5 năm xây dựng đảo Thanh niên: Nếu cứ đợi cơ chế đâu cần thanh niên

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cùng các đại biểu khánh thành công trình Công viên Tuổi trẻ sông Hồng trên đảo Bạch Long Vĩ. Ảnh: Trường Phong.
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cùng các đại biểu khánh thành công trình Công viên Tuổi trẻ sông Hồng trên đảo Bạch Long Vĩ. Ảnh: Trường Phong.
TP - “Nếu cứ đợi cơ chế, chỉ kêu khó thì không phải đợi thanh niên chúng ta làm. Trong điều kiện như vậy cần phải kiên trì sáng tạo, chọn việc để làm”, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương nói tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện đề án xây dựng đảo thanh niên toàn quốc, ngày 14/3.

Thay da đổi thịt

Hội nghị diễn ra trên đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), nơi xây dựng đảo thanh niên đầu tiên trên cả nước. Anh Nguyễn Công Diễn, Tổng đội trưởng Tổng đội thanh niên xung phong (TNXP) Hải phòng cho biết, năm 1993, khi các TNXP ra đảo, nhiều khu vực chỉ có cát, đá và cây xương rồng. Điều kiện khắc nghiệt, sóng to gió lớn, nước ngọt khan hiếm. “Bằng quyết tâm và sự đoàn kết, TNXP đã biến cát sỏi thành nhà ở, thành vườn rau xanh, thành cơ sở vật chất... Đảo xanh tươi như hôm nay có phần đóng góp của TNXP”, anh Diễn nói.

Theo anh Diễn trong giai đoạn mới, Tổng đội TNXP đã trưởng thành, xung kích nhận nhiều việc khó như dự án hồ nước ngọt, trồng rừng phòng hộ, làm hệ thống công viên, vườn cây xanh, phối hợp với các đơn vị tham gia công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. “Lực lượng TNXP đã bổ sung dân số trẻ cho đảo, có nhiều đồng chí chuyển sang làm cán bộ lãnh đạo, làm ở các phòng ban của huyện”, anh Diễn nói và cho biết sẽ áp dụng khoa học kỹ thuật cho thanh niên về trồng trọt, chăn nuôi thủy hải sản, qua đó, xây dựng phong trào lập thân, lập nghiệp...

Anh Hoàng Văn Hải, Phó bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh cho biết, tại đảo Trần đã có nhiều cơ chế hỗ trợ cho các hộ dân ra sinh sống. Cụ thể, đến nay, đã phối hợp với Cty của Bộ Quốc phòng xây dựng được 17 căn nhà cho các hộ dân ra đảo. Cùng với đó, đã lập quy hoạch cụ thể về phát triển kinh tế xã hội đảo Trần. Hiện nay, trên đảo đã có trường học liên cấp mầm non và cấp 1. Đảo có 1 bác sĩ, 4 y sĩ và 3 y tá chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. “Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp kéo điện lưới ra đảo Trần”, anh Hải nói. Từ ngày có quy hoạch xây dựng đảo Trần thành đảo thanh niên, trên đảo đã xây dựng nhiều công trình lớn như cột cờ Tổ quốc, làm khuôn viên công trình nhà chờ... trị giá nhiều tỷ đồng.

Phó bí thư Tỉnh Đoàn Kiên Giang Lâm Quốc Toàn cho biết, từ năm 2015 đến nay, dân cư đảo thanh niên Thổ Chu đã tăng từ 1.600 lên 1.900 nhân khẩu. UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, giao Tỉnh Đoàn làm chủ đầu tư xây dựng đảo Thổ Chu. Trong giai đoạn chờ vốn, Tỉnh Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như lắp đặt hệ thống vi tính, kết nối internet, xây dựng hệ thống nước sạch, lắp trụ điện năng lượng mặt trời, mở thư viện, dựng vườn rau thủy canh...

Kiên trì sáng tạo, chọn việc làm

Tại hội nghị các ý kiến cũng chỉ ra nhiều hạn chế, nhất là nguồn vốn phát triển đảo thanh niên. Anh Nguyễn Công Diễn cho biết, từ ngày có quyết định của Thủ tướng phê duyệt đảo Bạch Long Vĩ trở thành đảo thanh niên, đảo chưa khai thác được nguồn vốn nào từ chương trình để có nguồn lực đầu tư cho các công trình, phần việc trên đảo. Anh Diễn cũng nêu quan điểm, lãnh đạo T.Ư Đoàn, lãnh đạo các tỉnh, thành có đảo thanh niên nên lập quy hoạch kiến trúc, quy hoạch đầu tư theo đặc trưng của từng đảo, ưu tiên lĩnh vực để thanh niên có thể yên tâm cống hiến, trong đó quan trọng nhất là cơ sở vật chất, hạ tầng điện đường trường trạm... “Cần có cơ chế chính sách riêng, thu hút nguồn nhân lực, tạo kế sinh nhai cho người trẻ bám đảo. Được ưu đãi về thuế, giá để thu hút đầu tư, khuyến khích ngư dân và người trẻ bám đảo, bám biển”, anh Diễn đề xuất.

Anh Hoàng Văn Hải đề xuất cần tổ chức các đoàn ra thăm đảo, phát triển du lịch. “Đảo Trần được quy hoạch về dịch vụ hậu cần nghề cá. Người dân bây giờ còn nghèo, T.Ư Đoàn cũng nên có kế hoạch để phối hợp với các bộ ngành chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân vươn lên làm giàu, kiên trì bám biển, bám đảo”, anh Hải nói.

Phó bí thư Tỉnh Đoàn Bình Định Lương Đình Tiên cho biết, đảo Cù Lao Xanh chưa có điện lưới. Cùng với đó, hệ thống xử lý nước thải, rác thải chưa có. “Chúng tôi phải tính toán phát triển cơ sở hạ tầng để giữ thanh niên lại. Hiện thanh niên học xong lớp 10 là vào đất liền vì trở lại đảo không biết làm gì để sống”, anh Tiên nói. Với Cù Lao Xanh, tỉnh Bình Định xác định phát triển theo hướng du lịch và nuôi trồng hải sản.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho rằng, cần kiên trì triển khai đề án xây dựng đảo thanh niên trong thời gian tới. Trong thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề, từ cơ chế chính sách, nguồn lực thực hiện, công tác tuyên truyền về đề án. Có những phần việc làm chưa tới, chưa đạt kết quả tốt; tính chủ động, tinh thần vượt khó sáng tạo, kiên quyết đeo bám, kiên trì thực hiện còn chưa cao. “Có nhiều nguyên nhân, có nhiều khó khăn nhưng nếu cứ đợi cơ chế, chỉ kêu khó thì không phải đợi thanh niên chúng ta làm. Trong điều kiện như vậy cần phải kiên trì sáng tạo, chọn việc để làm. Có những việc từ thanh niên làm kiến nghị ra cơ chế, tự làm ra mô hình để nhân rộng”, anh Lương nhấn mạnh.

Theo anh Lương, trong thời gian tới, T.Ư Đoàn sẽ giám sát, hướng dẫn triển khai với các tỉnh, thành đoàn, phối hợp với các bộ, ngành tăng cường cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp triển khai thực hiện. Đặc biệt rà soát lại, mỗi đảo có điều kiện khác nhau về địa lý, về dân cư, về hạng mục ưu tiên thực hiện, phải rà lại kỹ có sự phân bổ, lựa chọn từng hạng mục cụ thể. “Với khí thế của tuổi trẻ, thanh niên sẽ làm hết trách nhiệm các nội dung, không ngại khó. Cũng mong nhận thêm sự thấu hiểu, thêm ý kiến, thêm gợi ý để thanh niên làm tốt công việc của mình, vì công việc chung”, anh Lương nói thêm.

Chiều 14/3, 100 ĐVTN, các ngư dân, cán bộ chiến sĩ trên đảo Bạch Long Vĩ được khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí; đồng thời khánh thành công trình thanh niên cải tạo, nâng cấp Công viên Tuổi trẻ sông Hồng và khởi công xây dựng công viên mới trên đảo.

MỚI - NÓNG