6 vị “đại sứ đất ngập nước”

6 vị “đại sứ đất ngập nước”
6 SV trường Đại học KHTN Hà Nội đã được nhận danh hiệu “Đại sứ vùng đất ngập nước” với công trình nghiên cứu đoạt giải 3 cuộc thi “Dòng sự sống từ núi nguồn đến biển” do WWF tổ chức.
6 vị “đại sứ đất ngập nước” ảnh 1

 6 nữ “đại sứ” trong màu áo tình nguyện vì môi trường

Mới bước vào năm học thứ 2, chưa một buổi học về chuyên ngành môi trường nhưng 6 cô gái ở trường Đại học KHTN Hà Nội đã mạnh dạn tham gia cuộc thi nằm trong chiến lược bảo tồn các vùng đất ngập nước.

Thực hành đi trước một bước

Lúc thầy Chủ nhiệm khoa Môi trường Phạm Ngọc Hồ giới thiệu về cuộc thi cho đến ngày đăng ký chỉ còn có…3 ngày.

Nghe ngóng mãi mà cả khoa chẳng có nhóm nào đăng ký, 6 cô gái chơi thân với nhau ngay từ ngày bước chân vào lớp K6 cử nhân tài năng (khoa Môi trường - ĐH KHTN - ĐH Quốc gia Hà Nội): Nguyễn Hồng Hạnh, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Hương Giang, Đỗ Hải Yến, Lê Bích Thuỷ, Nguyễn Thị Xuân cùng nhau “liều” đến Ban tổ chức đăng ký.

Vừa bước chân vào học năm thứ 2, chưa một ngày được học môn chuyên ngành môi trường nhưng cả nhóm quyết tâm theo đến cùng. Cùng với dự án “Nghiên cứu và truyền thông môi trường cho cộng đồng tại khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long” (Gia Viễn-Ninh Bình), cái tên NUS-84 của nhóm ra đời.

Đội phó Thanh Hải giải thích: “NUS là viết tắt của tên trường bằng tiếng Anh National University of Science. Còn 84, đó là năm sinh (1984) của cả 6 thành viên”.

NUS-84 chia thành 3 nhóm với nhiệm vụ cụ thể: Hạnh, Hải liên hệ với địa phương, thuyết phục chính quyền xã Gia Vân và người dân tham gia trong quá trình triển khai dự án. Yến, Xuân, Giang thu thập thông tin, đọc các tài liệu về vùng đất ngập nước Vân Long, biên tập các bài giảng, thiết kế các phương án ứng dụng trên thực tế. Thủy và đội ngũ tình nguyện viên làm công tác xin viện trợ…

Mọi việc khá suôn sẻ, cả nhóm đến Vân Long trong những ngày mưa lầy lội. Đội trưởng Hồng Hạnh cho biết, Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long mới được thành lập năm 2001 và là khu vực đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam.

Vân Long chứa đựng nhiều cảnh quan đẹp và đa dạng sinh học lớn.  NUS-84 đã tiến hành tuyên truyền giáo dục môi trường cho các em học sinh và mở rộng ra cộng đồng địa phương; Nghiên cứu toàn diện khu bảo tồn. Nhằm giới thiệu về Vân Long đến với công chúng, NUS-84 còn xây dựng trang web: www.nus-84.org.

10 ngày tiến hành dự án tại Vân Long, nửa tháng hoàn thành công trình nghiên cứu các cô gái thu được nhiều kiến thức từ việc biết tổ chức sắp xếp chương trình nghiên cứu thực địa, viết báo cáo thu hoạch, kỹ năng truyền thông, biên soạn tài liệu để viết sách, thậm chí, theo đội phó Thanh Hải, NUS-84 còn có thêm kinh nghiệm…làm thế nào để xin tiền tài trợ cho dự án.   

Thương hiệu tình nguyện NUS-84

Thông minh, hoạt bát và năng nổ với các hoạt động tình nguyện vì môi trường, 6 “đại sứ” còn có thành tích học tập đáng nể: Yến, Thủy, Xuân lúc nào cũng có điểm trên 8,5. Riêng Hạnh, Hải, Giang lúc nào cũng xuất sắc với số điểm tổng kết gần 10. Nhưng chỉ học lý thuyết tốt mà không có thực hành thì chưa đủ.

Đội trưởng Hồng Hạnh cho biết, 3 đội của Việt Nam lọt vào vòng chung kết thì 2 đội từ Viện Môi trường và ĐH Bách khoa đều có tuổi đời và tuổi nghề nhiều hơn nhưng nhờ chất lượng những bài giảng kết hợp với hoạt động thực tế và tinh thần lao động không mệt mỏi, NUS-84 đã vượt lên và đoạt giải.

Trong thời gian tiến hành dự án tại Vân Long, nhóm NUS-84 dành nhiều thời gian làm tình nguyện bảo vệ môi trường. Hoạt động này của NUS-84 nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân và những người quan tâm tới môi trường.

Ngay sau cuộc thi, Ban chủ nhiệm khoa Môi trường đã quyết định chọn NUS-84 làm cái tên cho mọi hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường của sinh viên trong khoa. 

MỚI - NÓNG