Ðường đi không trải thảm

Lớp học Yoga.
Lớp học Yoga.
TP - Khi dấn thân vào Startup (khởi nghiệp sáng tạo), nhiều người đã đạt được những thành quả không tưởng, nhưng cũng có không ít người thất bại. Với các thủ lĩnh Startup, “bí kíp” khởi nghiệp không chỉ là sự quyết tâm mà còn là kiến thức thâm sâu, kinh nghiệm thương trường cũng như bản lĩnh lãnh đạo.

Dám nói “Yes” cho những điều chưa làm

Là một trong 30 gương mặt trẻ nổi bật “30 Under 30” do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn, được chọn làm MC dẫn chương trình đối thoại với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại TPHCM vào tháng 5/2016, Ngô Thùy Ngọc Tú, 30 tuổi - đồng sáng lập hệ thống giáo dục Anh ngữ Yola, đồng sáng lập ELSA- một ứng dụng di động thông minh từng được giải thưởng quốc tế, giúp người học phát âm chuẩn và tự tin hơn.

Tập tành khởi nghiệp từ khi còn là học sinh phổ thông cho đến khi du học tại đại học Stanford, với Ngô Thùy Ngọc Tú thành công nhất và cũng tâm huyết nhất của chị là sự phát triển của hệ thống giáo dục Anh ngữ Yola, một trong những hệ thống đào tạo tiếng Anh hàng đầu Việt Nam. Bằng kinh nghiệm của mình, Tú cho rằng, điều quan trọng nhất là phải có đam mê, có mục tiêu, thấy được ý nghĩa của đam mê để sẵn sàng dấn thân.

“Con đường khởi nghiệp sẽ rất thú vị với các bạn thích học nhiều trong một thời gian ngắn và dám nói “Yes” cho những điều chúng ta chưa làm bao giờ. Tôi đã thực tập trong môi trường của những công ty lớn với mức lương tương đối cao nhưng đó không phải là ước mơ của mình, không phải cuộc sống của mình. Vì vậy, tôi quyết định thành lập cho mình một con đường riêng, để mỗi buổi sáng thức dậy, tôi biết là tôi đang được sống trong ước mơ của chính mình”, Tú nói.

Khi đã có ý tưởng khởi nghiệp, điều cần thiết của một Startup là phải tìm được một thị trường tốt để phát triển đồng thời củng cố kiến thức thật vững chắc. “Tôi đi rất nhiều hội thảo và các chương trình phát triển lãnh đạo trẻ ở Đông Nam Á, Châu Âu, Hoa Kỳ… Qua đó, tôi biết được mình đang thiếu những kỹ năng gì. Đồng thời, có điều kiện để nhìn tổng thể hoàn cảnh, môi trường, mục tiêu, điểm mạnh, của những sinh viên, thế hệ trẻ ở các nước khác để tạo nguồn cảm hứng, hiểu được những nguồn lực và sự chuẩn bị nào giúp họ đạt được mục tiêu như thế. Từ đó, bạn có thể đi ngược lại, vậy thì mục tiêu của bạn từ tương lai là gì và bạn sẽ cần sáng tạo và làm điều gì?”, Tú nói.

Ðường đi không trải thảm ảnh 1 Ngô Thùy Ngọc Tú.

Nhà sáng lập Yola cho rằng, những điều thiết yếu mà mỗi bạn trẻ cần phải trang bị cho mình là vốn tiếng Anh thật tốt để tiếp xúc những trang web, tài nguyên quốc tế, những tư duy khởi nghiệp của các nhà sáng lập hàng đầu thế giới. Học tư duy về cách học, về cách kết nối, cách sáng tạo, học cách thất bại và liên tục có những thí nghiệm cho mô hình của mình. Quan trọng hơn cả là tư duy tự tin chính bản thân mình có thể vượt qua những rào cản, định kiến cố hữu nào đó mình đã tự có từ rất lâu.

Hơn nữa, khi khởi nghiệp cần có kỹ năng làm việc nhóm, biết lắng nghe và tiếp nhận ý kiến đóng góp của mọi người.

Khởi nghiệp là cả một quá trình và không thể tránh được những khó khăn trước mắt, khi đó nhiều bạn trẻ sẽ chán nản nếu không thoát ra được. “Vì vậy, hãy chia sẻ với gia đình, các bạn đồng sáng lập và những người bạn thân. Luôn nhớ về lý do tại sao mình bắt đầu và ý nghĩa của những việc mình xây dựng nên. Như tôi, đó có thể là cuộc sống của các em học sinh được thay đổi như thế nào, hay các bạn nhân viên Yola phát triển ra sao?”, Tú chia sẻ.

“Mỗi người có một kỹ năng và cá tính riêng, bạn phải biết tận dụng các kỹ năng của họ, tạo điều kiện để mọi người tranh luận thẳng thắn, sự tin tưởng lẫn nhau để có thể tiếp tục bước tiếp con đường khởi nghiệp. Tôi tin rằng nếu có cộng sự tốt, khả năng thành công của doanh nghiệp sẽ lớn hơn bạn chỉ khởi nghiệp một mình”.  

   Ngô Thùy Ngọc Tú

 Gạt bỏ mọi rào cản

Nhiều bạn trẻ khi mới có ý tưởng khởi nghiệp đã nản chí bỏ cuộc khi gặp phải không ít sự phản đối từ gia đình, bạn bè cho đến những khó khăn về kinh tế, tìm kiếm thị trường… Với thủ lĩnh Startup, đây cũng là bước đầu tiên, điều quan trọng nhất khi khởi nghiệp.

Nhắc đến những thủ lĩnh Startup, không ai lạ gì với cái tên Nguyễn Hải Ninh (SN 1987) bởi anh là người sáng lập 2 chuỗi cà phê Việt đình đám Urban Station và The Coffee House. Anh cũng là 1 trong 30 người trẻ có tầm ảnh hưởng nhất châu Á, có mặt trong danh sách “30 gương mặt trẻ nổi bật dưới 30 tuổi ” do tạp chí Forbes Việt Nam năm 2016 do Forbes Việt Nam bình chọn.

Ðường đi không trải thảm ảnh 2 Nguyễn Hải Ninh.

Từ khi còn là sinh viên, Nguyễn Hải Ninh đã tham gia nhiều hoạt động xã hội, làm thêm nhiều việc ở các quán cà phê, phiên dịch… Nhờ những kiến thức thực tế, ứng xử linh hoạt, khi vừa ra trường, Ninh đã là 1 trong 20 người ghi danh vào “Chương trình quản trị viên tập sự của Pepsi” với mức lương khủng và hứa hẹn thăng tiến không ngừng trong công việc.

Sau 1 năm thử việc tại Pepsi, Ninh quyết định bỏ công việc ở Pepsi để tìm kiếm con đường cho riêng mình. Ninh cùng cộng sự mở chuỗi cửa hàng cà phê Urban Station, chập chững những bước đi đầu tiên. Chưa có kinh nghiệm, Ninh cũng gặp không ít khó khăn do chọn sai mặt bằng, chọn sai phân khúc khách hàng, thị hiếu thị trường… dẫn đến thua lỗ kéo dài.

Gặp khó không nản, Ninh không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước để tìm đường đi đúng hướng cho Urban Station. Khi Urban Station đang trong giai đoạn phát triển với doanh thu trên 6 triệu USD/năm thì Nguyễn Hải Ninh lại quyết định ra đi và tìm cho mình hướng phát triển mới.  “Mình yêu thích làm việc với con người, với tập thể, để cùng họ điều hành và phát triển một cái gì đó mang lại giá trị hạnh phúc cho khách hàng. Khi Urban Station không đi theo định hướng ban đầu, mình quyết định ra đi để tìm con đường mới”, anh Ninh nói.

Ðường đi không trải thảm ảnh 3

Với kinh nghiệm xương máu từ Urban Station, dù gặp không ít khó khăn khi mới cho ra đời chuỗi cà phê The Coffee House, Nguyễn Hải Ninh nhanh chóng vượt qua và đưa The Coffee House phát triển không ngừng, mở rộng các chi nhánh với hơn 60 cửa hàng trên toàn quốc.

Chia sẻ về những quyết định khởi nghiệp của mình, Nguyễn Hải Ninh cho rằng, khi bước vào lĩnh vực này, rào cản đầu tiên và lớn nhất của mỗi người không đâu xa mà từ chính người thân, gia đình mình. “Bởi những gia đình truyền thống không dễ dàng chấp nhận cho bạn nghỉ công việc lương cao, ổn định để bước ra đời đối mặt với những khó khăn, rủi ro. Khi đó, bạn phải vượt qua rào cản đầu tiên này và chứng minh cho mọi người thấy quyết định của mình là đúng đắn”, Hải Ninh chia sẻ.

Sự thành công của anh là thành quả của sự đúc kết từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tư duy logic và quyết định sáng suốt cùng với những kiến thức thực tế xã hội. “Đam mê, đi đúng sở trường, sản phẩm của bạn phải là cái xã hội đang cần. Cũng như phải có định hướng một cách rõ ràng, phải xác định mình làm gì, muốn là người như thế nào? Tham gia nhiều hoạt động xã hội cũng như lắng nghe lời khuyên nhiều hơn từ các anh chị đi trước, trau dồi kiến thức chuyên nhiều hơn… Từ đó, bạn sẽ cảm nhận được định hướng con đường đi của mình”, Ninh nhắn nhủ. 

Gặp cô gái có biệt danh “Mẹ Nấm”

Không phải đến khi bắt đầu dấn thân vào con đường khởi nghiệp và trở thành giám đốc Cty TNHH Saha, Nguyễn Thị Lý, 28 tuổi mới được bạn bè và nhân viên đặt cho biệt danh “Mẹ Nấm”. Từ hồi năm 3 đại học, Lý đã thích nghiên cứu về các loài nấm. Hầu như ngày nào cô cũng dành thời gian trong phòng thí nghiệm của nhà trường. Đến khi ra trường, cô cùng nhóm bạn quyết định mở một phòng thí nghiệm về qui trình nuôi trồng nấm. Cái biệt danh ấy gắn với cô từ đó.

Dù thời sinh viên đã yêu thích nghiên cứu các loại nấm nhưng Lý cho biết, ấn tượng nhất với cô là nấm đông trùng hạ thảo bởi nó có sức hút rất lớn. Không phải vì nó đẹp, nó đắt tiền và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, mà nó có sự thách thức rất lớn. “Từ trước tới nay, loài này được biết nhiều hơn từ trong tự nhiên. Còn được nuôi trồng trong phòng thí nghiệm vẫn còn khiêm tốn bởi quy trình và tỷ lệ thành công khá thấp” - cô nói.

Loài đông trùng hạ thảo Cordyceps sinensis năm xưa Lý học chỉ mọc trong tự nhiên với số lượng ít ỏi, hiếm người mua được nó. Trong khi loài Cordyceps militaris cũng có những dược tính tương tự lại có thể nuôi cấy được ở môi trường Việt Nam. Từ ý nghĩ này, Lý đã từ bỏ một công việc ổn định ở công ty nghiên cứu về nấm để mở phòng thí nghiệm riêng.

Đầu năm 2015, Lý thiết kế lại từ căn phòng trọ thuê hàng tháng thành phòng thí nghiệm và bắt đầu có những nghiên cứu đầu tiên về loài nấm trên. Cả ngày lẫn đêm, Lý và nhóm bạn vùi vào việc nghiên cứu. Tuy nhiên, trong khoảng gần 2 năm, Lý liên tục gặp thất bại trong việc nuôi cấy giống khiến cả nhóm gần như kiệt quệ cả vật chất lẫn tinh thần.

Cô gái có biệt danh “Mẹ Nấm” nhớ lại, suốt ngần ấy thời gian, mọi người trong nhóm dành trọn cho nghiên cứu, không ai có thu nhập gì khác. Tích góp vốn liếng ban đầu đã dành cho việc mua giống, trang thiết bị, tiền ăn, tiền ở,…cả tiền thuê phòng trọ làm phòng thí nghiệm dần đến ngày cạn kiệt. “Lúc đó, mọi người chỉ nhìn nhau không ai nói gì. Lặng lẽ ăn mì gói rồi tiếp tục cho công việc nghiên cứu với hi vọng sẽ thay đổi được thực tại”, Lý nói.

Ðường đi không trải thảm ảnh 4 Nguyễn Thị Lý.

Áp lực hơn nữa là tiền thuê nhà trọ làm phòng thí nghiệm đã nợ mấy tháng. Bà chủ nhà đến siết nợ và tuyên bố sẽ đuổi đi nếu không trả hết mấy tháng tiền nhà. “Lúc đó, tụi mình gần như buông xuôi tất cả. Các thành viên trong phòng thí nghiệm bắt đầu chán nản, căng thẳng với nhau tưởng chừng tan rã. Cuối cùng, mọi người quyết có thể nhịn ăn chứ không thể mất phòng thí nghiệm bởi đó là tất cả còn lại của nhóm. Bế tắc lắm, mỗi người chạy vay mượn nhiều nơi để trả”, Lý nhớ lại.

“Thất bại là mẹ của thành công”, đó là câu cửa miệng của Lý để tự động viên mình và nhóm bạn. Cả nhóm không nản tiếp tục nghiên cứu thêm 9 tháng nữa. Cuối cùng, sang năm 2017, mẻ giống đầu tiên cũng thành công. Sau đó, Lý đem sản phẩm đi kiểm nghiệm cho kết quả có dược chất quý là Cordycepin và Adenosine. “Tạo ra con giống, chỉ mới chặng đường đầu. Để có được sản phẩm, nhóm phải tiếp tục chặng thứ hai là nghiên cứu quy trình sản xuất với số lượng lớn, thương mại được. Đến giữa năm 2017, nhóm mình đã hoàn thiện được nghiên cứu này và bắt đầu sản xuất đại trà” - Lý tự hào.

Nói về điều gì giúp Lý và các bạn trong nhóm vượt qua được thất bại, Lý cho biết đó là đam mê làm khoa học.

Với niềm đam mê về lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay Lý và nhóm đã nghiên cứu thành công nhiều mẻ giống và cho ra đời nhiều dòng sản phẩm đông trùng hạ thảo mang tên “Đông trùng hạ thảo Saha”. Theo Lý, dự định trong tương lai là không ngừng nghiên cứu tăng năng suất, chất lượng, đa dạng hóa loại nấm đông trùng hạ thảo. Nghiên cứu phát triển các dược liệu truyền thống theo hướng hữu cơ để cung cấp cho cộng đồng.

“Bản thân mình cùng nhóm nghiên cứu có một đam mê rất lớn, chấp nhận rủi ro. Bởi vì nếu không thật sự đam mê và có quyết tâm cao độ. Khi gặp khó khăn rất dễ nản”,

          Nguyễn Thị Lý

Hai chàng IT tạo “luật sư” ảo

 Đó là câu chuyện của nhóm bạn Bùi Xuân Nhật Minh (28 tuổi, quê TPHCM) và trưởng nhóm Cù Huy Hoàng Long (28 tuổi, quê Đà Nẵng) khi cả hai bắt tay vào khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) nhưng bị “xù lương”. Từ đây, ý tưởng viết ứng dụng LuatSuGiaiDap của hai chàng trai IT bắt đầu. Chàng IT Bùi Xuân Nhật Minh cho biết, đây là ứng dụng “luật sư” ảo tự động trả lời các thắc mắc của người dùng. Đồng thời, sẽ kết nối trực tiếp với luật sư để giải đáp những trường hợp thực tế nếu người dùng có nhu cầu được tư vấn tỉ mỉ hơn.

Nhật Minh cho biết tốt nghiệp trường FPT Aptech năm 2011. Minh bắt đầu đi làm từ đó, và từng phát triển các giải pháp cho doanh nghiệp có lượng data lớn như Mobifone, các doanh nghiệp có lượng người dùng lớn như VNG Corporation. Riêng Hoàng Long tốt nghiệp trường ĐH Khoa học Tự nhiên năm 2013, từng làm việc tại những tập đoàn nước ngoài như Gameloft, AT&T.

Ðường đi không trải thảm ảnh 5 Bùi Xuân Nhật Minh.

Năm 2017, Nhật Minh và Hoàng Long chuyển sang làm cho một công ty Startup để tìm kiếm kinh nghiệm cũng như cơ hội để khởi nghiệp cho bản thân. Thế nhưng, cả hai làm ở đây được hơn nửa năm thì công ty có thay đổi. Minh và Long xin nghỉ việc và phía công ty “xù lương”. Vốn là dân công nghệ nên việc tìm hiểu pháp luật là đều còn hạn chế với hai chàng trai công nghệ. Cả hai lên mạng tìm hiểu quy định pháp luật để đòi lại quyền lợi cho bản thân.

Theo Minh, trong môi trường hiện đại ngày nay, công nghệ luôn phát triển và xã hội càng phát triển thì vấn đề va chạm cần đến kiến thức pháp luật là vô cùng quan trọng.

 “Mình tự tìm hiểu về pháp luật, tìm hiểu thêm về các thông tin có trên internet nhưng cảm giác rất mơ hồ và hoang mang. Không biết đâu mới là thông tin chính xác về những vấn đề pháp lý mình đang gặp phải. Từ thực tế này, trong đầu mình xuất hiện ý tưởng về ứng dụng LuatSuGiaiDap”, Minh chia sẻ.

Nhưng hai chàng IT chỉ có thể viết được ứng dụng còn nội dung như việc giải đáp thế nào, cần những kiến thức luật gì thì còn mơ hồ. Cả hai đã tìm đến một văn phòng luật sư đề nghị hợp tác. “Mình rất may khi vừa trình bày ý tưởng thì vị luật sư này đã gật đầu ủng hộ. Đây là ý tưởng hay và rất thiết thực bởi hiện nay có khá ít ứng dụng hỏi đáp, tra cứu về pháp luật”, Minh kể.

Minh cho biết, mục đích của ứng dụng là giúp cho người dùng chủ động hơn trong việc tìm hiểu về pháp luật và đang có nhu cầu cần một sự tư vấn chính xác nhất và đúng vấn đề đang gặp phải. Trên ứng dụng, Minh và Long sẽ kết nối với các luật sư trực tiếp giải đáp thắc mắc, tư vấn. Ngoài ra sẽ có những dữ liệu các câu hỏi được lập trình sẵn, phần mềm sẽ tự động trả lời cho người dùng.

Định hướng phát triển của ứng dụng là thông qua kênh chat giữa người dùng và luật sư, lâu dài sẽ kết nối với các tổng đài ảo để người dùng tiện hơn trong việc gọi điện cho luật sư. “Lợi thế của ứng dụng là đảm bảo người dùng hỏi và cung cấp các bằng chứng họ đang có. “Luật sư” của ứng dụng sẽ hợp tác trả lời một cách chính xác và trọn vẹn nhất có thể, người dùng không nhất thiết phải đến văn phòng luật sư”, Minh cho biết.

MỚI - NÓNG