60 năm một tượng đài

60 năm một tượng đài
TP - Vậy là đã tròn 60 năm kể từ ngày anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn hi sinh, còn có những câu chuyện cảm động của ngày ấy mà không nhiều người biết.

Vào ngày 14 - 1 - 1950, ngày đưa tang anh Trần Văn Ơn. Thần Chung lúc ấy là một trong những tờ báo đưa tin, bài đậm nhất về sự kiện này. Ngay trang nhất, Thần Chung giật tít: “Các lớp quần chúng, hơn nửa triệu người đưa đám tang cậu Trần Văn Ơn” cùng ba tấm hình trong lễ đưa tang.

Tường thuật lễ tang, báo này viết: “Trời vừa mờ sáng, tất cả các nẻo đường dẫn vô trường Trung học Petrus Ký đã chật người. Mặc dầu nhà chức trách chỉ cho phép cử hành đám tang của Trần Văn Ơn từ nhà xác qua đất Thánh, song tất cả sinh viên và học sinh cùng nhiều đoàn thể khác đã tụ tập tại trường Petrus Ký, nơi Trần Văn Ơn từng học rồi từ đó các đoàn thể mới kéo nhau vào Cholon (Chợ Lớn – PV). Khoảnh đất rộng trong trường không còn một chỗ nào trống…”.

Sau lễ tang, các báo tường thuật rất nhiều chuyện cảm động. Trước bàn thờ của anh Trần Văn Ơn tại trường Petrus Ký, một cụ bà khoảng 60 tuổi cầm bó nhang đến, nhất định vái lạy cho được dù nhiều người ngăn lại vì người mất cũng chỉ bằng tuổi con cháu bà. Nhưng bà dõng dạc: “Tôi không phải lạy Ơn mà tôi lạy người anh hùng”.

Trên quan tài, có hai miếng vải vẽ bằng máu. Một là miếng vải thấm máu được xé từ áo anh Trần Văn Ơn. Miếng vải kia là những giọt máu mà học sinh – sinh viên cắt từ tay mình nhuộm đỏ. Một nhóm lính người Pháp cũng mang đến tại trường Petrus Ký hai tràng hoa với dòng chữ “Soldats Democrates” (chiến sĩ dân chủ) và “Máu học sanh” (Máu học sinh - PV).

Câu chuyện của người chị dâu

Ít ai biết câu chuyện rất cảm động liên quan đến người chị dâu của anh Trần Văn Ơn. Bà Đoàn Thị Thanh, mọi người trong nhà thường gọi thân mật là chị Tám, dù về làm dâu gia đình anh Trần Văn Ơn 14 năm sau ngày anh mất nhưng lại là người có liên hệ rất cảm động đến anh.

Năm 1964, khi đang công tác Hội Phụ nữ tại Huyện ủy Hồng Ngự (Đồng Tháp), bà gặp ông Trần Văn Tín, là anh của anh Trần Văn Ơn về đây làm việc. Nhưng chỉ đến khi ông Tín bộc bạch rằng mình là anh của anh Trần Văn Ơn, bà mới nguyện một lòng theo ông về nhà.

Bà kể rằng từ năm 1950, ngày Ông Trần Văn Ơn mất, bà đã vận động tất cả các đoàn thể tại huyện tổ chức chiến đấu mạnh mẽ để trả thù cho cái chết của anh. Từ đó trở đi, tinh thần dũng cảm của Trần Văn Ơn đã tác động rất sâu sắc đến con đường hoạt động cách mạng của bà và anh chính là sợi dây xuyên suốt để bà đồng ý về với gia đình .

Theo chủ trương của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Tỉnh ủy Bến Tre, sắp tới sẽ khởi công Khu tưởng niệm anh Trần Văn Ơn tại nhà của anh (xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Đây cũng được xem như nơi phát xuất của phong trào học sinh- sinh viên trên toàn quốc.
MỚI - NÓNG
Bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
TPO - Ngày 4/5, tại Hà Nội, Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội công bố Nghị quyết và trao Quyết định của Ban Giám hiệu nhà trường bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đối với PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, từ ngày 1/5/2024, thời hạn 5 năm kể từ ngày có hiệu lực.