

“Người già có những đặc điểm tâm lý, bệnh lý riêng; cùng một lúc bệnh nhân có thể mắc nhiều bệnh, chủ yếu là mãn tính.

Mặt khác, dự trữ về sức khỏe họ yếu, khi bị bệnh, các hoạt động chức năng suy giảm nhanh, hoạt động tắm rửa, vệ sinh, nấu nướng, ăn uống gần như khó thực hiện… Vì thế, điều dưỡng, hay người chăm sóc phải được đào tạo riêng”- ông Thắng nhấn mạnh.

Ngay cả BV Lão khoa T.Ư hiện nay, nhiều gia đình vẫn phải tự đi thuê người chăm sóc ở ngoài, BV không thể đáp ứng đủ.

Theo khảo sát Cty Hoàng Long, đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm cung ứng nhân sự chăm sóc người bệnh cho nước ngoài, nhu cầu chăm sóc lão khoa ở các nước rất lớn nhưng lao động ta khó thâm nhập và tạo được uy tín vì chất lượng chưa ổn.

Lâu nay, chúng ta đưa lao động theo dạng người giúp việc, chưa được đào tạo. Hiện thị trường Đài Loan có khoảng 3.000 trung tâm điều dưỡng đang cần người.

Trung tâm ( địa chỉ 72-74 Tân Xuân, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) đang tuyển sinh trong cả nước, số lượng 100 người; tuổi 20-35, sức khỏe tốt, tốt nghiệp THCS trở lên; ưu tiên người đã qua các lớp đào tạo về ngành Y, kinh nghiệm chăm sóc người bệnh, người từng làm hộ lý, giúp việc ở nước ngoài về.

Sau khi có chứng chỉ, nếu có nhu cầu, học viên được bố trí làm việc tại các bệnh viện trong nước, trung tâm dưỡng lão; hoặc sang Đài Loan làm việc.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.