5 kinh nghiệm tổ chức tình nguyện từ vùng rốn lũ

Đoàn viên thanh niên luôn có mặt kịp thời để ứng cứu người dân vùng lũ (Trong ảnh: Cứu trợ người dân vùng lũ Hương Khê tháng 10/2016). Ảnh: Quang Lộc.
Đoàn viên thanh niên luôn có mặt kịp thời để ứng cứu người dân vùng lũ (Trong ảnh: Cứu trợ người dân vùng lũ Hương Khê tháng 10/2016). Ảnh: Quang Lộc.
TP - Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, Hà Tĩnh phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ bão, lũ gây ra. Việc tổ chức đoàn viên thanh niên kịp thời cứu trợ, giúp đỡ đồng bào là những kinh nghiệm quý khi thiên tai xảy ra. 

Trong ký ức của mỗi người dân Hà Tĩnh không thể nào quên trận lũ lịch sử những năm 2010, 2013 và gần đây nhất là năm 2016. Bão, lũ, lụt làm cho hàng chục gia đình mất người thân, cuốn trôi hàng trăm ngôi nhà, đưa hàng ngàn hộ dân vào tình cảnh khốn khó. Giá trị thiệt hại của mỗi đợt lên đến hàng trăm tỷ đồng… 

Xác định vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ, hàng năm, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, các cấp bộ đoàn đã thành lập và thường xuyên duy trì hoạt động các đội thanh niên xung kích (TNXK), tình nguyện phòng, chống thiên tai, bão lũ, ứng cứu, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả ở các địa phương trong toàn tỉnh.

Có thể nói, qua các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng như vậy, vai trò, vị thế của thanh niên càng thêm được khẳng định rõ nét trong xã hội; được các cấp, ngành ghi nhận, đánh giá cao; rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu nhằm hạn chế tổn thất do thiên tai gây ra.

Thứ nhất, trong điều kiện chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu như Hà Tĩnh, khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 là mùa mưa, bão, dễ xảy ra lũ lụt, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chủ động chỉ đạo các cấp bộ đoàn thành lập các đội thanh niên tình nguyện (TNTN), TNXK có danh sách, địa chỉ, số điện thoại cụ thể, nhất là tại các địa bàn thường xuyên bị lũ, lụt để kịp thời nắm thông tin, chỉ đạo trong các điều kiện cần thiết; chỉ đạo các cấp bộ đoàn rà soát nhà tạm, nhà thấp trên địa bàn; huy động TNTN, tập trung giúp đỡ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, nhà tạm chằng, chống nhà ở, chỉnh trang lưới điện khi mùa mưa bão đến; chuẩn bị phương án trú ẩn khi bão, lụt xảy ra.

Với trận lũ, lụt khủng khiếp vào tháng 10/2016, tổ chức Đoàn đã kêu gọi hơn 20 tỷ đồng ứng cứu, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Tổ chức Đoàn kết nối với các cơ quan, doanh nghiệp trong nước và kết nối với các đoàn tình nguyện từ nước ngoài như: Tỉnh Đoàn Bolykhamxay (Lào), các đoàn hội đồng hương trên cả nước cũng như lưu học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc, Úc…

Thứ hai, khi mưa lũ xảy ra Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã phân công đoàn công tác Tỉnh Đoàn xuống cơ sở chỉ đạo, nắm bắt thông tin tại các địa bàn xung yếu, thường xuyên bị lũ lụt. Huy động TNTN giúp đỡ nhân dân kê dọn vật dụng, đồ dùng, di dời tài sản đến nơi an toàn nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra; bảo vệ cây trồng, vật nuôi, các công trình, sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn, đặc biệt là tại các khu vực nguy hiểm ven biển, ven sông đề phòng nước sông, nước biển dâng cao; bố trí lực lượng hỗ trợ và bảo vệ các mô hình kinh tế thanh niên trên địa bàn, có phương án di dời nếu thấy cần thiết; cắt cử các chốt thanh niên ứng trực tại các bến đò ngang, đò dọc, ngầm qua suối, nơi ngập sâu, trũng, làm biển báo nguy hiểm và hướng dẫn người dân đi lại an toàn

Thứ ba, ngay trong mưa lũ, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn liên hệ với các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức ứng cứu, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân tại các vùng bị cô lập. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn thành lập các tổ tình nguyện, phối hợp với chính quyền và tình nguyện viên tại địa bàn tiếp cận, phát lương thực, thực phẩm các gia đình bị ngập sâu, gia đình có người già, trẻ nhỏ để hỗ trợ và động viên kịp thời.

Thứ tư, sau khi mưa, lũ đi qua, với phương châm “nước rút đến đâu, dọn sạch đến đó”, các cấp bộ đoàn huy động lực lượng TNTN chi viện phối hợp với lực lượng TNTN tại chỗ và chính quyền địa phương giúp đỡ các hộ dân, các cơ quan, đơn vị, trường học làm vệ sinh, môi trường; tặng quà cho các hộ bị thiệt hại, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em được đến trường, người dân ổn định cuộc sống, lao động, sản xuất…

Thứ năm, nhằm đồng hành, chia sẻ với bà con nhân dân vùng lũ kịp thời khắc phục các khó khăn trong và sau khi lũ rút, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn và các cấp bộ đoàn tiến hành kêu gọi, vận động từ trong tỉnh, ngoài tỉnh các nguồn lực hỗ trợ nhân dân. 

Bên cạnh các hoạt động cứu trợ giúp người dân ổn định cuộc sống sau lũ, Tỉnh Đoàn phối hợp với các đoàn tình nguyện, đoàn tình nguyện định hướng sinh kế lâu dài cho người dân như: tặng cây, con, hạt giống, tặng thuyền, bò, thẻ bảo hiểm, học bổng, xây dựng, sửa chữa nhà nhân ái, nhà, bè tránh lũ, bình lọc nước, xây dựng bể bơi, dạy bơi…

Từ thực tiễn cho thấy, tổ chức Đoàn luôn là kênh trung gian uy tín để kêu gọi, phân bổ nguồn lực xã hội hóa ứng cứu, giúp đỡ nhân dân vùng lũ. 

Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn thường xuyên cập nhật, công khai kinh phí phân bổ, nguồn lực đảm bảo đúng - đủ - kịp thời đến cho người dân vùng lũ. Những bài học, cách làm trên đã và đang được chứng minh tính hiệu quả bằng thực tiễn sinh động, cách làm sáng tạo. Ngày càng nhiều cơ quan, doanh nghiệp liên hệ với Đoàn thanh niên tổ chức tình nguyện.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI diễn ra vào cuối năm nay là sự kiện chính trị quan trọng của tuổi trẻ Việt Nam. Tại Đại hội sẽ đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ cũng như đánh dấu bước phát triển mới của tổ chức Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Việc đóng góp ý kiến để xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI là vô cùng quan trọng. Để tiếp thu ý kiến của đại hội đoàn cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho Đại hội Đoàn lần thứ XI, báo Tiền Phong mở chuyên mục: Hiến kế gửi Đại hội Đoàn. Các ý kiến đóng góp xin gửi về email: phongcamkttp@gmail.com hoặc địa chỉ: Ban Thanh niên, báo Tiền Phong, số 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.