25 năm canh gác cổng trời

25 năm canh gác cổng trời
TP - “25 năm kéo sào chắn cổng, hiểm nguy dòm ngó, gian khổ khôn lường  nhưng may mắn chưa một lần phải đánh đổi tính mạng. Có như thế mới tồn tại đến hôm nay”.

Anh Nguyễn Văn Nam 47 tuổi, Trưởng Trạm Kiểm soát lâm sản rừng đặc dụng An Toàn (An Lão, Bình Định) nói như vậy mỗi khi gặp người dưới xuôi.

25 năm canh gác cổng trời ảnh 1
Trạm kiểm soát tại rừng đặc dụng An Toàn (Bình Định)

Trạm Kiểm soát lâm sản An Toàn nằm cách trung tâm huyện gần 50 cây số, ở độ cao 1.500m so với mặt biển. Ai đã một lần lên đỉnh núi là hết muốn về.

“Những năm 1986 trách nhiệm nặng nề hơn bởi phong trào khai thác trầm hương. Lúc đó mình còn non nớt kinh nghiệm lắm, mới lên còn sợ cọp đêm rình ăn thịt nên lúc nào cũng ôm khư khư cái súng bên hông, lấy ớt dụi vào mắt để khỏi ngủ gật, gõ ống nứa bành bạch, miệng thì hát mà mắt cay xè” -  Anh Nam nhớ lại.

Từ khi Nam khăn gói ba lô lên đường, trạm kiểm soát (TKS) thay đổi bốn lần.

“Cách nhà chưa đầy 50 cây số nhưng một chuyến về là mất một nửa lương tháng tiền đổ xăng. Ở lại là thượng sách. Nhớ vợ con quá thì nhắn người đi đường bảo vợ mua xăng gửi lên”, anh Nam tâm sự.

Khi nào người nhà nhắn vợ con đau ốm phải về chăm sóc thì về không quá một tuần. Đến Thứ Bảy, nếu vợ con chưa khỏi tôi cũng để lại cho ngoại mà lên rừng. Chứ ở nhà thêm nữa là hết chịu nổi. Lên đây ngày thì đi tuần, đêm về ôm chiếc radio.

Kết bạn với lâm tặc

Người anh em tên Hiếu, quê Quảng Trị cũng đã 17 năm đồng hành cùng cán bộ Nam nhận xét: “Anh em đây cũng bao phen lên bờ xuống ruộng với đám lâm tặc mang theo công cụ chống đối như súng, mác, lưỡi lê. Nhưng rồi đồng chí Nam cũng thu phục chúng trong vòng vài giờ bằng phương pháp có một không hai mà chỉ riêng anh ấy mới làm được”.

Anh Nam khiêm tốn: “Tôi đón đầu họ, tiếp chuyện, nói cười và kết bạn. Khi đã tin tưởng, có tình cảm thì tìm cách truyền thụ các công lệnh, văn bản cấm của Nhà nước để ngăn cản họ. Ban đầu hơi mệt nhưng rồi quen dần và đa số lâm tặc mà tôi gặp đều không quay trở lại lần hai”.

Một trong những kỷ niệm khó quên, anh nhớ lại: “Cách đây 15 năm (1995), có một nhóm khai thác gỗ lớn gồm năm người từ Gia Lai sang. Chúng tôi phải theo dõi gần hai tháng mới phát hiện được nơi chúng đóng. Trong quá trình theo dõi thấy chúng có súng, giáo mác và các loại cưa gỗ cỡ bự nên lại phải ngày đêm lò mò tìm đường về trạm để huy động thêm dân bản và chia thành năm mũi phục kích. Mất một ngày mới tóm được ba tên còn hai tên trốn thoát. Lần ấy mình tưởng tèo rồi (mất mạng – PV)”.

25 năm, người gác rừng tên Nam đã quen với lối sống và tập tục của người Ba Na. Đối với anh, mỗi người đi đường ghé trạm là một người bạn, người dân khu rừng đặc dụng An Toàn xem anh là người canh giữ sự bình yên cho họ.

MỚI - NÓNG