8.3 với du học sinh

8.3 với du học sinh
TPO - Qua email, chat phóng viên TPO đã ghi lại suy nghĩ của các nam sinh viên Việt Nam ở nước ngoài nói về ngày 8/3 và sự bình đẳng nam nữ.

Lê Khoa (Sinh năm 1981, Houston - Mỹ): Nếu phụ nữ làm rồi thì đàn ông chẳng cần làm!

Tôi có ba người bạn thân và chưa bao giờ thấy họ làm việc nhà giúp bạn gái. Họ có quan điểm là nếu phụ nữ đã làm rồi thì đàn ông còn làm làm chi. Chính việc phụ nữ hay nhúng tay vào làm mọi thứ đã khiến cho đàn ông trở nên lười biếng và ỷ lại!

Vấn đề này là khác nhau ở mỗi người, đàn ông không phải ai cũng làm biếng.

8.3 với du học sinh ảnh 1
Thúy Ngọc

Nguyễn Thúy Ngọc (SN 1985, Ishikawa - Nhật Bản):Có bình đẳng giới hay không, phần lớn phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế

Các du học sinh người Việt ở bên này rất nhiều người mang theo vợ, con. Đàn ông cũng tranh thủ giúp đỡ vợ làm việc nhà nhưng không nhiều vì việc học và đi làm thêm đã chiếm gần hết thời gian rồi. Thế nên hầu như phụ nữ phải chủ động thu xếp.

Có bình đẳng giới hay không, theo tôi phần lớn phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế. Một nước nghèo thì đừng mơ có được sự bình đẳng này, nhất là một quốc gia mà tư tưởng trọng nam đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân như ở Việt Nam.

8.3 với du học sinh ảnh 2
Việt Tiến

Lê Việt Tiến (SN 1980, học Ph.D degree ở Chulalongkorn University - Bangkok, Thailand): Còn nghèo là còn bất bình đẳng giới

Ở Thái Lan có nhiều cặp du học sinh người Việt sống chung. Các nam du học sinh thường chăm chỉ hơn khi họ sống ở nước ngoài. Do một phần ăn uống ở bên này tệ quá, phần nữa, sinh hoạt phí luôn là vấn đề nan giải đối với các du học sinh nên họ phải tự nấu ăn mới sống được. Các bạn nữ vì thế cũng được bạn trai của mình chia sẻ công việc “gia đình”.

Mới đây tôi có nói chuyện với một cậu người Hàn Quốc, cậu ta rất ngạc nhiên khi tôi nói vợ tôi vẫn đi làm sau khi cưới vì ở Hàn Quốc người phụ nữ lấy chồng xong sẽ chỉ ở nhà chăm lo gia đình. Tranh luận cuối cùng vẫn là do vấn đề kinh tế.

Cậu ta nói, nếu vợ đi làm thì hai vợ chồng phải thuê người giúp việc mất khoảng 8.000 won, trong khi lương của vợ là 9.000 won, cách tốt nhất chăm sóc chu đáo cho gia đình là cho vợ nghỉ làm.

Đấy là ở nước bạn, còn gia đình người Việt mình vẫn nghèo quá, nên chúng tôi vừa làm vừa chăm sóc gia đình. Mặc dù biết sẽ thiệt thòi cho người phụ nữ vì họ vừa phải công tác xã hội vừa gánh thêm việc nhà nhưng cũng đành chịu.

8.3 với du học sinh ảnh 3
Đức Ngọc

Nguyễn Đức Ngọc (SN 1984 - Praha, Séc): Đều bình đẳng

Sống ở đây mỗi người một công việc và đều tự lập, nên hầu hết các du học sinh đều tự làm tốt phần việc của mình.

Vì thế khi sống chung, cả nam và nữ đều bình đẳng trong các việc như đi siêu thị, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa…

Đặng Văn Sơn (SN 1981, Birmingham, UK): Rất ít người có thể nghĩ “thoáng” hơn

8.3 với du học sinh ảnh 4
Đặng Văn Sơn

Bên này, một số cặp du học sinh sống với nhau, đôi khi con gái vẫn làm nhiều hơn con trai. Tôi nghĩ đó là do ảnh hưởng của cách giáo dục khi họ còn nhỏ. Nhiều bạn gái ở Việt Nam được gia đình dạy dỗ từ nhỏ theo quan niệm của một “phụ nữ cổ điển”.

Vì thế lớn lên họ tiếp tục thực hiện “thiên chức” của mình. Tôi nghĩ bình đẳng giới đi liền với sự phát triển xã hội và quan niệm xã hội, khi xã hội phát triển thì quan niệm cũng sẽ tiến bộ theo.  

Nhìn chung ở đây, tuy có khá hơn ở Việt Nam nhưng con trai vẫn còn “khắt khe” với con gái lắm. Ví dụ, một cậu con trai từng yêu rất nhiều người, có “quan hệ” rất nhiều thì cậu ta vẫn nghĩ là không sao, nhưng nếu thấy một cô gái cũng yêu nhiều và có nhiều quan hệ khác thì lập tức trong đầu cậu ta sẽ nghĩ khác, thậm chí chỉ nghĩ đến chuyện chơi bời chứ không phải là yêu để xác định điều gì.

Có lẽ điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con trai rồi, rất ít người có thể nghĩ “thoáng” hơn được.

Món quà của người con xa quê

Nguyễn Duy Chính (SN 1985, Gwangchu, Hàn Quốc): Hơn một năm xa gia đình tôi mới thấm thía nỗi nhớ nhà và luôn thấy nhớ mẹ nhiều nhất. Chủ ý về Việt Nam đúng dịp 8/3, tôi muốn làm điều mà hơn 20 năm qua tôi chưa làm được là ôm mẹ một cái ôm thật chặt và nói: “Con yêu mẹ!". Tôi nghĩ, tôi về thăm nhà vào dịp này sẽ là món quà mà mẹ thích nhất.

Lê Khoa (Houston - Mỹ): Tôi theo gia đình sang Mỹ định cư từ nhỏ nên chưa thật hiểu ý nghĩa ngày lễ 8/3 ở Việt Nam. Gần đây, mẹ mới nói cho tôi biết về ngày này. 

Món quà tôi dành tặng mẹ nhân ngày Phụ nữ Việt Nam là tấm vé máy bay về thăm quê, vì từ hồi sang đây, mẹ chưa có cơ hội trở lại quê hương. Khi nhận món quà từ tay tôi, mẹ rất hạnh phúc và tôi cũng thấy vui vì đến giờ tôi đã làm được một việc có ý nghĩa cho mẹ.

Đặng Văn Sơn (Birmingham, UK): Ở bên này cũng có ngày Mother’day, vừa được tổ chức vào 2/3 (trước lễ Phục sinh 3 tuần hàng năm). Ngày 8/3 ở đây các du học sinh vẫn đi học, người đi làm vẫn đi làm bình thường có cảm giác giống như các ngày khác, tôi không thấy có hoạt động gì đặc biệt.

Thường thì tôi và bạn bè chỉ gửi những tin nhắn chúc mừng hay một vài lời chúc trên blog tới các bạn gái thôi. Và ở xa thế này cũng chỉ có thể gọi điện về nhà chúc mừng mẹ.

Nguyễn Đức Ngọc (Praha, Séc): Tôi gửi lời chúc và những tin tức tốt nhất về cho mẹ, tôi biết như thế là mẹ đã vui lắm rồi. Có một thông tin tôi luôn phải gửi để bố mẹ “an tâm” là: con chưa có người yêu hay cái gì đó tương tự. Vì bố mẹ tôi rất sợ con trai sẽ yêu và lấy một cô vợ... Tây.

Lê Việt Tiến (Bangkok, Thailand): Gần 4 năm ở đây rồi, năm nay tôi chỉ có thể gọi điện và gửi thiệp chúc mừng về cho gia đình và vợ thôi. Điều kiện không cho phép thì mình đành phải vậy. Hai vợ chồng mới cưới đã phải xa nhau, chúng tôi chỉ có thể điện thoại và chat tâm sự cho vơi đi nỗi nhớ, nhất là trong những ngày lễ 8/3 như thế này.

Nguyễn Thúy Ngọc (Ishikawa, Nhật Bản): Tôi gửi về cho mẹ một bộ mỹ phẩm dưỡng da hợp với độ tuổi mẹ và một khoản tiền nhỏ tôi dành dụm được từ học bổng. Dẫu không nhiều nhưng tôi nghĩ mẹ và mọi người ở nhà sẽ hiểu được tình cảm của đứa con xa nhà như tôi.

Mai Anh
 (Thực hiện)

MỚI - NÓNG