7 bác sĩ tình nguyện về vùng khó: Phát huy sức trẻ, thực hiện hoài bão

Bác sỹ trẻ khám bệnh cho em nhỏ ở huyện Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: T.H.
Bác sỹ trẻ khám bệnh cho em nhỏ ở huyện Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: T.H.
TP - Ngày 28/6, tại huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), Bộ Y tế tổ chức lễ bàn giao 7 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I đầu tiên trong tổng số 78 bác sĩ đang được đào tạo theo dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng đặc biệt khó khăn.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều vất vả trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do hệ thống y tế còn một số bất cập. Một trong những nguyên nhân là do thiếu nguồn nhân lực y tế, nhất là đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn chuyên sâu.

Bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết, chuyên ngành ngoại khoa – một trong 7 bác sĩ được bàn giao về công tác tại các huyện nghèo lần này, chia sẻ: “Trong 3 năm về Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà công tác chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, với kiến thức đã học của các thầy ở các bệnh viện lớn, cùng với sự trau dồi thêm về chuyên môn, tôi hy vọng cùng các thầy thuốc tại địa phương sẽ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân nơi đây”. Mới đây, Nguyễn Chiến Quyết đã thực hiện ca mổ cho một bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà khi bác sĩ trẻ này đi tiền trạm trước khi chính thức gắn bó với người dân nơi đây.

Được hỏi khi tham gia vào dự án bác sĩ trẻ về vùng khó khăn, cô gái nhỏ nhắn Cao Thị Hoàng Yến (sinh năm 1990) cho biết, về với vùng sâu, vùng xa sẽ không được tiếp xúc với nhiều loại bệnh tật như khi làm việc tại tuyến trung ương, nhưng bù lại những bác sĩ trẻ sẽ có cơ hội được thử thách, tự lập và quyết đoán hơn khi bên cạnh không còn các thầy trợ giúp. Trở thành bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương trong 2 năm tới, Yến tin rằng những kinh nghiệm mà mình tích lũy được trong những năm thực hành làm bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai sẽ trở thành hành trang quý báu giúp chẩn bệnh tốt nhất cho bà con.

Trách nhiệm với cộng đồng

Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng đặc biệt khó khăn lựa chọn những người tốt nghiệp loại khá, giỏi, tình nguyện, được đào tạo chính quy Chuyên khoa I. Theo nội dung của dự án, các bác sĩ tập trung cho thực hành tay nghề sau đó về công tác tại các huyện nghèo, khó khăn, 3 năm đối với nam và 2 năm đối với nữ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ họ trở về làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế (nơi các bác sĩ đã được xét tuyển vào làm việc trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn). Những bác sĩ trẻ này sẽ trở thành nguồn cán bộ được đào tạo về các chuyên khoa sâu hoặc đào tạo về công tác quản lý y tế. Ngoài ra, họ còn được hưởng các chế độ đối với cán bộ y tế làm việc tại vùng sâu, miền núi, vùng khó khăn theo quy định…

Bảy bác sĩ trẻ tình nguyện được Bộ Y tế lựa chọn sẽ về làm việc tại các cơ sở y tế của các huyện nghèo của 4 tỉnh: Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên và Sơn La. TS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết: “Đây là những bác sĩ đầu tiên của dự án, gồm 1 bác sĩ chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, 1 bác sĩ chuyên ngành ngoại khoa và 5 bác sĩ nhi khoa. Trước đó, những bác sĩ này tốt nghiệp Đại học Y loại khá, giỏi và được đào tạo thêm 2 năm, theo phương thức cầm tay chỉ việc tại các bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương”.

Hiện dự án đã thu hút được nhiều bác sỹ trẻ tình nguyện đăng ký tham gia, đang đào tạo 5 khóa bác sỹ chuyên khoa I cho 78 bác sĩ thuộc 9 chuyên ngành tại trường Đại học Y Hà Nội với một khung chương trình đào tạo đặc biệt theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Đến nay đã khớp được cung cầu và tuyển dụng 25 bác sĩ thành viên chức của 12 bệnh viện tuyến Trung ương trực thuộc Bộ Y tế trước khi đưa về công tác tại các huyện nghèo, khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thêm, Bộ sẽ đề xuất việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm đối với cộng đồng của các bác sĩ trẻ tình nguyện. Theo đó, các bác sĩ trẻ trước khi được tuyển dụng, bổ nhiệm cần có thời gian công tác, cống hiến tại các vùng sâu, vùng xa để trải nghiệm, phát huy sức trẻ, hoài bão phục vụ đồng bào ở vùng khó. 

Qua tổ chức khảo sát thực trạng bác sĩ cho thấy còn thiếu khoảng 600 bác sĩ thuộc 15 chuyên khoa, trong đó 7 chuyên khoa có nhu cầu nhiều nhất là Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm, Chẩn đoán hình ảnh. Tổng số bác sĩ còn thiếu của 7 chuyên khoa này là 316 người.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.